Sáng 15/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ đánh giá tình hình chăm lo, bảo đảm Tết, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau Tết.
Chăm lo Tết cho người dân
Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương, lực lượng chức năng đã tổ chức trực, ứng trực thường xuyên trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán.
Cùng với việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, hàng hóa trong dịp Tết dồi dào, bảo đảm chất lượng và giá cả ổn định; giao thông vận tải cơ bản thông suốt; các hoạt động văn hóa, lễ hội diễn ra sôi động, đậm đà bản sắc dân tộc…
Toàn quốc đã hỗ trợ, tặng quà Tết cho trên 13,9 triệu lượt đối tượng với tổng kinh phí gần 7.762 tỷ đồng. Người có công với cách mạng và thân nhân người có công hỗ trợ khoảng 2.745 tỷ đồng. Cả trung ương và địa phương đã hỗ trợ khoảng 17.736 tấn gạo cho người dân trong cả nước.
Tính chung đã có trên 1,07 triệu lượt người cao tuổi được chúc thọ và tặng quà Tết với tổng trị giá trên 600 tỷ đồng; gần 1,85 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được hỗ trợ, tặng quà với tổng trị giá trên 1.091 tỷ đồng; trên 1,64 triệu lượt đối tượng bảo trợ xã hội được tặng quà với tổng trị giá gần 754,4 tỷ đồng.
Các cấp công đoàn cùng phối hợp với doanh nghiệp và toàn xã hội hỗ trợ cho gần 7,5 triệu lượt đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn (mức hỗ trợ bằng tiền mặt từ 500.000 đồng/người),
Thăm, tặng quà cho trên 8,6 triệu lượt đoàn viên, người lao động (cùng kỳ là 6,5 triệu lượt) với tổng kinh phí hơn 5.050 tỷ đồng (cùng kỳ là 4.581 tỷ đồng), trong đó nguồn xã hội hóa gần 2.195 tỷ đồng, chiếm 43,46%.
Tiền lương bình quân năm 2023 tại các doanh nghiệp ước đạt 8,5 triệu đồng/tháng, tăng 3% so với năm 2022 (8,25 triệu đồng/tháng).
Về thưởng Tết Nguyên đán: có 47.625 doanh nghiệp báo cáo về kế hoạch thưởng Tết Giáp Thìn năm 2024 cho 3,33 triệu lao động với mức thưởng bình quân là 6,85 triệu đồng/người, tương đương mức thưởng Tết Quý Mão năm 2023.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng khẳng định với sự lãnh đạo của Đảng, thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự ủng hộ của Quốc hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, Chính phủ đã tổ chức cho nhân dân vui xuân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, nghĩa tình.
Tuy nhiên Thủ tướng lưu ý còn một số vấn đề đáng chú ý như số vụ tai nạn giao thông đường bộ tăng; tắc nghẽn giao thông, cháy nổ vẫn còn.
Bài học rút ra là cần thực hiện nghiêm chỉ thị của Ban Bí thư bảo đảm cho nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, ban hành kịp thời; Bố trí hàng hóa tăng thêm, kiểm soát giá cả tốt hơn, không có khan hàng, không có sốt giá, cung ứng kịp thời các hàng hóa thiết yếu dịp Tết.
Thực hiện các chính sách an sinh xã hội; các chính trị văn hóa, lễ hội được xây dựng công phu, tạo thêm khí thế, truyền cảm hứng, tạo động lực; đã động viên kịp thời các lực lượng ứng trực…
Về một số công việc sau Tết, Thủ tướng yêu cầu ban hành ngay chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân; tiếp tục bảo đảm công tác an sinh xã hội, thực hiện đúng nghị quyết của Trung ương với mục tiêu toàn diện, bao trùm, hiện đại, bền vững.
Bảo đảm các lễ hội sau Tết an toàn, lành mạnh, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tiếp tục chăm lo bảo vệ sức khỏe của nhân dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, cương quyết vô hiệu hóa các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch
Các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước.
Văn phòng Chính phủ Chính phủ có báo cáo kết quả cho Ban Bí thư về công tác tổ chức ăn Tết cho nhân dân trên cả nước.