Bình Định là một trong những địa phương có đội tàu đánh bắt cá ngừ lớn nhất cả nước. Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, hơn 1.000 tàu cá của tỉnh vươn khơi bám biển, đánh thủy sản, mang theo hy vọng về những chuyến tàu đầy ắp cá.
Đánh bắt xuyên Tết Giáp Thìn, tàu cá mang số hiệu BĐ 97496 TS của ngư dân Phạm Văn Sinh (49 tuổi, ở phường Tam Quan Nam, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) cập Cảng cá Quy Nhơn để bán sản phẩm, sau chuyến biển kéo dài 14 ngày.
"Chuyến biển này nhờ tàu ra khơi đánh bắt ít hơn thường ngày, lại trúng luồng cá, nên tàu của tôi đánh bắt đạt sản lượng tốt. Tàu tôi chỉ lênh đênh trên biển 14 ngày, trừ thời gian đi và về chỉ còn hoạt động tại ngư trường khoảng 10 ngày, nhưng đánh bắt được 17 tấn cá ngừ sọc dưa và 4 tấn cá ngừ bò, tổng cộng là 21 tấn sản phẩm", ngư dân Sinh nói.
Theo ông Phạm Văn Sinh, thời điểm cập bờ bán sản phẩm giá cả cũng ổn định, thương lái mua trụm với giá 30.000 đồng/kg. Sau khi trừ phí tổn, 13 thuyền viên đi trên tàu mỗi người chia được 17-18 triệu đồng, anh em ai cũng phấn khởi vì có tiền tiêu Tết muộn với gia đình.
Tàu cá BĐ 97496 TS hành nghề lưới vây của anh Sinh xuất bến tại Cảng cá Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn) vào ngày 31/1. Ngoài lương thực phục vụ bữa ăn hằng ngày cho 13 ngư dân đi bạn trên tàu, anh Sinh còn mua thêm nào là hạt dưa, bánh ngọt, bánh chưng, bánh tét, mứt và bia để anh em ăn Tết trên biển.
Đêm giao thừa, anh em thuyền viên tập trung trên boong tàu bày biện bánh mứt, bia rượu ra cụng lon chúc mừng năm mới.
Tàu của anh Sinh trúng luồng cá, nên anh em thuyền viên mừng năm mới có giới hạn để dưỡng sức sáng mùng 1 Tết còn kéo lưới. Suốt 3 ngày Tết, hôm nào thuyền viên trên tàu cá BD 97496 TS của anh Sinh cũng vui vầy mừng xuân, nhưng không ngày nào không đánh bắt.
Trong khi đó, tàu cá mang số hiệu BĐ 97289 TS cùng hành nghề lưới vây của ngư dân Trần Ngọc Hoang cũng bội thu sản phẩm với gần 8,7 tấn cá nục và gần 1,7 tấn cá ngừ sọc dưa và cá ngừ bò. Ngư dân đi bạn trên tàu BĐ 97289 TS của anh Hoang cũng rất phấn khởi vì rủng rỉnh tiền, về ăn Tết muộn trên bờ cùng gia đình.
Hơn 20 năm lênh đênh trên biển, ngư dân Đinh Văn Tỏ (60 tuổi, ở thôn Thiện Chánh 2, phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn) đã có nhiều năm ăn Tết giữa biển khơi. Theo anh Tỏ, đêm giao thừa, anh em trên các tàu trong tổ đoàn kết trên biển quây lại gần nhau cùng chờ đón xuân mới.
Ăn Tết trên biển rất vui. Tối 30 tháng Chạp anh em tắm rửa sạch sẽ, làm chả cá rồi đem bia ra nhậu. Bắt đầu sáng mùng 1 Tết toàn thể thuyền viên đều vào việc, xong việc là tập trung hát ca. Năm Giáp Thìn 2024, toàn thể ngư dân đều ao ước đánh bắt bội thu, sản lượng cá đạt cao hơn năm ngoái.
"Hiện nay bà con ngư dân chúng tôi đều tuân thủ quy định của Nhà nước, không đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài để gỡ "thẻ vàng" IUU của ngành thủy sản", ngư dân Tỏ nói.
Đánh bắt xuyên Tết, ngư dân Trần Văn Hậu (48 tuổi, trú phường Tam Quan Nam, thị xã Hoài Nhơn), chủ tàu BĐ-98252TS, mang thêm 5 hũ thịt heo muối, 20 cặp bánh chưng, 8 đòn bánh tét, vài túi hạt dưa và vài thùng bia.
Chuyến này, người thân của ngư dân Trần Văn Hậu và các thuyền viên đã gửi những lới chúc may mắn, hy vọng chuyến đi biển xuyên Tết sẽ mang về cá ngừ đầy khoang.
Ngư dân Trần Văn Hậu chia sẻ, chuyến đi này là thời điểm trời yên, biển lặng, câu cá ngừ đại dương dễ trúng nhất.
"Ngày Tết ở trên biển, anh em chúng tôi cũng nhớ về gia đình. Nhưng là ngư dân quanh năm bám biển, chuyến biển đầu năm thời tiết thuận lợi nên tranh thủ đánh bắt.
Chúng tôi đã chuẩn bị lương thực và đồ ăn những ngày Tết đầy đủ như ở nhà. Tuy nhiên, khi trên tàu ngư dân ăn Tết sớm hơn. Trong đêm giao thừa sẽ nghỉ để đón Tết. Qua giao thừa 1 đến 2 giờ, sẽ thả câu", ông Hậu cho hay.
Ngư dân Nguyễn Văn Trỗi (42 tuổi, trú phường Tam Quan Nam), chủ tàu BĐ-98275TS, hành nghề câu cá ngừ đại dương ở ngư trường Trường Sa. Hơn 10 năm qua, dịp Tết Nguyên đán nào ngư dân Trỗi cũng cùng bạn thuyền đón năm mới trên biển.
Tuy nhiên, với ngư dân này, mỗi lần đón Tết trên biển đều có cảm xúc khác nhau, trong đó có nỗi nhớ nhà xen lẫn niềm vui đánh bắt trên biển.
Dù đang đánh bắt ở đâu thì cứ đến chiều 30 Tết là anh em thuyền viên đều tắm rửa sạch sẽ. Sau đó, những anh em trong tổ đoàn kết trên biển sẽ làm món chả cá để đến đêm giao thừa, anh em ngồi vòng quanh trên boong tàu nhấm nháp với vài lon bia và những thực phẩm mang theo.
Đêm giao thừa, ngư dân ngồi quây quần bên nhau. Giữa biển khơi, dưới ánh sáng của những chiếc tàu cá, họ kể cho nhau về những câu chuyện trong những chuyến hải trình gần nhất và chia sẻ kinh nghiệm về công nghệ mới để bảo quản cá ngừ đại dương giữ độ tươi khi vào bờ.
Bắt đầu sáng Mùng 1 Tết, những chiếc tàu cá trên biển tiếp tục thả câu để đánh bắt cá ngừ đại dương.
"Tết dù xa nhà nhưng khi chuyến đi biển về bờ đầy cá thì mình lại có nguồn kinh phí lo cho gia đình. Với ngư dân đánh bắt xuyên biển như tôi, trúng cá có thêm thu nhập là Tết vui rồi. Năm Giáp Thìn 2024 mong sao trời yên biển lặng, ngư dân đánh bắt bội thu", ngư dân Trỗi bộc bạch.
Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Bình Định-phụ trách Cảng cá Quy Nhơn, trước đó, trong không khí ngày Tết, Cảng cá Quy Nhơn cũng đã đón các tàu cá BĐ 97692 TS hành nghề mành chụp của ngư dân Võ Thanh Tốt, tàu cá BĐ 98159 TS hành nghề lưới vây của ngư dân Đỗ Ngọc Vương, tàu cá BĐ 96106 TS hành nghề lưới vây của ngư dân Lê Văn Tá, tàu cá BĐ 91639 TS hành nghề lưới vây của ngư dân Cao Văn Phê, tàu cá BĐ 95894 TS hành nghề lưới vây của ngư dân Lê Văn Xơ, tàu cá BĐ 91600 TS hành nghề lưới vây của ngư dân Phan Hữu Quốc…
Những chuyến biển cuối năm âm lịch và đầu năm mới Giáp Thìn tàu cá nào cập bờ cũng cá mực đầy khoang. Đây là tín hiệu vui của nghề đánh bắt thủy sản trong năm mới của ngư dân Bình Định.
Thị xã Hoài Nhơn có 2.318 tàu cá đã đăng ký đăng kiểm, cấp phép khai thác theo quy định, trong đó 2.142 tàu có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động vùng khơi.
Theo ông Nguyễn Chí Công - Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn, địa phương này có 434 tổ đoàn kết đánh bắt trên biển với 1.857 tàu tham gia, theo nhóm 3 cùng: "Cùng ngư trường, cùng nhóm nghề, cùng sở thích".
Trong Tết Nguyên đán Giáp Thìn, thị xã Hoài Nhơn có 1.000 tàu cá với hơn 6.000 lao động đi đánh bắt chuyến biển xuyên Tết. Trước khi tàu ra khơi, UBND thị xã Hoài Nhơn tổ chức lễ phát động đánh bắt thủy sản năm 2024, tuyên truyền Luật Thủy sản và chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định cho ngư dân.
"Ngư dân thị xã Hoài Nhơn có truyền thống đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong những chuyến đánh bắt trên biển; thực hiện tốt các quy định của pháp luật khi hành nghề. Thị xã Hoài Nhơn đã thí điểm nhiều tàu đánh bắt cá ngừ đại dương bằng công nghệ của Nhật Bản. Trong quá trình câu cá ngừ, bà con đẩy mạnh áp dụng bảo quản bằng công nghệ nano rất hiệu quả", ông Công cho hay.
Vẫn theo ông Nguyễn Chí Công, đầu năm mới, thị xã sẽ tổ chức thăm tàu cá đầu tiên về Cảng cá Tam Quan. Sau đó, sẽ làm lễ phát động đánh bắt thủy sản năm 2024, tuyên truyền Luật Thủy sản và chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
"Qua buổi phát động đánh bắt thủy sản, chính quyền thị xã Hoài Nhơn động viên bà con bám ngư trường đánh bắt cá đạt sản lượng và hỗ trợ các gia đình còn nhiều khó khăn ở các xã biển", ông Công chia sẻ.
Bình Định có đội tàu đánh bắt xa bờ 3.200 chiếc, riêng tàu câu cá ngừ đại dương có 1.450 chiếc, 7.000 người tham gia khai thác. Hằng năm, sản lượng khai thác cá ngừ của tỉnh chiếm tỷ lệ cao so với cả nước, thường chiếm hơn 50%, sản lượng năm 2023 đạt hơn 13 nghìn tấn.
Thời gian gần đây, tỉnh đã sử dụng một số công nghệ bảo quản, thu mua theo chất lượng cá và mang lại hiệu quả cho bà con. Ngành nông nghiệp của tỉnh cũng đang tập trung nghiên cứu, thu hút những nhà đầu tư chế biến sâu đối với một số loại thủy sản để nâng cao giá trị.
Trong năm 2024, ngành nông nghiệp Bình Định sẽ xây dựng chuỗi cá ngừ đại dương. Chuỗi cá ngừ đại dương gắn từ khâu sản xuất đến người thu mua và chế biến, vừa mang lại hiệu quả đối với người khai thác cá ngừ đại dương, vừa đảm bảo nguồn cung và xuất khẩu cho người chế biến thủy sản.
"Bà con ngư dân Bình Định luôn vươn khơi bám biển, gần Tết vẫn ra khơi và hoạt động xuyên Tết. Đây là một trong những chuyến biển rất quan trọng với ngư dân.
Trong đợt này, chúng tôi xuống động viên tinh thần ngư dân vươn khơi bám biển, đồng thời thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền cho bà con về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định", ông Trần Văn Phúc - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định nói.