Dân Việt

Tại Trung Quốc, một loại nông sản của Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm của 4 nước Đông Nam Á

P.V 17/02/2024 12:19 GMT+7
Trong những ngày đầu tháng 02/2024, giá sắn tươi trên cả nước vẫn đứng ở mức cao dù nhu cầu mua của khách hàng lớn nhất Trung Quốc còn yếu.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong những ngày đầu tháng 02/2024, giá sắn tươi trên cả nước vẫn đứng ở mức cao. Một số nhà máy sắn có xu hướng bán chậm lại vào thời điểm trước Tết, do lo ngại tiến độ nhận hàng tại các cảng, cửa khẩu chậm hơn, đồng thời kỳ vọng giá tinh bột sắn sẽ tăng sau Tết Nguyên đán.

Tiến độ giao hàng tinh bột sắn tại các cửa khẩu Lạng Sơn chậm do lượng xe chờ giao nhiều và phía Trung Quốc khó thuê xe khi nhiều đơn vị vận chuyển ngừng chạy để công nhân về quê ăn Tết. Các giao dịch mua mới tạm ngưng, chờ qua Tết nối lại. Sắn lát Việt Nam được khách hàng Trung Quốc trả giá mua thấp và nhu cầu mua yếu. Nguyên nhân có thể do giá sắn lát nội địa Trung Quốc và giá ngô hạt tại Trung Quốc khá thấp với nguồn cung dồi dào.

Hiện, giá sắn tươi tại các tỉnh miền Bắc dao động ở mức 2.900-3.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại các tỉnh miền Trung, giá sắn tươi được thu mua ở mức 3.050-3.200 đồng/kg. Giá sắn tươi thu mua tại Kon Tum dao động ở mức 2.750-3.150 đồng/kg. 

Tại Trung Quốc, một loại nông sản của Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm của 4 nước Đông Nam Á- Ảnh 1.

Trong những ngày đầu tháng 02/2024, giá sắn tươi trên cả nước vẫn đứng ở mức cao dù sức mua từ thị trường chính Trung Quốc yếu hơn. Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế.

Giá tinh bột sắn xuất khẩu được các nhà máy Việt Nam chào bán ở mức 520-540 USD/tấn FOB cảng thành phố Hồ Chí Minh. Giá tinh bột sắn giao tại Móng Cái và Lạng Sơn dao động ở mức 3.950-4.150 CNY/tấn. Trong khi đó, giá xuất khẩu sắt lát sang thị trường Trung Quốc ở mức 270 USD/tấn FOB Quy Nhơn; Giá xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc khoảng 310 USD/tấn FOB Quy Nhơn.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong năm 2023, các chủng loại sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu gồm tinh bột sắn, sắn lát khô và củ sắn tươi đã qua chế biến. Trừ sắn lát khô, lượng và trị giá xuất khẩu tinh bột sắn và củ sắn tươi đã qua chế biến của Việt Nam đều sụt giảm so với năm 2022.

Năm 2023, tinh bột sắn được xuất khẩu nhiều nhất với trên 2,13 triệu tấn, trị giá 1,07 tỷ USD, giảm 14,4% về lượng và giảm 9,4% về trị giá so với năm 2022; giá xuất khẩu bình quân tinh bột sắn ở mức 503 USD/tấn, tăng 5,8% so với năm 2022. 

Tinh bột sắn của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường như: Trung Quốc, thị trường Đài Loan, Philippines, Malaysia, Hàn Quốc… Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu tinh bột sắn lớn nhất của Việt Nam. 

Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được trên 1,98 triệu tấn tinh bột sắn sang Trung Quốc, với trị giá 995,56 triệu USD, giảm 15,9% về lượng và giảm 10,9% về trị giá so với năm 2022. Xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 93,26% về lượng và chiếm 92,8% về trị giá trong tổng xuất khẩu tinh bột sắn của cả nước trong năm 2023.

Đáng chú ý, trong năm 2023, mặc dù xuất khẩu tinh bột sắn giảm so với năm 2022, nhưng xuất khẩu tinh bột sắn của Việt Nam sang một số thị trường vẫn đạt tăng trưởng tốt.

Xuất khẩu sắn lát tăng nhẹ trong năm 2023. Năm 2023, xuất khẩu sắn lát khô đạt 813.500 tấn, trị giá 226,46 triệu USD, tăng 5,2% về lượng và tăng 1,4% về trị giá so với năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân sắn lát khô trong năm 2023 ở mức 278,4 USD/tấn,giảm 3,7% so với năm 2022. Năm 2023, sắn lát khô được xuất khẩu sang 7 thị trường gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Campuchia, Lào, Mỹ và Bỉ. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn lát khô lớn nhất của Việt Nam. 

Năm 2023, xuất khẩu sắn lát khô sang Trung Quốc đạt 715.630 tấn, trị giá 191,96 triệu USD, tăng 13,1% về lượng và tăng 10,1% về trị giá so với năm 2022. Xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 87,97% về lượng và chiếm 84,76% về trị giá trong tổng xuất khẩu sắn lát khô của cả nước trong năm 2023.

Hiện, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu trên 5,61 triệu tấn sắn lát, với trị giá 1,55 tỷ USD, giảm 21,1% về lượng và giảm 23,8% về trị giá so với năm 2022. 

Trong năm 2023, Việt Nam là thị trường cung cấp sắn lát lớn thứ hai cho Trung Quốc với 722.790 tấn, trị giá 198,38 triệu USD, tăng 26,7% về lượng và tăng 18,7% về trị giá so với năm 2022, thị phần sắn lát của Việt Nam chiếm 12,88% về lượng và chiếm 12,78% về trị giá trong tổng nhập khẩu sắn lát của TrungQuốc, cao hơn so với năm 2022. 

Năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 3,31 triệu tấn tinh bột sắn, trị giá 1,7 tỷ USD, giảm 23,1% về lượng và giảm 22,7% về trị giá so với năm 2022. 

Trong năm 2023, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc, với 1,04 triệu tấn, trị giá 518,21 triệu USD, giảm 35,5% về lượng và giảm 35,6% về trị giá so với năm 2022. 

Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc chiếm 31,42% về lượng và chiếm 30,39% về trị giá, thấp hơn nhiều so với năm 2022 (năm 2022, chiếm 37,49% về lượng và chiếm 36,48% về trị giá trong tổng nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc).

Cục Xuất nhập khẩu nhận định, tại thị trường Trung Quốc, sắn và tinh bột sắn của Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh với sắn và tinh bột sắn của Thái Lan, Lào, Indonesia và Campuchia. "Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm để chiếm lĩnh và giữ vững thị trường Trung Quốc", Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo.