Bộ trưởng Y tế thông tin nóng về số phận hai dự án nghìn tỷ Bệnh viện Bạch Mai 2 và Việt Đức 2
Bộ trưởng Y tế thông tin "nóng" về số phận hai dự án nghìn tỷ Bệnh viện Bạch Mai 2 và Việt Đức 2
An Linh
Thứ tư, ngày 01/11/2023 11:34 AM (GMT+7)
Tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thông tin "nóng" về hai dự án bệnh viện lớn Bạch Mai 2, Việt Đức 2 tại Hà Nam. Đây là những dự án được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, nhận được kỳ vọng lớn nhưng hiện đang tình trạng cửa đóng, then cài.
Liên quan đến công tác đấu thầu thuốc, nguồn cung thuốc, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, tính đến nay, việc triển khai đồng bộ các giải pháp đã đạt được, dù vẫn còn tình trạng thiếu thuốc cục bộ tại một cơ sở, một số cơ sở y tế địa phương. Tuy nhiên, trong tháng 10/2023 có 61,41% đơn vị báo cáo đã đủ cung ứng thuốc cho hoạt động khám, chữa bệnh, 38,59% đơn vị báo cáo còn có tình trạng thiếu hụt thuốc cục bộ.
Bà Lan cho rằng, có những đơn vị trước đây khó khăn như hiện nay đã đấu thầu đảm bảo cơ bản cho công tác khám, chữa bệnh. Ví dụ như Bệnh viện Bạch Mai, từ đầu năm đến nay đã thực hiện được 35 gói thầu vật tư, hóa chất, máy móc.
Với các bệnh hiếm gặp thì Bộ cũng đã trình cơ chế để mà tháo gỡ trong cái vấn đề đảm bảo được nguồn cung cho các vấn đề thuốc hiếm, đặc biệt liên quan đến vấn đề cơ chế tài chính, ngân sách.
Với việc thiếu máu của Cần Thơ và các tỉnh Tây, miền Đông Nam Bộ. Trong báo cáo thời gian vừa qua, đặc biệt là từ tháng 6/2023, Bệnh viện Huyết học truyền máu Cần Thơ thông báo khó khăn trong việc cung cấp máu, chế phẩm máu cho các bệnh viện trong khu vực. Để giải quyết vấn đề này, Bộ đã chỉ đạo và đã giao nhiệm vụ cho Viện Huyết học truyền máu Trung ương, Trung tâm máu quốc gia,
Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy và các trung tâm truyền máu khác đảm bảo hỗ trợ cho Cần Thơ và các tỉnh phía Nam.
Đến nay thì theo số liệu báo cáo của Bệnh viện Huyết học Truyền máu thành phố Cần Thơ đã cung cấp được cho 74 bệnh viện trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long gần 65.000 đơn vị máu. Bộ cũng đã phối hợp với Ban chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, Hội Chữ thập đỏ để huy động máu đáp ứng cho các địa phương trong vùng.
Tuy nhiên, đến ngày 30/10, Cần Thơ vẫn báo cáo tình trạng thiếu máu, nguyên nhân chủ yếu là do khó khăn, vướng mắc liên quan đến đấu thầu tại địa phương. Bộ Y tế hứa sẽ cùng với các đơn vị sẽ tiếp tục hỗ trợ máu cho khu vực này.
Để khắc phục tình trạng này, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị các tỉnh chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, Sở Y tế thực hiện việc mua sắm, đấu thầu cho người dân đảm bảo đúng quy định, rõ ràng, có cùng một chính sách, có nơi làm tốt, có nơi còn vướng mắc.
Liên quan đến dự án Bệnh viện Bạch Mai 2 và dự án Bệnh viện Việt Đức 2, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết ngày 21/2/2023, Thủ tướng đã có thành lập tổ công tác rà soát khó khăn với sự tham gia của Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp. Đến nay tổ đã có ba báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
Bà Lan cho biết, hiện tổ công tác đã đề xuất các phương án để cho phép kéo dài thời gian bố trí thực hiện dự án đến hết ngày 31/12/2025, rà soát, điều chỉnh các hợp đồng đã ký theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu xây dựng và pháp luật liên quan và đề nghị bổ sung cân đối vốn để tiếp tục thực hiện dự án, sớm đưa dự án vào phục vụ nhân dân.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thông tin: Hiện nay Bộ Y tế đang phối hợp cùng với các Bộ, ngành để thực hiện thương thảo với các nhà thầu và thống nhất các nội dung điều chỉnh hợp đồng và triển khai thực hiện các giải pháp theo quy định để sớm đưa thực hiện vào các cái nội dung này để đưa các cái dự án này triển khai.
Liên quan đến vấn đề thiếu thuốc, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế là một thách thức dai dẳng. Đây không phải là hiện tượng mới, xảy ra ở nhiều nước, đặc biệt nghiêm trọng hơn trong và sau đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe của người dân ngay ở các quốc gia phát triển có hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại như các quốc gia châu Âu, Anh, Pháp, Ý, cả Hoa Kỳ cũng có hiện tượng này.
“Đặc biệt các thuốc cho hệ thần kinh, hệ tim mạch, thuốc chống nhiễm trùng, thuốc chống ung thư, thuốc tiêu hóa, thuốc kháng độc bạch hầu, vaccine khẩn cấp cho bệnh sốt vàng, các thuốc, sinh phẩm chế biến từ huyết tương trong máu người”, lãnh đạo Bộ Y tế nêu.
Theo Bộ trưởng Lan, việc thiếu thuốc do nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung nguyên liệu hoạt chất trên thế giới khan hiếm, giá cả biến động trên quy mô toàn cầu, vấn đề lạm phát, khủng hoảng năng lượng, ảnh hưởng của xung đột quân sự giữa các quốc gia, làm tăng cao chi phí đầu vào của ngành sản xuất dược phẩm.
“Giá thành sản phẩm tăng cao, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thiếu động lực khuyến khích các nhà sản xuất, sản xuất các loại thuốc mang lại ít lợi nhuận hơn”, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.
Về nguyên nhân chủ quan, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, hệ thống văn bản pháp luật liên quan còn bất cập, việc tổ chức thực hiện mua sắm, đấu thầu còn vướng mắc, công tác phối hợp giữa các đơn vị trong quá trình thực hiện mua sắm chưa kịp thời, hiệu quả…
“Đặc biệt là có tâm lý e ngại, sợ sai ở một số cá nhân, đơn vị và địa phương”, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.
Theo bà Lan, giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc thời gian tới cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện mua sắm thuốc đấu thầu tập trung quốc gia. Tăng cường công bố thông tin phục vụ đấu thầu, phối hợp cùng với các địa phương, các cơ sở y tế rà soát các vướng mắc liên quan tới việc đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế để giải quyết theo thẩm quyền.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.