Người phụ nữ nào cứu sống 8.000 binh sĩ, đập tan ổ gián điệp của Hitler?

Thứ tư, ngày 07/02/2024 20:40 PM (GMT+7)
Việc phá mã của Elizebeth Friedman đã giúp cứu tàu tiếp viện Queen Mary của quân Đồng minh tránh khỏi việc bị Đức Quốc xã đánh chìm và cứu sống hơn 8.000 binh lính trên tàu. Ngoài ra, điều này còn khiến một ổ gián điệp của Đức Quốc xã ở Mỹ Latin bị phanh phui.
Bình luận 0

Elizebeth Smith Friedman là ai?

Elizebeth Smith Friedman sinh ngày 26/8/1892 tại thành phố Huntington thuộc hạt Huntington, bang Indiana, Mỹ.

Tới năm 1911 bà theo học ở Đại học Wooster, Ohio, nhưng sau đó lại bỏ dở công việc học hành để về nhà chăm sóc mẹ bị bệnh. Hai năm sau, Friedman chuyển tới trường Cao đẳng Hillsdale ở Michigan để tiện theo học và chăm sóc mẹ vì trường này gần nhà hơn.

Người phụ nữ nào cứu sống 8.000 binh sĩ, đập tan ổ gián điệp của Hitler?- Ảnh 1.

Chân dung nữ thợ phá mã Elizebeth Smith Friedman.

Tới năm 1915, Elizebeth Smith tốt nghiệp chuyên ngành văn học Anh và tham gia hội phụ nữ quốc tế được thành lập tại trường Cao đẳng Monmouth thuộc thành phố Monmouth, tiểu bang Illinois vào ngày 28/4/1867 với tên gọi IC Sorosis. Với niềm yêu thích học ngoại ngữ, bà học thêm tiếng Latin, Hy Lạp và tiếng Đức.

Sau đó, Elizebeth Smith trở thành hiệu trưởng của một trường trung học công lập ở Wabash, Indiana vào mùa thu năm 1915, nhưng chỉ vài tháng sau bà đã từ bỏ công việc để chuyển về sống chung với bố mẹ. Từ đây, cuộc đời người phụ nữ này đã chuyển sang một trang mới khi trở thành nhà phân tích, chuyên gia về mật mã và là "nữ chuyên gia phá mã đầu tiên của Mỹ".

Săn tìm mật mã trong các tác phẩm của Shakespeare

Vào năm 1916, Elizebeth Smith bắt đầu sự nghiệp phân tích mật mã sau khi một người đàn ông giàu có là Đại tá George Fabyan thuê bà về làm việc tại Phòng thí nghiệm Riverbank ở Illinois.

Đáng chú ý, Fabyan là một nhà lý thuyết âm mưu, người tin rằng Tử tước St Alban thứ nhất - Francis Bacon (22 tháng 1 năm 1561 - 9 tháng 4 năm 1626) vốn là một nhà triết học, chính khách người Anh, mới thực sự là tác giả của các tác phẩm (gồm cả thơ và kịch) của đại văn hào lỗi lạc William Shakespeare.

Người phụ nữ nào cứu sống 8.000 binh sĩ, đập tan ổ gián điệp của Hitler?- Ảnh 2.

Chân dung nữ thợ phá mã Elizebeth Smith Friedman.

Vào thời điểm đó, công việc Elizebeth Smith được giao là kiểm tra các tác phẩm của Shakespeare để tìm những thông điệp bí mật mà Đại tá Fabyan tin rằng, nhà triết học Bacon đã đưa vào các vở kịch cũng như bài thơ.

Sau một thời gian làm việc ở Phòng thí nghiệm Riverbank, Elizebeth Friedman đã gặp chồng mình là William Frederick Friedman. Họ kết hôn vào năm 1917. Trong quá trình làm việc, cả hai đều cho rằng đã "giải mã" được những bí ẩn về Francis Bacon và cho công khai vào năm 1957 qua một cuốn sách có tên "The Shakespearean Ciphers Examined" – tạm dịch là "Những mật mã Shakespearean đã được khảo sát".

Tài năng bộc lộ

Khi Mỹ bước vào Thế chiến I, Phòng thí nghiệm Riverbank đã được yêu cầu phải hỗ trợ thời chiến nên Elizebeth Friedman cùng chồng mình đã có cơ hội hội sử dụng kỹ năng bẻ mã của mình theo một cách khác.

Tới năm 1921, Elizebeth Friedman đã được giao điều hành một nhóm phá mã không chính thức trong Chiến tranh thế giới thứ I và chuyển đến Washington để làm việc cho Bộ Chiến tranh.

Tại đây, bà bắt đầu phá các loại mật mã giúp lực lượng cảnh sát biển xác định và truy tố những kẻ vi phạm luật cấm rượu ở Mỹ về việc bán, sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển các đồ uống có cồn giai đoạn 1920-1933. Cũng chính điều này giúp bà trở thành người phụ nữ đầu tiên điều hành một nhóm phá mã trong chính phủ Mỹ.

Thế nhưng, tới Thế chiến II, lực lượng cảnh sát biển phải chuyển sang Bộ Hải quân - nơi không cho phép phụ nữ điều hành các đơn vị và Friedman phải làm dưới quyền một lãnh đạo nam giới.

Dù điều này khiến bà cảm thấy không xứng đáng với năng lực của mình, nhưng Friedman vẫn có những đóng góp đáng kể cho chiến tranh nhờ khả năng bẻ mã xuất sắc của mình.

Phát hiện kinh hoàng giúp cứu sống hơn 8.000 binh sĩ

Vào tháng 3/1942, Elizebeth Smith Friedman đã có một phát hiện kinh hoàng. Đó chính là việc các gián điệp của Đức Quốc xã ở Mỹ Latinh đã định vị được con tàu tiếp viện lớn của quân Đồng minh tên là Queen Mary ở bờ biển Brazil và chuẩn bị dùng các tàu ngầm quân sự U-boat để đánh chìm nó.

Thậm chí trước đó, trùm phát xít Adolf Hitler còn treo thưởng 250.000 USD cho bất cứ ai có thể đánh chìm tàu tiếp tế Queen Mary.

Tuy nhiên, phát hiện của Elizebeth Smith Friedman đã giúp Queen Mary tránh được sự tấn công của các tàu ngầm quân sự U-boat và giúp cứu sống hơn 8.000 binh lính trên tàu.

Theo Melissa Davis - Giám đốc thư viện và lưu trữ tại Quỹ George C. Marshall, nơi lưu giữ Bộ sưu tập Elizebeth Smith Friedman - các gián điệp của Đức Quốc xã đã gửi các thông điệp trao đổi qua sóng radio cho chính phủ để Đức Quốc xã lên kế hoạch đánh chìm tàu Queen Mary và hơn tiêu diệt 8.000 người. Tuy nhiên, Elizebeth Smith đã phát hiện kế hoạch này và cứu sống hàng nghìn binh sĩ.

Ngoài ra, nhà sử học Amy Butler Greenfield tiết lộ rằng, một trong những điệp viên "cộm cán" của Đức Quốc xã mà Friedman đã xác định được và theo dõi là Johannes Siegfried Becker - mật danh "Sargo", người đang cố gắng tạo dựng một liên minh giữa Đức và Argentina.

"Theo như tôi được biết thì Elizebeth Smith đã xem xét tất cả các hồ sơ và là người đầu tiên phát hiện ra các gián điệp và nguy cơ của tàu tiếp viện Queen Mary. Sau đó, con tàu bị dừng lại và tên gián điệp được đưa đến London. Tại đây hắn ta thú nhận mọi chuyện và cung cấp một lượng lớn thông tin về các ổ gián điệp. Đó là một phần nguyên nhân dẫn đến việc chúng bị tiêu diệt", ông Butler Greenfield chia sẻ.

Vinh danh "muộn"

Theo tờ History, Elizebeth Friedman là một trong những nhà giải mã đầu tiên của Mỹ và có vai trò quan trọng trong việc phá vỡ các ổ gián điệp của Đức Quốc xã ở Mỹ Latinh trong Thế chiến II.

Thế nhưng, vì công việc có tính chất cực kỳ nhạy cảm nên người phụ nữ này không được phép tiết lộ công khai việc mình đã phục vụ cho quân Đồng minh trong chiến tranh.

Thậm chí, ngay cả khi được vinh danh, thành tích của bà cũng phải chuyển sang dạng chiến công của nhóm và Giám đốc đầu tiên của Cục Điều tra Liên bang Mỹ - J. Edgar Hoover đã chuyển công trạng qua cho lực lượng FBI.

Chỉ mãi tới khi Elizebeth Friedman qua đời vào năm 1980, các nhà sử học và nghiên cứu mới phát hiện ra những đóng góp to lớn của bà.

Bảo Minh (Theo Khám Phá)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem