"Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy" là nét đẹp truyền thống "tôn sư trọng đạo" của người Việt bao đời nay. Người xưa rất trọng người thầy, xem thầy như là người cha thứ hai của mình. Thế nên vào những ngày đầu năm, sau khi cúng gia tiên và chúc Tết ông bà, cha mẹ, vào mùng 3, các thế hệ học trò thường đến thăm hỏi thầy cô, dành tặng những món quà cho thầy cô có nhiều sức khỏe trong năm mới.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, cô Nguyễn Thị Ngân Hà, giáo viên Trường Tiểu học Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội vui vẻ cho hay: "Niềm vui và toại nguyện của mỗi giáo viên là đi dạy được phụ huynh quý, học sinh yêu. Nếu không nhận được tình cảm này thì chắc tôi đã bỏ nghề lâu rồi".
Với cô Hà, cô trò quý mến nhau không phải từ món quà đắt tiền mà chỉ đơn giản là luôn nhớ về nhau, về quãng thời gian đẹp của tuổi học trò. Thậm chí có học sinh đã lấy chồng có con và theo nghề giáo vất vả như cô, nhưng cứ có dịp là ghé thăm, chúc mừng cô.
Cô Hà vui khi được phụ huynh và học sinh quý mến. Ảnh: NVCC
Cô Uông Thị Kim Hương, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: "Hiếu học là truyền thống tốt đẹp của cha ông chúng ta. Trong lễ nghĩa của người Việt, người ta hay dặn dò nhau "Mùng 3 tết thầy" và đến bây giờ mình vẫn cảm nhận rất rõ điều đó.
Ngày mùng 3 mình thường nhận được lời chúc mừng của học sinh, phụ huynh không chỉ của năm học này mà còn các khóa trước nữa. Bản thân mình cũng cố gắng có điều kiện là dành thời gian đến thăm thầy giáo. Thầy giáo của mình hiện nay gần 90 tuổi rồi. Mình rất trân trọng và biết ơn thầy đã chắp cánh cho mình có được ngày hôm nay".
Mặc dù luôn trân quý tấm lòng của học sinh nhưng cũng không ít giáo viên bày tỏ quan ngại khi học sinh gọi điện báo sẽ đến chúc Tết.
Một giáo viên chia sẻ: "Người Việt ta có câu "Mùng 1 tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy". Ngày mùng 3, học sinh sẽ đi thăm thầy cô giáo để bày tỏ lòng biết ơn và kính trọng đối với thầy cô mình. Truyền thống đó có lẽ bắt đầu từ khi nên giáo dục Nho học được du nhập vào nước ta. Khi đó, vị trí của người thầy rất được đề cao theo quan điểm quân, sư, phụ (vua, thầy rồi mới đến cha) và điều này tồn tại đến bây giờ. Cứ đến mùng 3 Tết là học sinh cùng hẹn nhau đến nhà thầy cô. Món quà các em mang theo là những khuôn mặt rạng ngời và những lời chúc mộc mạc, đáng yêu.
Tết xưa là vậy, tết này ra sao? Với nhịp sống khẩn trương, gấp gáp… mà tình cảm của học trò ngày nay cũng có đôi chút khác. Các em thực dụng hơn. Nếu xưa các thế hệ học trò gần như không có sự phân biệt môn chính, môn phụ, thì ngày Tết các em sẽ đến chơi nhà, chúc Tết tất cả các thầy cô dạy mình. Ngày nay các em có sự lựa chọn, chủ yếu các em đến nhà các thầy cô dạy môn chính và thầy cô chủ nhiệm, còn các thầy cô môn phụ thì bỏ qua.
Nếu xưa kia món quà các em đem đến nhà thầy cô là những khuôn mặt rạng ngời, những lời chúc mộc mạc ấm áp, thì nay vấn đề vật chất được các em rất coi trọng. Tình cảm thầy trò phần nào cũng đã bị thương mại hóa.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên thì nhiều, nhưng tôi thấy một trong số đó là bệnh thành tích trong giáo dục còn quá nặng nề, áp lực thì cử quá lớn, mục tiêu giáo dục đạo đức trong nhà trường chưa đạt được đầy đủ... Tuổi thơ của các em đã và đang bị đánh cắp, vậy nên niềm vui ngày Tết của các em có lẽ đơn giản chỉ là được nghỉ học ít ngày".
Một cô giáo thì "dở khóc dở cười" khi học sinh đến nhà chúc Tết: "Bản thân mình thì ngại học sinh đến nhà dịp Tết. Các em hầu như sẽ ở lại ăn. Có năm các em đến từ lúc 9h ăn uống, hàn huyên đến 16h30 mới về. Cô lại lao vào dọn dẹp. Trò chuyện với cô được mấy câu, còn lại các em nói chuyện với nhau. Chồng cô thì mặt sầm lại, các con cô thì mếu máo. Cả Tết có mấy ngày mà mất gần 1 ngày để tiếp đón học sinh. Chưa kể học sinh cũ đưa con đến chúc Tết. Giáo viên lại phải mừng tuổi một khoản không nhỏ".
Một giáo viên khác thì ngậm ngùi vì 18 năm dạy học không có được niềm vui học sinh đến nhà chúc Tết bởi nhà cô cách trường 18km.