Theo Báo cáo Cân bằng Quân sự hàng năm của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế IISS, một công cụ nghiên cứu quan trọng dành cho các nhà phân tích quốc phòng, Nga đã mất hơn 3.000 xe tăng ở Ukraine. Nhưng theo IISS, ngay cả sau khi mất rất nhiều xe tăng - riêng trong năm qua là khoảng 1.120 chiếc - Nga vẫn có số lượng sẵn sàng chiến đấu nhiều gấp đôi so với Ukraine.
Henry Boyd, chuyên gia cấp cao của viện về năng lực quân sự, cho biết Nga gần như "hòa vốn" về mặt thay thế. Ông ước tính rằng nước này đã đưa thêm khoảng 1.000 đến 1.500 xe tăng vào sử dụng trong năm qua.
Nhưng trong số này, ông cho biết, có nhiều nhất là 200 chiếc được sản xuất mới và phần lớn là những mẫu xe cũ đã được tân trang lại.
Báo cáo cho biết: "Moscow đã có thể đánh đổi chất lượng lấy số lượng… bằng cách rút hàng nghìn xe tăng cũ ra khỏi kho với tốc độ có thể lên tới 90 xe tăng mỗi tháng".
Kho dự trữ của Nga có nghĩa là Moscow "có khả năng chịu tổn thất nặng nề thêm khoảng ba năm nữa và bổ sung xe tăng từ kho dự trữ, ngay cả khi ở tiêu chuẩn kỹ thuật thấp hơn, bất kể khả năng sản xuất thiết bị mới của nước này".
Bộ Quốc phòng Nga từ chối bình luận về thông tin này.
IISS còn cho biết, Ukraine cũng đã chịu tổn thất nặng nề kể từ khi chiến sự Ukraine bùng phát tháng 2/2022, nhưng viện trợ quân sự của phương Tây đã cho phép nước này duy trì lượng tồn kho trong khi nâng cấp chất lượng.
Báo cáo cho biết, sau gần hai năm xung đột, Ukraine và các đối tác phương Tây phải đối mặt với những lựa chọn rất khó khăn.
Nhà phân tích cấp cao về chiến tranh trên bộ của IISS, Ben Barry, cho biết Ukraine đã cố gắng bảo vệ một số binh sĩ trẻ của mình - độ tuổi trung bình của binh sĩ bộ binh được cho là vào đầu tuổi 40 - nhưng có thể gặp khó khăn để tiếp tục làm như vậy nếu muốn duy trì được sức mạnh ở tuyến đầu.
Ukraine, quốc gia đã không đạt được tiến bộ trong cuộc phản công vào năm ngoái và vừa thay thế vị chỉ huy nổi tiếng Valeriy Zaluzhnyi, cũng đang cần khẩn cấp các nguồn cung cấp pháo binh và hệ thống phòng không mới, trong khi chờ đợi một gói viện trợ lớn mới của Mỹ đã bị hoãn lại bởi sự phản đối của đảng Cộng hòa.
Tổng giám đốc IISS Bastian Giegerich cho biết: "Các chính phủ phương Tây một lần nữa rơi vào tình thế phải quyết định xem có cung cấp đủ vũ khí cho Kiev để tung ra đòn quyết định hay không, thay vì chỉ đủ để không thua".
Về phần mình, Nga đã đặt nền kinh tế của mình vào tình thế chiến tranh và chuyển các nhà máy quốc phòng sang sản xuất suốt ngày đêm theo ba ca.
Với những tổn thất mà cả hai bên phải gánh chịu và tính chất tiêu hao của cuộc chiến, các chuyên gia của IISS cho biết tình trạng bế tắc hiện tại có thể sẽ còn kéo dài.
Nhà phân tích chiến tranh trên bộ của IIIS, Barry, cho biết: "Không bên nào có thể thực hiện một cuộc tấn công quy mô lớn mà không gây thương vong rất nặng nề và điều đó có thể sẽ tiếp tục trong tương lai gần".