Trao đổi với PV Dân Việt, ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, một loạt chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, đặc biệt là sự cố gắng nỗ lực của ngành y tế vào cuộc đã tháo gỡ được một số khó khăn, vướng mắc trong năm qua. Đặc biệt, Luật Khám, chữa bệnh được sửa đổi, được Quốc hội thông qua. Đây là nền tảng của hoạt động hệ thống y tế tháo gỡ được khó khăn trong thời gian trước đó.
Ông Cơ nhấn mạnh hoạt động cơ chế tài chính trong hệ thống y tế. Luật Khám, chữa bệnh có cả một chương bàn về vấn đề này mà trước đó, xã hội hoá ngành y tế nhưng văn bản pháp quy không rõ ràng, có nhiều vướng mắc.
"Tôi hi vọng Nghị định, Thông tư sắp tới được ban hành sẽ cởi trói cho hoạt động y tế, đặc biệt cho hoạt động xã hội hoá trong hoạt động y tế. Từ đó, huy động được nguồn lực xã hội vào công cuộc chăm sóc sức khoẻ người dân. Chúng ta không chờ vào nguồn lực về tài chính của ngân sách Nhà nước", ông Cơ cho hay.
Người đứng đầu Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Luật Khám, chữa bệnh tạo cơ hội để các nguồn lực xã hội tham gia phục vụ sức khoẻ cho người dân. Giúp bệnh viện, cơ sở y tế công có cơ hội liên doanh, liên kết, có hành lang pháp lý chuẩn để thực hiện, tránh tình trạng như trước đây.
"Xã hội hoá y tế là chủ trương hết sức đúng đắn, tuy nhiên các văn bản pháp quy chưa phù hợp, chưa theo kịp nên nhiều bệnh viện vướng vào vấn đề pháp lý. Chính phủ cũng như Bộ Y tế đang chỉ đạo các bệnh viện, các hệ thống y tế là vấn đề chuyển đổi số trong hoạt động y tế.
Hy vọng năm nay, các bệnh viện quyết liệt chuyển đổi số. Khi chuyển đổi, ứng dụng công nghệ sẽ là cuộc cách mạng lớn trong vấn đề quản lý cả hệ thống y tế về sức khoẻ cho người dân, quản lý bệnh viện, các vấn đề khoa học công nghệ, đặc biệt có cơ hội cập nhật kiến thức của thế giới vào Việt Nam giúp chúng ta hội nhập với y tế thế giới nhất là các nước phát triển có công nghệ cao về y tế", ông Cơ kỳ vọng.
Ông Cơ cho hay, Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt đang hội nhập khoa học kỹ thuật. Bên cạnh những nỗ lực trong nước thì bệnh viện đang đầu tư phát triển, đưa đội ngũ nguồn nhân lực cán bộ có trình độ kỹ thuật cao, công nghệ thông tin tốt đang theo học các khoá đào tạo kiến thức, kỹ thuật của thế giới vào ứng dụng tại chính bệnh viện. Song song với đó, bệnh viện sẽ có kế hoạch ứng dụng tốt, tiếp tục triển khai, chuyển giao cho các cơ sở y tế, các bệnh viện trong cả nước, bệnh viện cơ sở tuyến dưới để người dân hoàn toàn yên tâm chữa bệnh trong nước, không phải đi ra nước ngoài để điều trị.
"Người dân ở địa phương các tỉnh hoàn toàn có thể điều trị tại địa phương của mình mà không phải chuyển lên tuyến trên trừ trường hợp hết sức đặc biệt. Từ đó tiết kiệm được nguồn lực, tài chính, giúp cho người dân an tâm chữa bệnh tại chính quê hương của mình, tại Việt Nam mà không phải ra nước ngoài.
Như vậy sẽ tiết kiệm được nguồn ngân sách rất lớn từ trong dân cũng như ngân sách của nhà nước. Chúng ta tái đầu tư lại cho việc phát triển nguồn lực y tế trong nước, không bị chảy nguồn lực tài chính ra nước ngoài. Từ đó tái đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị, đặc biệt đào tạo nguồn nhân lực y tế trong nước. Đó là điều tôi rất mong muốn và kỳ vọng trong thời gian tới", ông Cơ nhấn mạnh.
Song song với đó, Bệnh viện Bạch Mai cũng sẽ ký kết hợp tác song phương với nhiều bệnh viện, trường đại học y dược trên thế giới để kết hợp việc đào tạo nguồn nhân lực cũng như học hỏi các nền y tế tiên tiến, đặc biệt tiếp nhận các kỹ thuật tiên tiến của các nước.
"Người dân hoàn toàn có thể an tâm chữa bệnh trong nước với chất lượng giống như ở nước ngoài. Đó là cái đích mà Bệnh viện Bạch Mai đang hướng tới", ông Cơ chia sẻ.
Nhìn lại 2023 đã qua, ông Cơ cho biết, các khó khăn đang được tháo gỡ vẫn còn nhiều thử thách. Thực trạng chung nền kinh tế của Việt Nam cũng như của thế giới sau đại dịch Covid-19 còn có những bước phát triển chững lại. Đây cũng là khó khăn trong phát triển nền kinh tế xã hội nói chung, trong đó có y tế. Vấn đề tài chính là điều cần thiết trong phát triển y tế. Các bệnh viện và hệ thống y tế vẫn có thể sẽ gặp phải những cản trở về tài chính trong thời gian tới.
"Tôi rất mừng khi một loạt các văn bản luật khác như Luật Bảo hiểm, Luật Đấu thầu,… được song hành cũng như được Quốc hội đã và chuẩn bị bấm nút thông qua. Việc này được thực hiện đồng bộ sẽ hỗ trợ cho việc phát triển của ngành y tế trong thời gian tới", ông Cơ nói thêm.
Đồng quan điểm trên, trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục Trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) kỳ vọng, trong thời gian vừa qua, đặc biệt thời kỳ chống dịch bệnh mới thấy rõ vai trò của y tế dự phòng và y tế cơ sở rất quan trọng.
"Vừa qua Quốc hội đã có Nghị quyết về y tế dự phòng, mong rằng Chính phủ sẽ có quyết sách quan tâm hơn nữa, đặc biệt, Quốc hội cũng đang rất quan tâm, chỉ đạo thảo luận về các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh, y tế cơ sở, y tế dự phòng. Trong đó, có sự quan tâm tới vấn đề tiền lương của cán bộ y tế nói chung, cán bộ y tế dự phòng nói riêng", ông Phu nói.
Theo ông Phu, dịch bệnh ngày càng phức tạp, diễn biến nhanh hơn nên lãnh đạo Bộ Y tế cần quan tâm hơn đến phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó cần chú ý các bệnh không lây nhiễm bởi đây là những bệnh thầm lặng, có thể làm cho tỉ lệ tử vong do không lây nhiễm nhiều.
"Việt Nam cũng được xếp vào nước sống có tuổi thọ lâu nhưng sống không khoẻ trong giai đoạn về sau nên cần có sự quan tâm đồng bộ cả phòng chống bệnh truyền nhiễm đến phòng chống bệnh không lây nhiễm, các yếu tố nguy cơ về vấn đề môi trường, ăn uống, bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh mạn tính khác…", ông Phu mong mỏi.