Dân Việt

6 ngôi chùa ở Hà Nội người dân nên đi lễ cầu may đầu năm

Kiều Trang 12/02/2024 13:17 GMT+7
Dịp đầu năm, nhiều người dân thường đi du xuân, dâng hương tại các ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Nội. Phong tục lễ chùa đầu năm cũng trở thành một phần không thể thiếu trong bức tranh văn hóa tâm linh của người Việt.

Khởi đầu một năm mới, ai cũng cầu cho gia đình luôn được bình an, mạnh khỏe. Chính vì vậy, phong tục lễ chùa đầu năm cũng trở thành một phần không thể thiếu trong bức tranh văn hóa tâm linh của người Việt. Dưới đây là 6 ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng tại Hà Nội người dân có thể tham khảo.

Chùa Quán Sứ

Chùa Quán Sứ, nằm tại số 73 phố Quán Sứ, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Kiến trúc nơi đây là sự kết hợp những nét tinh hoa từ nhiều ngôi chùa lớn miền Bắc nước ta. Khuôn viên chùa được thiết kế theo bố cục "nội công ngoại quốc", đây cũng là nét độc đáo, gây ấn tượng của ngôi chùa cổ kính.

Một điểm đặc biệt và đáng chú ý về chùa Quán Sứ là sự tuân thủ một đức tin Phật giáo thuần túy, không pha trộn với các phong tục địa phương khác, chùa giữ được sự trong sáng và tôn nghiêm trong thực hành và tôn giáo. Nhờ vào điều này, ngôi chùa nổi bật hơn nhiều so với phần lớn các ngôi chùa khác tại Hà Nội.

6 ngôi chùa ở Hà Nội người dân nên đi lễ cầu may đầu năm- Ảnh 1.

Với hàng nghìn năm lịch sử, chùa Quán Sứ không chỉ là một địa điểm linh thiêng mà còn là trung tâm quan trọng của đạo Phật.

Ngôi chùa cũng được mệnh danh là "cổ tự linh thiêng bậc nhất Hà thành", ngoài ra, chùa còn thu hút sự chú ý của người dân bởi việc toàn bộ câu đối, tên gọi và văn khấn đều được viết bằng chữ quốc ngữ thay vì chữ Hán như các ngôi chùa khác. Người dân có thể đến đây dâng hương từ 6h đến 19h hàng ngày, tuy nhiên vào các ngày lễ Tết, chùa có thể đóng cửa muộn hơn.

Chùa Trấn Quốc

Chùa Trấn Quốc, nằm trên hòn đảo duy nhất phía Đông Hồ Tây, thành phố Hà Nội, là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam với tuổi đời hơn 1.500 năm. Ngoài ra, với dấu ấn nét kiến trúc cổ, ngôi chùa vinh dự nằm trong top "10 ngôi chùa đẹp nhất thế giới". 

6 ngôi chùa ở Hà Nội người dân nên đi lễ cầu may đầu năm- Ảnh 2.

Chùa Trấn Quốc là một địa điểm du lịch nổi tiếng của thành phố Hà Nội, thu hút nhiều du khách nước ngoài đến chiêm ngưỡng, tham quan.

Vào ngày mùng 1 và ngày Rằm hằng tháng, chùa mở cửa từ 6h - 18h đón hàng trăm người dân đến đây tham quan và chiêm bái. Dù kế bên hồ Tây nhộn nhịp nhưng ngôi chùa vẫn luôn giữ được vẻ thanh tịnh, bình yên vốn có. Nhiều người dân tin tưởng rằng muốn an nhiên thì phải đến Trấn Quốc, bởi vậy đây luôn là địa điểm lý tưởng cho người dân trong dịp đầu năm Giáp Thìn 2024.

Chùa Phúc Khánh

Mặc dù nằm trong một khu dân cư chật chội, gần nút giao cầu vượt Ngã Tư Sở - phố Tây Sơn, nhưng chùa Phúc Khánh hằng năm luôn đón một lượng lớn người dân tới đây dâng sao giải hạn những ngày đầu năm mới.

6 ngôi chùa ở Hà Nội người dân nên đi lễ cầu may đầu năm- Ảnh 3.

Tổ đình Phúc Khánh (còn được gọi là chùa Sở hay chùa Thịnh Quang) tuy trải qua nhiều lần trùng tu, xây dựng nhưng vẫn giữ nguyên được những nét kiến trúc truyền thống xa xưa với cổng tam quan, tiền đường hay đài phật quan âm nghìn mắt nghìn tay.

Theo thông bạch 2024, lễ cầu an sẽ cử hành từ ngày 06 tháng Giêng trở đi và các ngày mùng 08,15,18 Âm lịch. Các Phật tử đều sẽ được ngồi trong chùa, tránh chen lấn xô đẩy gây ách tắc giao thông như các năm trước.

Các hoạt động như giảng dạy Phật pháp, tu tập, và tổ chức các sự kiện văn hóa tại chùa Phúc Khánh không đơn giản là chỉ là sự kiện thường niên mà còn đóng góp tích cực vào công tác giáo dục và bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống. Ngôi chùa không chỉ là một địa điểm tôn giáo, mà còn là điểm đến thu hút du khách bởi di tích lịch sử và văn hóa độc đáo.

Chùa Hà

Chùa Hà nằm trên con phố Chùa Hà, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội, người dân khi đến chùa nên chuẩn bị đơn giản các mâm lễ và thành tâm khấn xin gửi gắm ước nguyện. Thứ tự sắp xếp mâm cúng dâng lên là ban Tam bảo cầu an và ban Đức Ông cầu tài lộc tại gian thờ chính trước, sau đó mới dâng lễ ở Điện Mẫu cầu duyên.

6 ngôi chùa ở Hà Nội người dân nên đi lễ cầu may đầu năm- Ảnh 4.

Người Hà thành thường có câu: Cầu công danh thì lễ phủ Tây Hồ, cầu tình duyên thì lễ chùa Hà di tích. Chính vì vậy, Thánh Đức Tự (chùa Hà) từ lâu đã là một địa chỉ cầu duyên quen thuộc của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ.

Ngoài ra, nét kiến trúc xưa vẫn luôn nổi bật giữa muôn vàn hoa văn mỹ lệ thời hiện đại. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chùa Trấn Quốc vẫn nằm đó đầy uy nghi giữa lòng Hà Nội tấp nập.

Bạn Như Thơ (ở quận Cầu Giấy) bày tỏ: "Chùa Hà được cho là linh ứng bậc nhất về tình duyên nên mình cũng muốn ghé thăm. Đây là lần đầu tiên mình đến chùa Hà nên khá bất ngờ với kết cấu và vẻ đẹp thanh tịnh của nơi đây. Ngoài mục đích chính là cầu duyên, mình cũng cầu sức khỏe cho bản thân và gia đình, mong một năm mới thuận buồm, xuôi gió".

Chùa Láng

Chùa Láng (tên gọi chính thức là Chiêu Thiên tự) hiện nay được xem như một điểm sáng trong danh sách Di tích Văn hóa Cấp Quốc gia. Ngôi chùa đã khắc sâu dấu ấn của lịch sử, kiến trúc, và văn hóa quý báu của đất nước với hơn 900 năm tồn tại.

6 ngôi chùa ở Hà Nội người dân nên đi lễ cầu may đầu năm- Ảnh 5.

Theo ghi chép, ngôi chùa được xây dựng trong thời kỳ vua Lý Anh Tông và trở thành nơi thờ cúng Thiền sư Từ Đạo Hạnh - cụ tổ của nghề múa rối nước tại Việt Nam.

Vẻ bề thế, cân xứng, hài hòa với không gian cây cối, khi xưa ngôi chùa được mệnh danh "Đệ nhất tùng lâm" nhờ có rừng thông đẹp nhất phía Tây kinh thành Thăng Long. 

Ngày nay, nét kiến trúc độc đáo của Chùa Láng vẫn được giữ gìn, hài hòa cùng mái chính của cổng cao hơn cổng phụ gợi nhớ đến kiến trúc hoàng cung truyền thống xa xưa. Bên cạnh đó, khi men theo con đường gạch đỏ dẫn vào chùa Bát Giác, người dân sẽ bắt gặp qua hai hàng cây cổ thụ muỗm, tạo nên một khung cảnh tĩnh lặng dù nằm trên tuyến đường Chùa Láng đông đúc. Trong những dịp lễ quan trọng như Vu Lan, Phật Đản, hay Giao thừa ngày Tết, chùa Láng mở cửa lâu hơn để du khách có thêm thời gian hành lễ và tìm hiểu sâu hơn về lịch sử của nơi này.

Chùa Kim Liên

Được mệnh danh là "Đại Bi Tự," chùa Kim Liên là một trong 10 di tích kiến trúc cổ đặc sắc nhất Việt Nam. Bố cục chung của chùa Kim Liên mang đậm đặc vẻ cung đình, có lẽ là do ảnh hưởng từ nguồn cội lịch sử của nó - một cung điện và đền thờ tôn thất nhà Lý: Hai tầng mái của chùa toả ra bốn phía, với tổng cộng 24 lá mái cao vút, tạo nên 24 đầu đao vươn lên không trung, phô diễn sự tài tình và sáng tạo trong kiến trúc.

6 ngôi chùa ở Hà Nội người dân nên đi lễ cầu may đầu năm- Ảnh 6.

Ngôi chùa cổ Kim Liên.

Du khách và người dân có thể tham quan và hành lễ từ 8h đến 17h hàng ngày, riêng ngày Tết Nguyên đán, chùa sẻ mở sớm và đóng cửa muộn hơn.  

Anh Minh Hùng (ở quận Đống Đa) chia sẻ: "Ấn tượng với sự thanh tịnh và vẻ ngoài của chùa, ngày Rằm, mồng 1 tôi thường chở mẹ đến đây cầu an, hoặc cứ khi nào lòng cảm thấy nặng nề, tôi đều sắp xếp thời gian tới chùa mặc dù nhà cách đây 5km".