Phố ông đồ tại Hà Nội tấp nập người đến du xuân, xin chữ đầu năm mới

Hình ảnh lúc 10 giờ sáng ngày mùng 2 Tết tại khu vực hội chữ xuân Giáp Thìn tại hồ Văn (phố ông đồ Hà Nội).

Bên trong, hàng chục các ông đồ viết chữ cho du khách đến du xuân đầu năm mới. Trong ảnh, ông đồ Nguyễn Văn Thuyết thuộc CLB thư họa Unesco đang viết chữ "xinh đẹp" cho bé Tiến. "Con xin chữ cho mẹ, mong mẹ mãi xinh đẹp", vị khách nhỏ tuổi hào hứng nói.

Là một trong những ông đồ có mặt tại phố ông đồ từ ngày 26 tháng Chạp, ông đồ Nguyễn Văn Tụ thuộc CLB thư pháp hán nôm đang viết chữ nhẫn cho một du khách đến từ Chương Mỹ (Hà Nội).

Đa số người dân xin các chữ có ý nghĩa cầu bình an, hạnh phúc, đỗ đạt và công danh sự nghiệp.

Xin chữ đầu năm mới là một truyền thống tốt đẹp gìn giữ bấy lâu nay của người Việt Nam. Thú chơi thư pháp này bắt nguồn từ khi ông cha ta còn sử dụng chữ Hán và chữ Nôm trong thời phong kiến. Theo quan niệm dân gian, ngày tết mà có được một chữ Hán viết trên giấy đỏ của ông đồ cho chữ để treo trong nhà thì cả năm sẽ gặp nhiều may mắn.

Ông đồ Lê Mạnh Nhanh thuộc CLB thư pháp Hán Nôm cùng vợ liên tục viết và sấy chữ cho nhanh khô. Du khách phải trả từ 100.000 đồng trở lên cho ông đồ để xin chữ, tùy vào loại giấy viết.

Khu vực "con đường chữ" ngay lối ra vào phố ông đồ thu hút nhiều người đến chụp ảnh, tham quan.

Người Việt xưa có câu "nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ kiểng" để nhấn mạnh thú chơi chữ từng được ưa chuộng hàng đầu trong dân gian.

Tại hồ Văn, nhiều tiếu mục văn nghệ truyền thống được biểu diễn phục vụ và thu hút rất nhiều du khách theo dõi.

Gần 11h trưa, phố ông đồ vẫn tấp nập người đến du xuân, xin chữ đầu năm.

Đối diện hồ Văn, khu quần thể di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng thu hút nhiều người đến tham quan. Khu vực mua vé, người dân phải xếp hàng dài mới tới lượt.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những địa điểm du xuân đầu năm mới của người dân Hà Nội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.