Năm nay, thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán diễn ra trong 7 ngày, thời tiết thuận lợi và đặc biệt, các sự kiện chào đón năm mới đã diễn ra trên khắp cả nước. Các hoạt động du lịch diễn ra sôi động, phong phú hơn. Nhiều khu, điểm du lịch trên cả nước đã chủ động chuẩn bị các chủ đề đặc sắc "7 ngày tết 7 chủ đề" nhằm tạo ấn tượng thu hút du khách tham quan, vui chơi giải trí. Một số sản phẩm du lịch sáng tạo, kết hợp công nghệ cao (công nghệ ánh sáng, công nghệ 3D, thực cảnh,…) thu hút lượng lớn người dân, du khách tham quan, trải nghiệm.
Trong đó phải kể đến TP.Hồ Chí Minh với hơn chục sự kiện, chuỗi hoạt động du lịch như chương trình tham quan Trụ sở UBND và HĐND TP.HCM miễn phí, sự kiện Chương trình Xuân Quê hương năm 2024, chuỗi sự kiện chợ hoa Tết nguyên đán Giáp Thìn – 2024… ước đón và phục vụ 1,8 triệu lượt khách, tăng 5,9%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 6.550 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023.
Tại Quảng Ninh cũng ước tính đón và phục vụ 803.570 lượt khách, tăng 56%.
Hà Nội ước tính đón và phục vụ 653.000 lượt khách, tăng 21,6%, doanh thu từ khách du lịch ước đạt 2.350 tỷ đồng, tăng 35,1%.
Theo bà Đặng Hương Giang – Giám đốc Sở Du lịch TP.Hà Nội: "Công tác tổ chức đón khách du lịch đến Thủ đô dịp nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tại các khu, điểm tham quan du lịch tiếp tục được diễn ra sôi động, hấp dẫn thu hút nhiều du khách đến tham quan và trải nghiệm. Các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh hoạt động du lịch trên địa bàn Hà Nội đã chủ động nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, xây dựng các sản phẩm mới phù hợp nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch, đồng thời tăng cường công tác phòng, chống dịch dịch bệnh, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách".
Theo bà Đặng Hương Giang, Sở Du lịch đã xây dựng kế hoạch và triển khai hàng chục sự kiện, chuỗi hoạt động diễn ra xuyên suốt từ trước Tết, trong Tết và sau Tết như Triển lãm tranh "Vẽ con rồng" khai mạc tại di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Chương trình "Tết phố năm 2024" tại không gian phố bích họa Phùng Hưng từ; Hoạt động chủ đề "Hương xuân Tây Bắc" với các hoạt động chính như "Chợ phiên - Chào năm mới 2024", "Xuân về bản em", Chương trình "Đón xuân ở bản em" và giới thiệu trò chơi dân gian mùa xuân của các dân tộc phía Bắc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; Sắp đặt và tổ chức giới thiệu không gian sinh hoạt, đón Tết của một gia đình Hà Nội xưa, tổ chức gói bánh chưng.
Và năm nay, Hà Nội có nét mới, hấp dẫn thu hút sự quan tâm đông đảo của nhân dân và du lịch tết năm nay là vào đúng đêm 30 Tết, tại khu vực hồ Tây (phố Nguyễn Đình Thi - Trích Sài), UBND quận Tây Hồ chủ trì, phối hợp với các đơn vị tổ chức Chương trình Lễ hội ánh sáng nghệ thuật Hà Nội "Rực rỡ Thăng Long" qua màn trình diễn ánh sáng nghệ thuật bằng 2.024 thiết bị bay không người lái (drones) với chủ đề "Một ngày kinh đô - Ngàn năm lịch sử"…
Ngoài ra những tỉnh, TP du lịch trọng điểm khác như Khánh Hòa, Thanh Hóa, Ninh Bình, lượng du khách cũng tăng cao. Thanh Hóa ước đón và phục vụ 635.000 lượt khách, tăng 48,7%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 588 tỷ đồng, tăng 51,2%. Khánh Hòa ước đón và phục vụ 630.300 lượt khách, trong đó có 191.000 lượt khách có lưu trú, tăng 25,8%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt gần 878 tỷ đồng. Bà Rịa - Vũng Tàu ước đón và phục vụ 592.650 lượt khách, tăng 36,0%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 409 tỷ đồng, tăng 12,7%. Ninh Bình ước đón và phục vụ 580.000 lượt khách, tăng 46%...
Không chỉ số lượng khách nội địa tăng mạnh trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán mà số lượng khách quốc tế ở nhiều địa phương cũng tăng cao như: Đà Nẵng ước tính đón gần 177.000 lượt; Hà Nội đón gần 103.000 lượt khách, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023; Ninh Bình đón gần 100.000 lượt; Quảng Nam đón 97.000 lượt, tăng 42%; Kiên Giang đón 44.370 lượt, tăng gấp 4,8 lần so với cùng kỳ năm 2023; Lâm Đồng đón 20.000 lượt…
Đánh giá về số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng so với dịp Tết Dương lịch 2024 và cùng kỳ năm 2023, ông Nguyễn Trùng Khánh – Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho hay, đó là nhờ hiệu ứng từ chính sách thị thực thuận lợi, định hướng đúng trong cơ cấu lại thị trường khách du lịch, sự nỗ lực của các doanh nghiệp, địa phương và hoạt động xúc tiến, quảng bá được triển khai rộng khắp.
Cũng theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tết Nguyên đán năm nay, một số địa phương đã phối hợp với các hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành tổ chức chào đón khách "xông đất", tạo hứng khởi cho khách du lịch ngày đầu năm mới. Đồng thời, xu hướng du lịch của người dân và du khách theo hướng tự túc, nhóm nhỏ gia đình và di chuyển đi gần, bằng đường bộ nhiều hơn là di chuyển xa bằng đường hàng không. Các điểm đến ở vùng núi Đông, Tây Bắc như Mộc Châu (Sơn La), Hà Giang, Sa Pa (Lào Cai), Quảng Ninh, Điện Biên, Cao Bằng...lượng khách đổ về tăng mạnh. Phía Nam thì có Đà Lạt (Lâm Đồng) lượng khách đổ về các ngày mùng 3, mùng 4 khiến đèo Prenn tắc nghẽn.
Tổng lượt khách du lịch trong 7 ngày Tết Nguyên Đán từ ngày 8/2- 14/2, ngành du lịch cả nước ước đón và phục vụ 10,5 triệu lượt khách nội địa (tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2023); trong đó có khoảng 3,5 triệu lượt khách lưu trú (tăng 75% so với cùng kỳ năm 2023); công suất phòng trung bình ước đạt khoảng từ 45 - 50% tại hệ thống cơ sở lưu trú du lịch (trong đó cơ sở lưu trú du lịch cao cấp từ 4 - 5 sao ở một số địa phương trọng điểm du lịch đạt công suất cao hơn, tập trung vào các ngày mùng 3, 4 Tết).
Thông tin từ Sở VTTDL tỉnh Phú Thọ, dịp nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Phú Thọ đón hơn 560.000 lượt khách, tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động du lịch văn hóa tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng hút khách tăng trưởng nhiều nhất.
Trong đó, khách lưu trú ước đạt 11.180 lượt, công suất sử dụng buồng của cơ sở lưu trú du lịch trung bình khoảng 45%. Ngày cao điểm tại một số cơ sở lưu trú du lịch nghỉ dưỡng trên địa bàn huyện Thanh Thủy ước đạt khoảng 90%. Công tác kiểm tra, đảm bảo an ninh an toàn được thực hiện nghiêm túc.
Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 121,8 tỷ đồng. Các khu, điểm tham quan du lịch luôn thu hút đông du khách như: Khu di tích lịch sử đền Hùng, đền Mẫu Âu Cơ, đền Lăng Sương, đền Tam Giang, Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy, trung tâm thành phố Việt Trì, Vườn quốc gia Xuân Sơn, đồi chè Long Cốc và khách du lịch hành hương, du lịch tâm linh tại các điểm di tích lịch sử văn hóa khác trong toàn tỉnh...
Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ cũng thông tin thêm, trong dịp Tết Giáp Thìn 2024, khách du lịch chủ yếu là khách lẻ, theo nhóm nhỏ (gia đình, bạn bè, cặp đôi); tập trung đông vào các ngày mùng 2 đến mùng 5 Tết.
Lượng khách đi du lịch theo tour trong dịp Tết âm lịch tăng hơn dịp Tết dương lịch do thời gian nghỉ dài ngày. Lượng khách nội địa chủ yếu là du khách từ Hà Nội và các tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Yên Bái...
Ngày 15/2, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết, để đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ngành đã chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp du lịch, các khu, điểm du lịch và các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, phục vụ khách du lịch trong dịp Tết, đảm bảo du khách được đón Tết vui tươi, lành mạnh, chấp hành nghiêm chỉnh quy định pháp luật về giá.
Đặc biệt, các doanh nghiệp, khách sạn đăng ký, niêm yết giá công khai và bán đúng giá niêm yết; tăng cường đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định; đảm bảo công tác vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp tại đơn vị.
Trung tâm hỗ trợ du khách tổ chức trực 24/24 để phối hợp giải quyết kịp thời các yêu cầu của du khách. Từ ngày 29 tháng Chạp đến hết ngày mùng 5 Tết Nguyên đán Giáp Thìn đón tiếp 170 lượt khách đến tìm hiểu thông tin, đề nghị hỗ trợ tại Văn phòng. Tiếp nhận 5 cuộc gọi đề nghị cung cấp thông tin, phản ánh thông qua đường dây nóng. Phối hợp các cơ quan, đơn vị hỗ trợ xử lý 1 trường hợp.
"Đối với khách du lịch, tổng lượt khách tham quan và lưu trú du lịch (từ ngày 29 tháng Chạp đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng) đạt 305.000 lượt, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, khách quốc tế đạt 97.000 lượt, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2023, khách nội địa đạt 208.000 lượt, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2023.
Khách tham quan đạt 260.000 lượt, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó khách quốc tế ước đạt 60.000 lượt, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2023, khách nội địa ước đạt 200.000 lượt, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2023.
Đối với khách lưu trú du lịch đạt 45.000 lượt, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó khách quốc tế ước đạt 37.000 lượt, tăng 75% so với cùng kỳ năm 2023, khách nội địa ước đạt 8.000 lượt, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2023…", Sở VHTTDL Quảng Nam cho biết.
Theo báo cáo nhanh từ thị xã Sa Pa, tính từ ngày 8/2 - 14/2/2024 (tức từ 29 Tết đến hết ngày 5 Tết), các khu, điểm du lịch trên địa bàn thị xã Sa Pa trong kỳ nghỉ Tết nguyên đán đã đón 112.315 lượt khách (tăng 23.500 lượt so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, khách quốc tế đạt 4.624 lượt (tăng 2.308 lượt so với cùng kỳ). Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch và dịch vụ ước đạt 387,7 tỷ đồng.
Để đạt được những kết quả trên, kỳ nghỉ Tết nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, thị xã Sa Pa và các khu điểm du lịch đều chủ động tổ chức nhiều hoạt động để phục vụ khách du lịch như: Các hoạt động vui xuân đón tết và trò chơi dân hái hoa dân chủ, đi cà kheo, nhảy bao bố, ném còn, kéo co, đẩy gậy… gian tại khu vực Sân Quần.
Từ ngày 12-13/2/2024 (tức ngày 3-4 âm lịch) tổ chức trưng bày Báo Xuân; thiết kế các tiểu cảnh trang trí khánh tiết tại Sân Quần, công viên văn hóa cá dân tộc, đài phun nước, khu vực bờ hồ và các tuyến đường trung tâm thị xã.
Cùng với đó, khu du lịch Sun World Fansipan Legend Sa Pa cũng đã tổ chức nhiều hoạt động thu hút khách như: Tổ chức thành công Lễ khai niên đón lộc và Hội xuân mở cổng trời Fansipan, với nhiều hoạt động hấp dẫn; tham quan các không gian văn hóa Bản Mây tại khu Ga đi Cáp treo; biểu diễn các tiết mục văn hóa, văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc và các trò chơi dân gian như bịt mắt bắt dê, bịt mắt bắt vịt, cà kheo, leo cột mỡ…
Ngoài ra, để đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch, một số điểm tham đã mở cửa phục vụ du khách trong suốt kỳ nghỉ như Cát Cát, Cáp treo Fansipan, Hàm Rồng, Thác Bạc. Các điểm du lịch còn lại đã đồng loạt mở cửa hoạt động trở lại từ ngày 13/2/2024 (tức ngày mùng 4 âm lịch).
Các cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ đã chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về việc niêm yết và bán đúng giá dịch vụ. Công suất buồng phòng bình quân trong cả kỳ nghỉ lễ đạt khoảng 70% - cao điểm ngày mùng 13 -14/2 đạt đến 98%; Hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống mở cửa hoạt động trở lại từ ngày 11/2/2024 (tức ngày mùng 2 âm lịch).
Thị xã Sa Pa triển khai hiệu quả công tác đảm bảo an toàn giao thông; phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, vệ sinh môi trường… Công tác thường trực xử lý kịp thời phản hồi của khách du lịch chất lượng dịch vụ và thái độ phục vụ của các cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ trên địa bàn thị xã cũng thường trực 24/7. Do vậy, trong kỳ nghỉ lễ trên địa bàn thị xã Sa pa không xảy ra các vụ việc đáng tiếc, luôn đảm bảo giữ vững an ninh trật tự phục vụ các hoạt động trong ngày nghỉ lễ.
Trao đổi với phóng viên, bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng phòng văn hoá và thông tin thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai cho biết: Trước Tết, thị xã Sa Pa đã quyết liệt chỉ đạo việc hoàn thiện các hạng mục dự án hạ tầng du lịch, vấn đề môi trường - đặc biệt là các hạng mục tiểu cảnh trang trí phục vụ du lịch gồm công viên văn hóa các dân tộc, đài phun nước...
Nhiều hoạt động văn hóa được khai thác và đưa vào phục vụ du lịch ngay từ ngày đầu xuân mới với sự phối kết hợp chặt chẽ của chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt là năm nay thời tiết rất ủng hộ.
Bên cạnh đó, trong năm 2023, Sa Pa nhận được rất nhiều review tốt từ du khách và các hãng lữ hành và mạng truyền thông, mạng xã hội quốc tế; Chính phủ Việt Nam có nhiều cơ chế chính sách rất tốt để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam...