Chiều 24 Tết, nhóm khách du lịch khoảng chục người, trong đó, một nửa là khách nước ngoài hào hứng tham gia tour tìm hiểu chợ hoa xuân bến Bình Đông, quận 8. Không khí những ngày cuối năm, rộn ràng chuẩn bị Tết tại TP.HCM thật đặc biệt.
Họ cũng là những du khách của một tour thật đặc biệt: Saigon Film Photowalk - Đi bộ và tìm hiểu văn hóa Sài Gòn - TP.HCM qua việc chụp ảnh phim.
“Tách”, “tách” - du khách chụp lại khoảnh khắc của nhà vườn miền Tây, tấp nập kẻ mua người bán. Trên tay họ là những chiếc máy ảnh phim kiểu cũ, hằn dấu thời gian.
Không di chuyển bằng ô tô, không đi nhanh đi vội, nhóm khách chậm rãi tản bộ dọc bến Bình Đông, lắng nghe câu chuyện của chợ hoa xuân trên bến dưới thuyền, chuyện đón Tết của người Việt với mâm ngũ quả: Cầu, sung, dừa, đủ, xài (xoài); các loại hoa kiểng rặt miền Nam như mai vàng, vạn thọ, hoa giấy rực rỡ màu sắc…
Nhờ vậy, những tấm ảnh phim dù được ghi lại bởi những vị khách Tây cũng trở nên sống động và có hồn hơn về một khu chợ nổi tiếng, một lát cắt văn hóa đón Tết của người Sài Gòn - TP.HCM.
Đây là một trong những hành trình của Saigon Film Photowalk. Nhiều khách muốn tìm hiểu văn hóa tại TP.HCM, mê lân la chụp ảnh phim còn yêu thích tour “Thành Gia Định” về với Lăng Ông - Bà Chiểu, tìm hiểu “Chữ Quốc Ngữ” về lịch sử, chữ viết của người Việt gắn liền với tên tuổi Alexandre De Rhodes, Trương Vĩnh Ký, Hoàng Xuân Hãn hay thư thả tâm hồn về với thiên nhiên, vùng yên bình “Thanh Đa - Bình Quới”…
Đi bộ, lắng nghe câu chuyện văn hóa và chụp ảnh phim là công thức làm nên sự khác biệt và thu hút khách với mô hình du lịch mới lạ này.
Anh Bùi Hoàng Tú - nhà sáng lập Saigon Film Photowalk, hầu như không vắng bất cứ buổi đi chụp ảnh phim nào với du khách. Khi anh đứng ra làm hướng dẫn viên chính, lúc anh nhường lại công việc này cho những bạn trẻ hơn.
Bắt đầu một buổi chụp ảnh bao giờ cũng là phần hướng dẫn kỹ thuật, còn máy thì khách yên tâm bởi đã được chuẩn bị sẵn.
Anh cho biết để tham gia những hành trình này rất đơn giản, chỉ cần khách có chút yêu thích chụp ảnh phim, về phần máy hay kỹ thuật chụp ảnh đều rất đơn giản.
“Đây là những chiếc máy ảnh phim từ cơ bản đến một số dòng đặc biệt hơn, nếu khách yêu cầu bên mình vẫn có thể hỗ trợ. Thật ra về kỹ thuật không quá khó, sau khi hướng dẫn khoảng 15 phút, khách đều có thể chụp ảnh đẹp. Quan trọng hơn hết là câu chuyện văn hóa, là trải nghiệm trong chuyến đi có được, nhờ vậy, những tấm ảnh cũng trở nên thật đặc biệt và ấn tượng hơn”, anh Tú nói.
Bắt đầu với một sản phẩm du lịch khác biệt, vì vậy, những trải nghiệm mà anh mong muốn mang lại cho du khách cũng thật khác biệt. Đó là những nét văn hóa bình dị ở Sài Gòn như khu người Hoa Chợ Lớn, yếu tố giao thương sông nước quận 8, Thành Gia Định…
Cách tiếp cận của anh dành cho du khách cũng khác biệt thông qua câu chuyện của những người dân sống tại đó, thay vì chỉ một mình hướng dẫn viên thao thao bất tuyệt.
“Những trải nghiệm này khách du lịch tự túc hay theo đoàn khó biết được. Sản phẩm du lịch của tụi mình đi theo phân khúc riêng. Dĩ nhiên kén khách nhưng rất vui vì khách, nhất là khách quốc tế truyền tai nhau để đến với tụi mình, tham gia chụp ảnh phim, kể câu chuyện văn hóa Sài Gòn”, anh Tú cười, nói.
Theo chân anh Tú trong một tour chụp ảnh phim tại quận 8, sau đó, tôi có hẹn với anh một buổi trưa tại phòng lab Fox Spirit's Film trên đường Hồ Hảo Hớn, quận 1… để rửa phim. Đây là “tổng hành dinh” nơi cung cấp máy phim cho du khách, đồng thời là nơi tráng - rửa phim.
Tôi trầm trồ bởi tính ra, trải nghiệm đi bộ, lắng nghe câu chuyện văn hóa và chụp ảnh phim này là một chu kỳ khép kín. Rất độc đáo.
Chị Kim Oanh - chủ cửa hàng máy ảnh phim, bất ngờ cho biết từng là khách tham gia tour chụp ảnh phim của Saigon Film Photowalk, vì ấn tượng với hành trình du lịch này, vừa nhận ra mình có niềm đam mê nên quyết định rẽ hướng từ làm tổ chức sự kiện sang kinh doanh các dịch vụ liên quan máy ảnh phim. Chị và anh Tú bắt tay nhau tạo nên chu kỳ khép kín cho tour du lịch chụp ảnh phim thêm hoàn thiện.
Từ người chụp máy ảnh cơ, tôi được hướng dẫn tỉ mỉ các bước tráng - rửa phim và chính tay mình thực hiện. Sau khoảng 1 tiếng đồng hồ, thành phẩm là những tấm ảnh phim nét có, hơi mờ mờ ảo ảo cũng có. Nhưng quan trọng hơn, tôi cảm thấy quý khoảnh khắc mà mình bấm máy.
“Đây cũng chính là thông điệp mà tụi mình muốn gửi gắm qua tour du lịch này. Khách nước ngoài vừa trải nghiệm văn hóa, vừa ghi lại những khoảnh khắc ở thời điểm đó. Những bức ảnh phim cũng chính là câu chuyện văn hóa, để từ đó theo chân họ đưa văn hóa, đưa hình ảnh người Việt mình ra thế giới”, anh Tú nói và cho biết mình đang không ngừng tìm thêm những câu chuyện mới, cung đường mới tại TP.HCM để tiếp tục kể câu chuyện văn hóa qua những cuộn phim.