Dân Việt

HLV Philippe Troussier: “Tôi không coi thất bại là điều đáng hổ thẹn”

Thanh Hà 17/02/2024 14:10 GMT+7
"Tôi không biết khi nào mình dừng lại. Nhưng vào lúc này, tôi còn nguyên nguồn năng lượng để tận hưởng cuộc sống của bản thân và nghề nghiệp bóng đá…", ông Philippe Troussier, HLV trưởng ĐT Việt Nam chia sẻ về quan điểm sống.

"Tôi là người may mắn"

Đã gần một năm dẫn dắt ĐT Việt Nam nhưng nhiều người hâm mộ vẫn chưa đọc đúng tên ông. Vậy, tên của ông phát âm chính xác sẽ ra sao?

HLV Philippe Troussier: “Tôi không coi thất bại là điều  đáng hổ thẹn”- Ảnh 1.

HLV Philippe Troussier.

Tên tôi trong tiếng Pháp là Thu-zi-ê. Nhiều người gọi tôi là Tu-zi-ê hay Trâu-zi-ê. Điều đó không chính xác.

Tôi nghĩ việc gọi đúng tên một ai đó rất quan trọng. Bởi, tôi hiện là một phần của bóng đá Việt Nam. Tôi là HLV trưởng của đội tuyển quốc gia, đại diện cho nền bóng đá Việt Nam. Đó là lý do vì sao tôi mong các bạn gọi đúng tên tôi: Phi-líp Thu-zi-ê!

Tôi là người Pháp, sinh ra tại Paris. Tôi là con cả trong một gia đình gồm 5 anh em trai và 1 em gái. Tôi kết hôn với vợ hơn 50 năm qua, bà Dominic. Chúng tôi nhận nuôi 2 bé gái từ Morocco. Tôi cũng có trách nhiệm chăm sóc cho các em của mình khi còn niên thiếu.

Tôi ảnh hưởng bởi một hệ tư tưởng trẻ trung. Điều đó giúp tôi luôn năng động. Ngay cả khi cơ thể tôi già đi, bộ não trong tôi vẫn sáng tạo và tự hướng tôi tìm đến những thử thách.

HLV Philippe Troussier

Ông từng làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau, quá trình đó đem lại cho ông những gì?

Tôi nghĩ mình là người may mắn khi có cơ hội đi nhiều nơi trên thế giới. Vì thế, tôi muốn nói lời cảm ơn tới bóng đá. Cho đến lúc này, dù đã gần 70 tuổi, tôi vẫn luôn cháy bỏng với niềm đam mê trái bóng tròn.

Ở tuổi của ông, nhiều người đã nghĩ đến việc nghỉ hưu, còn ông thì sao?

Tôi không biết khi nào bản thân dừng lại. Có thể tôi sẽ gục ngã ngay trên đường pitch. Nhưng vào lúc này, tôi đang tận hưởng cuộc sống của mình. Tôi không muốn bản thân phải tự ép buộc và vạch ra một kế hoạch cho tương lai.

Tôi muốn để cảm nhận bản thân dẫn đường chỉ lối. Tôi thích nói rằng bản thân không hoàn hảo. Nhưng tôi tin mình là người tìm thấy những hiệu quả mà lựa chọn của bản thân hướng tới. Tôi muốn tiếp tục những chuyến đi trong cuộc đời mình, có cơ hội gặp gỡ những con người khác nhau. Đó là tôi, Philippe Troussier.

Bóng đá và rượu vang

Ông có thể kể về vườn nho của mình tại Bordeaux (Pháp)?

Tôi quyết định sản xuất một loại rượu ngon, bắt đầu từ vườn nho này. Tôi xin nhấn mạnh tôi không phải là doanh nhân. Bán rượu không phải là mục đích của tôi. Là một người Pháp, tôi coi rượu là một phần của quê hương mình. Đó là một phần đặc trưng của vùng Tây Nam nước Pháp mà hiếm có đất nước nào có thể sánh bằng.

Với tôi, rượu vang là một phần của văn hóa đất nước hình lục lăng. Từ rượu vang, tôi có thể nói về đồ ăn, về vùng đất, về con người, về những mối quan hệ. Tôi muốn người ta biết đến mình với tư cách người phát triển hình ảnh rượu vang cho nước Pháp chứ không phải một doanh nhân về rượu.

Thông qua rượu vang, người Pháp muốn thiết lập sự kết nối đến với những con người khác qua năm châu, bốn bể.

Giữa sản xuất những chai vang và huấn luyện một đội bóng, có điểm gì tương đồng, thưa ông?

Chúng ta có thể so sánh tiến trình làm rượu với phát triển bóng đá. Rượu đến từ nhiều nguồn khác nhau, với những chùm nho được trồng từ những mảnh đất có sự khác biệt.

Với bóng đá, một tập thể là tổng hòa của nhiều cá thể cầu thủ. Mỗi người trong đó có tính cách khác nhau, độ tuổi chênh lệch. Một đội bóng cũng sẽ có những cầu thủ trẻ, cầu thủ trưởng thành. Một vài người trong số họ cao lớn. Cũng không ít cầu thủ khác có tầm vóc khiêm tốn.

Với tư cách một HLV trưởng hay một người làm rượu, tôi cho rằng điểm chung trong mục tiêu là làm nên một tập thể từ những cá thể độc lập. Tôi có thể dùng những loại nho khác nhau để làm nên một loại rượu ngon. Nhưng tôi cần khoảng 1 năm để ủ nho dưới hầm.

Với bóng đá, chúng ta cũng cần phải kiên nhẫn để tạo ra một tập thể giỏi. Bên cạnh đó, những yếu tố ngoại cảnh có thể tác động vào thành quả.

Đội bóng có thể bị ảnh hưởng bởi chấn thương, bị bất lợi từ quyết định trọng tài, không có kết quả tốt vì mặt sân hay chính bản thân cầu thủ ở trạng thái không tốt.

Tương tự như với rượu vang, chúng ta hoàn toàn có thể không có thành phẩm tốt nếu mùa màng năm đó tồi tệ, chịu sương giá, tuyết rơi, mưa lạnh…

Nhưng tựu trung lại, dù đối diện với điều gì đi chăng nữa, tôi vẫn phải cố gắng xoay xở với tiến trình mình đang thực hiện.

Một chai rượu vang ngon nhất khi ẩn chứa trong đó là những trái nho chín mọng. Với bóng đá, một đội tuyển mạnh là sự kết tinh của hiền tài, với nòng cốt là những cầu thủ giàu kinh nghiệm.

Không sợ thất bại

Là một HLV bóng đá, ông có sợ những thất bại?

Tôi tin rằng thành công bắt nguồn từ những sai lầm. Chúng ta phải đầu tư vào những gì chúng ta làm, đưa ra quyết định và chấp nhận rủi ro. Trong bóng đá, nếu không mạo hiểm, không thể giành chiến thắng. Vì vậy, tôi tiếp cận các trận đấu mà không có sự tiếc nuối.

HLV Philippe Troussier: “Tôi không coi thất bại là điều  đáng hổ thẹn”- Ảnh 2.

HLV Philippe Troussier chỉ đạo các cầu thủ ĐT Việt Nam.

Tôi mạnh dạn đưa ra quyết định và suy đoán về kết quả. Đôi khi, những quyết định này có thể dẫn đến thất bại hoặc hiệu quả kém. Tuy nhiên, tôi không coi thất bại là điều đáng hổ thẹn. Với tôi, đó là cơ hội để học hỏi và cải thiện.

Khi chúng ta mắc lỗi, điều quan trọng là phải hiểu mình đã sai ở đâu và sửa chữa. Bằng cách đó, có thể tránh lặp lại những sai lầm tương tự trong tương lai.

Đối với tôi, thất bại và học hỏi luôn song hành với nhau. Chúng không đối lập nhau. Tôi không chỉ trích cầu thủ về những thất bại mà thay vào đó khuyến khích họ tiếp tục cố gắng và sửa chữa sai lầm, đồng thời đánh giá cao khả năng ra quyết định và nỗ lực của họ. Thông qua tư duy này, cầu thủ sẽ trở nên hoàn thiện hơn sau mỗi lần cố gắng.

Nhiều người cho rằng ông bảo thủ trong triết lý xây dựng lối chơi thiên về kiểm soát, tấn công cho ĐT Việt Nam, ông có nghĩ như vậy?

Tôi đã phải đối mặt với những thử thách và trải qua những thất bại trong suốt hành trình của mình. Thành công không phải là một con đường tuyến tính, bằng phẳng. Nó thường có trở ngại, dông bão. Đôi khi, chúng ta cần thay đổi hướng đi để tránh bị phân tán bởi những trở ngại này. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng vẫn thế.

Chúng ta có thể gặp sóng lớn, nhưng đích đến của chúng ta là bến cảng. Con đường có thể thay đổi nhưng mục tiêu không thay đổi.

Cảm ơn ông!