Dân Việt

Thế giới có ít chết chóc hơn nếu Hitler bỏ mạng trong các vụ ám sát?

Nguyễn Thái 09/02/2024 19:31 GMT+7
Theo thống kê của trang History, trùm phát xít Adolf Hitler đã sống sót qua ít nhất 6 vụ ám sát. Nhiều người tò mò muốn biết điều gì sẽ xảy ra nếu một trong những vụ ám sát này thành công. Một số sử gia đã đưa ra các giả thuyết cho 2 vụ ám sát "hụt" Hitler được nhiều người nhắc tới nhất.

Vụ ám sát năm 1939

Đúng 21h20 ngày 8/11/1939, một quả bom phát nổ tại Bürgerbräukeller, quán bia ở thành phố Munich, xứ Bavaria, Đức. Tại đây, một buổi lễ được tổ chức nhằm kỷ niệm 16 năm sự kiện Đảo chính Quán bia (Beer Hall Putsch) do Adolf Hitler, Chủ tịch của Đảng Quốc Xã cực hữu, phát động năm 1923. Đây là nỗ lực đầu tiên của Hitler nhằm giành lấy quyền kiểm soát chính phủ Đức.

Thế giới có ít chết chóc hơn nếu Hitler bỏ mạng trong các vụ ám sát?- Ảnh 1.

Adolf Hitler sống sót qua nhiều vụ ám sát. Ảnh minh họa: Quora.

Quả bom được gài bởi Johann Georg Elser, thành viên đảng cực hữu - người dành một năm để chế tạo quả bom, khi biết tin Hitler sẽ phát biểu tại quán Bürgerbräukeller. Elser, một thợ mộc xuất thân trong gia đình theo đạo Tin lành, đã đứng ra với ý định ngăn chặn sự hung hăng của Hitler.

Thế giới có ít chết chóc hơn nếu Hitler bỏ mạng trong các vụ ám sát?- Ảnh 2.

Johann Georg Elser, người thực hiện vụ ám sát Hitler năm 1939. Ảnh: Alamy.

Elser một mình thực hiện việc ám sát Hitler mà không có bất kỳ ràng buộc nào liên quan tới các tổ chức chính trị. Trong vài tháng, người thợ mộc thường ăn tối tại quán bia Bürgerbräukeller rồi tìm cách lẻn vào hội trường, nơi dự kiến diễn ra buổi lễ kỷ niệm, để khoét một lỗ trên cây cột cạnh bục diễn thuyết. Đó là nơi Elser đặt quả bom hẹn giờ.

Nhưng khi bom nổ, Hitler không còn ở đó. Do sương mù dày đặc, trùm phát xít đã kết thúc bài phát biểu sớm hơn dự kiến ban đầu để có thể trở về Berlin bằng tàu hỏa thay vì máy bay.

Hitler và các nhân vật cấp cao của Đức quốc xã rời hội trường lúc 21h07. Đúng 13 phút sau, quả bom hẹn giờ phát nổ, 7 người thiệt mạng và dĩ nhiên Hitler không nằm trong số đó.

Thế giới có ít chết chóc hơn nếu Hitler bỏ mạng trong các vụ ám sát?- Ảnh 3.

Hitler phát biểu tại quán bia Bürgerbräukeller ở Munich, Đức, hôm 8/11/1939. Ảnh: Alamy.

Thế giới có ít chết chóc hơn nếu Hitler bỏ mạng trong các vụ ám sát?- Ảnh 4.

13 phút sau quả bom hẹn giờ phát nổ. Ảnh: Alamy.

Elser bị bắt khi vượt biên sang Thụy Sĩ, bị Gestapo - lực lượng cảnh sát mật của Hitler - tra tấn, và sau hơn 5 năm bị nhốt trong ngục, người "ám sát hụt" Hitler bị xử tử. Trùm phát xít coi vụ việc này như một bằng chứng rằng mình được tạo hóa bảo vệ. Sự tự tin của Hitler ngày càng dâng cao.

Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu bài phát biểu của Hitler kết thúc đúng như dự kiến và trùm phát xít thiệt mạng trong vụ nổ ở thời điểm Thế chiến II vừa bắt đầu?

Trong một bài viết có tựa đề: "What if Hitler Had Been Assassinated in 1939?" (Tạm dịch: Chuyện gì xảy ra nếu Hitler chết trong vụ ám sát năm 1939?), ông Gavriel Rosenfeld, nhà sử học người Mỹ chuyên nghiên cứu về Đức quốc xã, đã đưa ra một giả thuyết hợp lý cho những diễn biến tiếp theo.

Theo giả thuyết của Rosenfeld, Hitler cùng các thành viên thân cận như Heinrich Himmler, Rudolf Hess, Martin Bormann và Julius Streicher đều chết trong vụ nổ. Dù vậy, nhà sử học người Mỹ không cho rằng đế chế Đức quốc xã sẽ sụp đổ ngay lập tức vì vẫn còn ít nhất 2 nhân vật chủ chốt là Joseph Goebbels, Bộ trưởng Tuyên truyền của Đức quốc xã (người đi ra khu vệ sinh lúc vụ nổ xảy ra theo giả thuyết của Rosenfeld) và tướng Hermann Goering (người ở lại Berlin), nhân vật được xem là quyền lực chỉ sau Hitler.

Để củng cố sức mạnh trong cuộc tranh đấu giành quyền lãnh đạo sau đó, Goebbels dàn dựng một cuộc tấn công khốc liệt nhằm vào người Do Thái với quy mô vượt xa vụ Kristallnacht - một chiến dịch khủng bố các cơ sở kinh doanh của người Do Thái tại Đức và Áo khiến 100 người Do Thái thiệt mạng, 7.500 cơ sở kinh doanh bị hư hại và hàng trăm hội đường, nhà cửa, trường học, nghĩa trang bị phá hủy.

Hàng nghìn người Do Thái bị giết dưới tay quân đội Đức quốc xã và tới đầu mùa đông, người Do Thái bắt đầu phải dịch chuyển từ các vùng bị chiếm đóng ở Ba Lan và miền đông châu Âu tới các đầm lầy ở ngoại ô thành phố Lublin của Ba Lan.

Trong giả thuyết của Rosenfeld, khoảng một triệu người thiệt mạng sau khi bị bắn hoặc bị nhiễm bệnh tật. Tuy nhiên, kế hoạch của Goebbels bị chính các sĩ quan thuộc lực lượng Wehrmacht (quân đội Đức quốc xã) ngăn lại. Tướng Goering đứng về phía các sĩ quan này.

Sau cái chết của Hitler, các sĩ quan Wehrmacht không còn cảm thấy phải trung thành với đế chế này. Suy nghĩ phản kháng ngày càng lớn dần. Các trận chiến trên đường phố nổ ra ở thủ đô Berlin và Bộ trưởng Goebbels thất thế, phải tự tử bằng chất kịch độc xyanua, theo giả thuyết của Rosenfeld. Trong vài tháng, một lệnh ngừng bắn được đưa ra và các đường biên giới ở Đông Âu được vẽ lại. Người Do Thái được đưa tới Palestine.

Vụ ám sát năm 1943

Thế giới có ít chết chóc hơn nếu Hitler bỏ mạng trong các vụ ám sát?- Ảnh 5.

Vụ ám sát Hitler năm 1943 được xem là táo bạo nhất. Ảnh: Reddit.

Theo trang History, đây được xem là một trong những âm mưu ám sát Hitler táo bạo nhất, được thực hiện bởi Henning von Tresckow, sĩ quan quân đội Đức, cùng các đồng sự.

Ngày 13/3/1943, Hitler có chuyến thăm chớp nhoáng tới đồn Smolensk của Henning von Tresckow. Trước khi trùm phát xít và đoàn tùy tùng lên máy bay trở về Berlin, Tresckow đã tiếp cận một sĩ quan của Hitler và nhờ người này giúp mang một gói hàng gồm 2 chai rượu Cointreau cho một người bạn ở thủ đô Berlin. Sĩ quan trong đoàn của Hitler miễn cưỡng nhận giúp mà không biết rằng trong gói đồ thực chất là bom hẹn giờ tự chế (nổ sau 30 phút).

Tresckow và đồng sự Fabian von Schlabrendorff hy vọng cái chết của Hitler sẽ là "chất xúc tác" cho một cuộc đảo chính chống lại bộ chỉ huy cấp cao của Đức quốc xã. Tuy nhiên, âm mưu ám sát "tan thành mây khói". Vài giờ sau khi Hitler lên máy bay, Tresckow và đồng sự nhận được tin máy bay chở trùm phát xít đã hạ cánh an toàn.

"Chúng tôi vô cùng sửng sốt và không thể lý giải nguyên nhân kế hoạch thất bại. Điều tồi tệ hơn sẽ xảy ra nếu Hitler phát hiện ra quả bom. Chúng tôi sẽ bị xử tử đầu tiên", Schlabrendorff nói.

Để tránh mọi chuyện bại lộ, Tresckow chủ động gọi cho sĩ quan của Hitler, nói rằng có sự nhầm lẫn với gói đồ và xin đổi lại. Ngày hôm sau, Schlabrendorff tới trụ sở nơi sĩ quan Hitler làm việc và đổi lại gói đồ. Sau khi kiểm tra, Schlabrendorff phát hiện kíp nổ bị lỗi khiến quả bom không phát nổ như dự kiến.

Vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu quả bom hẹn giờ phát nổ lấy mạng Hitler?

Thế giới có ít chết chóc hơn nếu Hitler bỏ mạng trong các vụ ám sát?- Ảnh 6.

Henning von Tresckow, sĩ quan quân đội Đức. Ảnh: Traces of War.

Trang Padre Steve's World đã đưa ra một giả thuyết đáng chú ý dựa vào các chi tiết có thật.

Theo giả thuyết trên trang Padre Steve's World, vào ngày 13/3/1943, Hitler lên máy bay tới đồn Smolensk. Trên đường trở về, chiếc FW-200 của trùm phát xít bị phá hủy bởi một quả bom hẹn giờ do Henning von Tresckow khéo léo "gài vào" và rơi xuống gần Minsk.

Hitler vẫn còn thở nhưng trong tình trạng nguy kịch. Trùm phát xít được duy trì sự sống tại bệnh viện Đức quốc xã tới ngày 20/4/1943 rồi chết (đúng sinh nhật 54 tuổi).

Sau cái chết của Hitler, thống chế Hermann Goering - người được chỉ định kế nhiệm Hitler - đã hành động để thâu tóm quyền lực và lợi dụng mối quan hệ mật thiết với lực lượng cảnh sát mật Gestapo để cáo buộc Heinrich Himmler - Bộ trưởng Nội vụ Đức quốc xã - tội phản quốc vì đã liên hệ với các trung gian ở Thụy Điển. Goering quyết định thay thế Himmler bằng tướng Kurt Wolfe và tái bổ nhiệm Rudolf Diel vào vị trí người đứng đầu Gestapo.

Himmler tìm cách bỏ trốn nhưng bị bắt gần thị trấn Luneburg (Đức). Tại đây, Himmler đã tự sát bằng chất kịch độc xyanua trước khi bị thẩm vấn.

Các đối thủ khác cũng dần bị loại bỏ: Martin Bormann, người mà thống chế Goering vô cùng ghét, bị bắt vì tội vượt quá quyền hạn, tham ô, làm tổn hại đến các nỗ lực gây chiến và bị xử tử.

Joseph Goebbels, Bộ trưởng Tuyên truyền của Đức quốc xã, không bị "thanh trừng" vì đã thề trung thành với thống chế Goering ngay cả trước cái chết của Hitler. Goebbels và Albert Speer được chỉ đạo để lo tang lễ cho trùm phát xít.

Đài phát thanh Berlin thông báo về cái chết của Hitler vào ngày 21/4/2943. Thi thể của trùm phát xít được đặt tại phủ Thủ tướng. Thời gian để tang được tuyên bố từ ngày 21/4 đến ngày 1/5. Ngày 2/5, thống chế Goering tuyên bố tướng Von Rundstedt sẽ là chỉ huy mới của Bộ tư lệnh Tối cao Wehrmacht (OKW) và sẽ đưa ra chiến lược trên mọi mặt trận.

Hôm sau, Goering triệu tập một cuộc họp, gồm những người đứng đầu OKW, tổng thanh tra quân đội Panzer, chỉ huy của các binh đoàn mặt trận phía đông, binh đoàn Tây Âu, binh đoàn châu Phi cũng như thống chế Karl Wolff, đô đốc Donitz... để đưa ra quyết định hành động cho mùa hè. Đây là lần đầu tiên có một cuộc họp tập hợp gần như đầy đủ các tướng lĩnh, quan chức "sừng sỏ" của Đức quốc xã.

Giả thuyết cũng dự đoán phản ứng của Josef Stalin trước cái chết của Hitler. Theo đó, đây là một tin không thể tuyệt vời hơn với người đứng đầu Liên Xô thời điểm đó. Các điệp viên đã báo tin về cái chết của Hitler cho Stalin trước khi Berlin công bố chính thức.

Các điệp viên xác nhận người Đức tìm thấy một số đồ đạc cá nhân của Hitler trên máy bay chở trùm phát xít, trong đó có chiếc mũ - sau này được đưa đến cho Stalin.

Tình báo Liên Xô cho biết Goering đã lên nắm quyền và Stalin cho rằng vị trí của Goering vẫn chưa được củng cố chắc chắn. Nhiều người cũng tin rằng Goering sẽ không phải là một sự thay thế hoàn hảo của Hitler và một cuộc tấn công mới vào Đức có thể hạ gục chế độ Đức quốc xã.

Giờ là lúc để "đặt dấu chấm hết" cho Đức quốc xã và Stalin đã triệu tập các tướng lĩnh chủ chốt. Nhà lãnh đạo Liên Xô muốn tấn công ngay lập tức nhưng các tướng lĩnh của ông lại lo sợ quân Đức tấn công thành phố Kursk, miền tây nước Nga.

Theo giả thuyết, cuối cùng, Stalin vẫn quyết định lập kế hoạch tấn công vào mùa hè năm 1943. Cuộc tấn công dự kiến bắt đầu vào ngày 15/6 nếu quân Đức không tấn công trước.

Theo giả thuyết trên trang Padre Steve's World, sau cuộc chiến tranh mùa hè năm 1943, cả Đức quốc xã, Liên Xô và quân Đồng minh đều chịu tổn thất lớn. Quân Đồng Minh bị thiệt hại nặng nề trong cuộc đổ bộ Salerno. Chính thất bại này cộng với sức ép chính trị trong nước đã khiến các nhà lãnh đạo Franklin D. Roosevelt (Mỹ) và Winston Churchill (Anh) phải đồng ý chấm dứt chiến tranh.

Khi đều chịu tổn thất nặng nề, cả 2 bên quyết định đàm phán để chấm dứt chiến tranh ở châu Âu. Goering sau đó trao quyền lực cho tướng Ludwig Beck rồi cùng các tướng lĩnh khác đầu hàng Đồng minh. Tướng Beck lên nắm quyền, phá bỏ các "trại tử thần", giải tán đảng Đức quốc xã cũng như lực lượng cảnh sát. Hòa bình đến với châu Âu ngày 9/11/1943 - sớm hơn gần 2 năm so với ngày thực tế phát xít Đức ký văn kiện đầu hàng không điều kiện với Liên Xô và các nước Đồng minh, chấm dứt Thế chiến II tại châu Âu: 9/5/1945.