Trao đổi với PV Dân Việt, ông Võ Quan Huy – Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, người được mệnh danh là “vua chuối” miền Tây cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay ông vẫn bán chuối đều đặn cho khách hàng Trung Quốc, giá không tăng nhưng sản lượng tiêu thụ khá tốt.
Trung bình mỗi tuần, ông Huy xuất khẩu từ 20 – 30 container chuối tươi sang Trung Quốc, chưa kể tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Hiện ông Huy đang có gần 700ha diện tích trồng chuối, bưởi, sầu riêng ở xã Hiệp Hoà, huyện Đức Hoà (tỉnh Long An). Trước đó, năm 2023, đơn hàng mua chuối từ Việt Nam tăng trưởng rất cao so với năm trước, không chỉ riêng thị trường Trung Quốc mà cả ở các thị trường khác. Hầu hết các đơn hàng có mức giá rất tốt, qua đó giúp nông dân và doanh nghiệp có thu nhập tốt từ cây chuối.
“Trung Quốc có nhu cầu rất lớn đối với chuối và các loại trái cây khác, quan trọng là chúng ta có đáp ứng được yêu cầu của họ hay không mà thôi. Chuối của Việt Nam trồng ở nhiều nơi, chất lượng tốt nhưng không đồng đều” – ông Huy nói.
Chia sẻ với Dân Việt về mong ước đầu năm Canh Thìn, ông Võ Quan Huy bày tỏ: Chúng tôi rất mong năm nay Bộ Nông nghiệp và PTNT, các cơ quan liên quan đàm phán thành công thủ tục xuất khẩu bưởi chính ngạch sang Trung Quốc. Nếu chúng ta đàm phán được, chắc chắn quả bưởi sẽ trở thành trái cây “tỷ đô” mới của Việt Nam.
"Bên cạnh đó, việc xuất khẩu trái bưởi sẽ có ý nghĩa "chia lửa" cho cây sầu riêng bởi hiện nay, diện tích trồng mới sầu riêng đang tăng rất "nóng", nhiều nơi vượt quy hoạch. Trái bưởi có ưu thế lớn là mọi thị trường đều ăn, bảo quản, vận chuyển cũng dễ hơn. Chỉ cần được xuất khẩu chính ngạch thì mọi thứ về quy trình sản xuất trái bưởi sẽ được chuẩn hoá" - ông Huy phân tích.
"Vua chuối" miền Tây khẳng định, Việt Nam có thế mạnh về quả bưởi, đặc biệt là bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, bưởi Diễn được trồng phổ biến ở rất nhiều địa phương, có chất lượng tốt. Điều cần làm hiện nay là người nông dân trồng bưởi cần nâng cao kỹ thuật chăm sóc, bao trái cho quả bưởi để chất lượng và hình thức trái bưởi đồng đều, mẫu mã đẹp hơn, đáp ứng được yêu cầu của những thị trường khó tính.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), năm 2022, cả nước có khoảng 105.400ha trồng bưởi, sản lượng gần 905.000 tấn với nhiều giống bưởi khác nhau. Trong đó vùng ĐBSCL có diện tích trồng bưởi lớn nhất với khoảng 32.000ha, sản lượng khoảng 370.000 tấn (chủ yếu là bưởi da xanh).
Tiếp đó là vùng Trung du miền núi phía bắc có hơn 30.000 ha với sản lượng hơn 250.000 tấn; Đồng bằng sông Hồng có hơn 13.000 ha với sản lượng trên 175.000 tấn. Dù mấy năm qua quả bưởi cho hiệu quả kinh tế khá cao nhưng giá cả không ổn định, lên xuống thất thường theo nhu cầu "ăn hàng" của thị trường Trung Quốc.
Năm 2022, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã cho phép xuất khẩu trái bưởi tươi của Việt Nam vào thị trường nước này. Bên cạnh đó, quả bưởi Việt Nam cũng được xuất khẩu sang một số nước châu Âu, châu Á, Australia và Canada...