Tal Cohen là một trong những chuyên gia hàng đầu đến từ Afimilk - công ty công nghệ chăn nuôi bò sữa nổi tiếng nhất Israel, sau đó đã "đầu quân" sang tập đoàn TH. Hơn 10 năm gắn bó với TH, Tal Cohen hiện là Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm sữa TH, đơn vị vận hành chuỗi trang trại TH khắp Việt Nam.
Trên nền bê tông, trong một nhà xưởng lớn, từng dãy hỗn hợp các loại chất rắn màu nâu được rải khắp. Chúng vốn là phân sau tách nước, phế phẩm ủ chua, thức ăn thừa, chất độn chuồng của 3 cụm trang trại đang chăn nuôi vài chục ngàn con bò cách đó chừng 1km, nhưng đã được tái chế.
Một chiếc máy khổng lồ màu vàng ầm ì hoạt động. Nó di chuyển chậm rãi, "ăn" dần từng khoảnh hỗn hợp trên sàn, đảo trộn, thêm oxy, rồi "nhả" lại thành những đống chất cao.
Đây là thành phẩm cuối cùng, đợi thêm khoảng hơn 1 tuần để "đủ ngày đủ tháng", khi "chín, hoại mục", chúng sẽ được đưa trở lại cánh đồng.
Ông Phạm Vinh Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Phân bón Xanh thuộc Tập đoàn TH, vừa dẫn chúng tôi đi một vòng quanh Nhà máy chế biến phân bón hữu cơ của Cụm trang trại bò sữa TH huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An, vừa tự hào cho biết: Tuy "đầu nguồn" đổ về nhà máy chủ yếu là phân bò, thức ăn thừa, nhưng nơi "cuối nguồn" này không hề có mùi, và khu vực này rất ít khi thấy… ruồi.
Các giai đoạn thu gom, tách phân và máy móc để xử lý chúng, tái chế thành phân bón đều là những công nghệ tiên tiến nhất, nhập khẩu từ Đức, Israel.
Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Huỳnh Thành Đạt
"Chúng tôi ấn tượng với các ứng dụng khoa học công nghệ của Tập đoàn TH tại các trang trại, nhà máy. Việc tiếp nhận và làm chủ những công nghệ hàng đầu để phát triển là phù hợp với xu thế hiện nay. Chiến lược của TH rất tầm cỡ và xuất phát từ nhận thức đúng đắn là muốn phát triển bền vững thì phải ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo" - Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Huỳnh Thành Đạt.
Ông Sơn đã làm việc ở TH được 12 năm, còn cỗ máy đảo trộn phân mà ông đang chỉ cho chúng tôi xem cũng đã hơn 13 tuổi. Ngày ấy TH "chịu chơi", đầu tư lớn và bài bản, với tầm nhìn xa, mua chiếc máy với giá gần 10 tỷ đồng và cho đến tận bây giờ, nó vẫn là chiếc máy lớn nhất Việt Nam về công suất đảo trộn, tạo luống ủ phân, ở Việt Nam chưa có chiếc thứ hai với công suất này: gần 52 tấn/phút.
Nhà máy này được ông Sơn gọi là "trái tim xanh" của Cụm trang trại bò sữa TH tại Nghệ An. Nó là mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất tuần hoàn khép kín của Tập đoàn TH, với 2 nhiệm vụ chính yếu: tạo vòng đời mới hoàn toàn thân thiện môi trường cho chất thải từ trang trại, và giảm tối đa phát thải khí metan (CH4).
Động vật nhai lại nói chung, bò sữa nói riêng, sinh ra CH4 trong dạ cỏ của chúng, phát tán ra xung quanh qua hô hấp và bài tiết. Chất bài tiết, gồm phân và nước tiểu, nếu gặp môi trường yếm khí (thiếu oxy) - chẳng hạn như ủ đống, chôn lấp, tích trữ dưới hố hở - thì đấy là "cơ hội vàng" của khí metan!
Nhưng tại TH, với công nghệ xử lý chất thải tiên tiến và hiện đại hàng đầu, hoàn toàn tự động, liên tục cập nhật và ứng dụng những thành tựu khoa học mới nhất - gồm ít nhất 12 bước, đã giảm thiểu được ít nhất 70% lượng phát thải metan đó, ông Sơn tự tin khẳng định.
Ông Phạm Vinh Sơn, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Phân bón Xanh.
"Đầu tiên, nguồn thải của trang trại bao gồm chất thải lỏng và chất thải rắn hữu cơ được tập trung về bằng hệ thống ống kín, sau đó được tách ra để xử lý. Chúng tôi có công nghệ được đánh giá là tiên tiến nhất bây giờ, ví dụ như công nghệ tái tạo nền chuồng nhanh BRU. Phương pháp này sẽ tuần hoàn lại phần xơ bã chưa phân hủy hết trong quá trình chăn nuôi để đưa vào làm chất đổ nền chuồng. Đây chính là kinh tế xanh trong nông nghiệp mà thế giới hướng đến…".
Ở một công đoạn khác, bể kị khí sẽ chuyển đổi toàn bộ COD thành khí biogas CH4. Khí thu được dùng để đốt phát điện hoặc tạo ra nhiệt, sử dụng cho các mục đích như làm khô hoặc sấy thức ăn cho đàn bò sữa.
Tiếp đến, chất thải được đưa qua mương oxy hóa hoàn chỉnh. Công nghệ mương oxy hóa ví như là trái tim của nhà máy. Ở bước này, các chất hữu cơ, hợp chất nitơ có trong nước thải của bò cũng như các chất lắng cặn sẽ được phân hủy. Sản phẩm của bước này được đưa đến các bể lắng để tách phần bùn có trong nước thải ra. Loại bùn sinh học này sẽ được thu tách nước và đưa về nhà máy phân compost để làm phân bón hữu cơ. Còn phần nước sau khi diệt khuẩn thì sẽ được xả ra môi trường theo quy chuẩn cột A hiện hành.
Sau khi tất cả các nguồn nguyên liệu rắn ở trên được tập kết về nhà máy phân compost thì sẽ trải qua giai đoạn ủ hiếu khí có đảo trộn. Cách làm này không chỉ rút ngắn thời gian phân hủy của hữu cơ mà còn không phát sinh mùi, không phát sinh khí CH4 (ủ hiếu khí) đồng thời không phát sinh các vi sinh vật, hạt cỏ dại có hại.
"Nhờ quy trình này, các trang trại chăn nuôi bò sữa của TH đã giảm thiểu được ít nhất 70% phát thải khí metan so với các biện pháp thông thường. Với con số đó, các chuyên gia khẳng định TH chúng tôi có thể tự tin là người đứng đầu, trong vòng khoảng 1 đến 2 thập kỷ nữa vẫn sẽ duy trì được vị thế này" - ông Sơn nói.
Tháng 7/2022, tại cánh đồng ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn TH ở xã Đông Hiếu, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Mô hình cánh đồng ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn TH phù hợp với chủ trương phát triển của đất nước, đó là phát triển bền vững, theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí metan.
Bà Vy Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Thức ăn và Dinh dưỡng của Cụm trang trại bò sữa TH Nghệ An, nói thêm với chúng tôi về "vòng tuần hoàn" của chuỗi thức ăn cho đàn bò của trang trại TH không chỉ ở Nghệ An mà cả ở các tỉnh nơi TH đang phát triển Dự án chăn nuôi bò sữa.
Sau khi chất thải được chế biến thành phân bón thành phẩm, một phần nhỏ được dùng cung cấp cho các hộ dân trồng ngô trong vùng, còn phần chủ yếu sẽ trở lại đồng ruộng của TH, làm màu mỡ đất đai, nuôi lớn những cánh đồng ngô, cỏ bát ngát. Thức ăn của đàn bò chính là từ đó.
"Các loại thức ăn thô xanh nguyên liệu như ngô, cỏ, cao lương, hướng dương tươi, sạch sau khi được thu hoạch sẽ tập kết để từ đó chế biến ra những món ăn khoái khẩu, dinh dưỡng cho gần 70.000 con bò sữa của TH".
Phối trộn thức ăn cho bò sữa TH
Bà Hằng cho biết, cụm trang trại có 2 Trung tâm thức ăn với 30 hố ủ chua lớn và hàng chục hố ủ nhỏ khác để ủ chua nguyên liệu làm thức ăn cho bò sữa. Mỗi hố lớn có thể chứa khoảng 6.000 tấn. Mỗi ngày, hai nhà máy sản xuất và phối trộn hàng ngàn tấn thức ăn rồi phân phối đến từng chuồng bò cho 9 nhóm bò khác nhau: bê non, bê, bò tơ non, bò tơ trưởng thành, bò mang thai, bò sắp sinh, bò mới sinh, bò đang cho sữa, bò cạn sữa.
"100% quy trình cho bò ăn được thực hiện bằng máy móc hiện đại và điều khiển thông qua hệ thống phần mềm tự động, với sự tư vấn bởi các chuyên gia dinh dưỡng Israel" - bà Hằng tự hào nói.
Có thể kể đến công nghệ phần mềm Skiold của Đan Mạch giúp kiểm soát việc nhập nguyên liệu thức ăn tinh, nghiền, phối trộn các công thức thức ăn tinh; Phần mềm lập công thức NDS Professional (Nutritional Dynamic System) của Ý giúp lập khẩu phần thức ăn; và công nghệ 1-ONE của Israel giúp điều hành phối trộn và rải thức ăn mang đến tỷ lệ phối trộn và cung cấp thức ăn chính xác trên 99% …
NDS là phần mềm được xây dựng bởi các chuyên gia dinh dưỡng cho bò sữa hàng đầu thế giới từ châu Âu và Mỹ, sử dụng nền tảng từ nghiên cứu của đại học Cornel (Mỹ) và Phòng nghiên cứu - phân tích Dairy1 (Mỹ). Việc sử dụng phần mềm NDS để lập khẩu phần ăn cho bò sữa, tối ưu hóa sử dụng các axit amin, giảm tỷ lệ protein thô trong khẩu phần góp phần cắt giảm 15 - 25% khí metan mỗi con bò phát thải ra môi trường mỗi ngày.
Nhờ những quy trình "xanh" và công nghệ "đỉnh", bình quân phát thải trên mỗi đơn vị sản phẩm tại nhà máy sữa TH là 0,103 kg CO2/lít sữa trong năm 2022.
Mức phát thải này thấp hơn hẳn so với kết quả giảm phát thải ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Năm 2020, Liên minh Kỷ lục Thế giới (World Records Union) chứng nhận Cụm trang trại bò sữa TH tại Nghệ An được đạt kỷ lục "Cụm trang trại chăn nuôi và chế biến sữa công nghệ cao khép kín lớn nhất thế giới".
Trước đó 5 năm, buổi trao chứng nhận kỷ lục châu Á cho cụm trang trại của TH được Báo Tiền Phong thuật lại chi tiết. Tiến sỹ Biswaroop Roy Chowdhury, Tổng Giám đốc Tổ chức Kỷ lục Châu Á, đến trực tiếp Cụm trang trại TH tại Nghệ An trao bản chứng nhận này. Ông phát biểu:
"5 năm trở về trước, ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam chưa từng được nhắc đến trên bản đồ chăn nuôi bò sữa thế giới cho đến khi có sự ra đời của một hệ thống trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp tại Nghệ An, nơi mà hôm nay tôi có vinh dự được đứng trên bục phát biểu và trao Kỷ lục "Cụm trang bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao lớn nhất Châu Á" cho các bạn.
Để đạt được kỷ lục này, TH đã phải cạnh tranh với rất nhiều trang trại chăn nuôi bò sữa, đặc biệt là các trang trại tại các nước như Trung Quốc, Mông Cổ, Ấn Độ, các nước vùng Trung Đông... Các bạn là niềm tự hào của Việt Nam và của nền chăn nuôi bò sữa và nông nghiệp Châu Á…"
Cuốn sách Kinh tế tuần hoàn & Những mô hình tiên phong do NXB Công Thương vừa ấn hành tháng 8/2023, viết về những đại diện tiêu biểu nhất của nền kinh tế Việt Nam đương đại. Về mô hình của TH, tác giả Văn Dũng trích lời Anh hùng lao động Thái Hương cam kết: "Tương lai sẽ còn nhiều đổi thay, nhưng phát triển bền vững là cam kết mà TH kiên tâm theo đuổi trong suốt quá trình hoạt động của mình. Chúng tôi quyết gìn giữ, bảo vệ môi trường sinh thái, sự đa dạng của tự nhiên, nhằm mang lại những sản phẩm tốt nhất từ những đồng đất mà chúng tôi đặt chân tới".
Và vào ngày 11/12/2023, Dự án Thay đổi bản chất ngành sữa Việt Nam trên nền tảng phát triển bền vững, vì sức khỏe cộng đồng thực hiện bởi Công ty Cổ phần Tập đoàn TH đã được vinh danh ở hạng mục danh giá nhất: Hạng mục Dấu Ấn Tiên Phong - Human Act Prize 2023.
Tổng thể cả ngành chăn nuôi Việt Nam với 28 triệu con lợn, gần 9 triệu trâu bò, 520 triệu gia cầm, mỗi năm vẫn đang thải hơn 18 triệu tấn CO2. Việt Nam đã có cam kết mạnh mẽ tại COP26 đạt mức phát thải ròng CO2 bằng "0" vào năm 2050, giảm khí thải metan 30% tính đến năm 2030.
Như vậy, tỷ lệ giảm phát thải khí metan của TH đã sớm vượt mục tiêu chung của ngành chăn nuôi.
Chưa kể, ở một quy trình khác, hệ thống Điện Mặt trời Mái nhà của Cụm trang trại, với sản lượng khoảng 7-8 triệu kWh/năm cũng gián tiếp giúp giảm phát thải hơn 5.000 tấn CO2 mỗi năm.
Nhưng câu chuyện về phát triển bền vững của TH không chỉ là giảm phát thải ròng CH4/CO2, mà còn thể hiện ở chính quy trình tạo ra ly sữa tươi - sạch - lành.
Tại tọa đàm với chủ đề "Đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới" tháng 11/2022, bà Thái Hương khẳng định: "Khi dẫn dắt Tập đoàn TH, việc đầu tiên của tôi là tạo ra một thương hiệu có giá trị và dựa trên giá trị cốt lõi của thương hiệu với tính nhân văn bao trùm. Trong đó, phát triển bền vững là điểm mấu chốt".
TH đã xác định và công bố Chiến lược Phát triển Bền vững của Tập đoàn, gồm 6 trụ cột: Dinh dưỡng - Sức khỏe, Môi trường, Giáo dục, Con người, Cộng đồng và Phúc lợi động vật. Trong đó, con người là trung tâm.
Bò sữa của TH được đảm bảo phúc lợi động vật, vì thế, bò ăn sạch - bò uống sạch - bò thải "xanh" với tinh thần "Trân quý Mẹ Thiên Nhiên" mới chỉ là một nửa vấn đề. Nửa còn lại chính là việc đảm bảo tạo ra ly sữa tươi - ly sữa sạch - ly sữa lành; là ly sữa từ những con bò cho sữa trong trạng thái thật sự khỏe mạnh, hạnh phúc.
Ông Craig Tanner, chuyên gia thú y tại TH true MILK.
Ông Craig Tanner, chuyên gia thú y quốc tế của Totally Vets (New Zealand), là người phụ trách quy trình chăm sóc sức khỏe cho đàn bò sữa của TH true MILK. Craig hào hứng kể cho chúng tôi về cách mà quy trình công nghệ tiên tiến nhất được áp dụng vào chăm sóc sức khỏe đàn bò.
"Những cô bò sữa này thật tuyệt vời. Phần lớn, chúng khá mạnh khỏe. Nhưng tiếc thay có những lúc bò bị bệnh và cần được chăm sóc, điều trị một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất có thể. Chúng tôi có một hệ thống rất tốt ở đây cho phép thực hiện điều đó".
Ông miêu tả, các hoạt động hoặc thay đổi hành vi của bò sữa được liên kết với thẻ mã số hoặc con chip mà mỗi con được đeo trên chân hoặc vòng cổ. Dựa trên những thay đổi thu được từ hệ thống, đội ngũ của Craig sẽ nhận được cảnh báo về các cá thể bò có dấu hiệu bất thường về sức khỏe. "Con bò đang biểu hiện như thế nào, chúng đang nói điều gì với chúng ta?".
Sau khi có dữ liệu và thông tin, bò sữa nếu có dấu hiệu bệnh sẽ được chăm sóc tùy tình trạng cơ thể của nó. Có hẳn một đội ngũ bác sĩ thú y làm việc này. Tùy theo quan điểm của thú y, con bò cần được điều trị tại chỗ khi ốm ở mức độ nhẹ, nhưng với những trường hợp nặng thì phải đưa vào "bệnh viện của bò" - nơi có đội ngũ nhân viên và cơ sở vật chất chuyên biệt, điều trị chuyên sâu.
"Chúng tôi có thể nhận biết khi một con bò thật sự hạnh phúc và khỏe mạnh. Thật tuyệt vời khi được chứng kiến điều đó. Không chỉ chăm sóc về thể chất, chúng tôi còn quan tâm đến cảm xúc của từng cá thể bò. Chúng không thể nói được ngôn ngữ như chúng ta, nhưng chúng lại có những ký hiệu riêng thay cho lời nói", ông Craig cho biết.
Anh Nguyễn Trọng Tuấn, Phó quản lý Thú y của Cụm trang trại vẫn còn nhớ như in lần đầu tiên nhìn thấy đàn bò sữa tại đây.
"Đến khu bê, tôi ngạc nhiên khi chứng kiến sự ân cần của đội ngũ chăm sóc. Một cô công nhân đang cho bê non bú bình, trong khi đó, bác sỹ thú y đang kiểm tra phổi cho bê non nói vọng lại: "Bé chỉ sốt nhẹ thôi chị ạ, điều trị xong, chiều lại chạy nhảy tung tăng ấy mà!".
Đối với tôi, ấn tượng không chỉ ở mô hình chăn nuôi khổng lồ mà là sự chuyên nghiệp, thân thiện và sự quan tâm sâu sắc về phúc lợi động vật".
Giám đốc Kỹ thuật Công ty Cổ phần Thực phẩm Sữa TH, ông Gilad Efrat đến Việt Nam năm 2010 và đã làm việc tại cụm trang trại 13 năm qua. Ông cho chúng tôi biết về quy trình vắt sữa đặc biệt.
"Quy trình vắt sữa hoàn toàn tự động của chúng tôi khác với vắt sữa truyền thống, như sát trùng trước khi vắt sữa, và luôn đảm bảo con bò thoải mái ở dàn vắt sữa. Chúng tôi có thể kiểm soát được chất lượng mỗi giọt sữa vắt ra bằng các cảm biến đặc biệt. Hệ thống máy móc đo lường có tác dụng đảm bảo chất lượng sữa, từ đó đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dùng".
Giám đốc Kỹ thuật Công ty Cổ phần Thực phẩm Sữa TH, ông Gilad Efrat kiểm tra dàn vắt sữa tự động.
Một trong những loại bệnh phổ biến nhất ở bò sữa là viêm vú. Sữa vắt ra từ những con bò như thế có nguy cơ bị nhiễm khuẩn rất cao. Với đàn bò sữa gần 70.000 con, trong đó gần một nửa là bò vắt sữa, nếu chỉ dựa vào kiểm tra thủ công để kiểm soát bệnh cho 100% cá thể là điều không thể!
Công nghệ Afifarm là công nghệ hiện đại nhất thế giới về quản lý bò sữa do Công ty SAE Afimilk (Israel) phát triển. Afifarm có thể phát hiện các vấn đề về sức khỏe của bò ở giai đoạn sớm qua con chip AfiTag.
AfiTag có thể phát hiện sớm bệnh viêm vú của một bò sữa trước 4 ngày. Và chưa hết, khi một "cô bò" đã lên giàn vắt sữa, hệ thống Afifarm vẫn làm thêm một công đoạn nữa: phát hiện cá thể nào có biểu hiện bệnh, máy vắt sữa sẽ tự động "từ chối".
Quá trình vắt sữa khép kín, tự động từ lúc vắt sữa tập trung đến khi đóng thành phẩm. Sữa được kiểm tra chất lượng tự động, được chuyển theo hệ thống ống lạnh tự động, chảy qua bồn trung gian, qua bộ phận lọc đặc biệt rồi làm lạnh dưới 4 độ C, chuyển qua xe bồn lạnh để tới thẳng nhà máy chế biến.
Tháng 3/2017 tại Hà Nội, trước hàng chục quan chức và báo chí, Tổng thống Israel nhiệm kỳ 2014-2021 ông Reuven Ruvi Rivlin, cười rất tươi khi cầm và uống hộp sữa tươi sạch TH true MILK do bà Thái Hương mời. Ông nói ngắn gọn: "Tuyệt vời!".
Khi xem lại những thước phim về chuyến thăm của cố Tổng thống Shimon Peres, Tổng thống Reuven Ruvi Rivlin đã thốt lên: "Bây giờ tôi đã hiểu vì sao Shimon Peres lại thích sữa TH. Ly sữa này ngon tuyệt vời".
Ông Tal Cohen - Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm sữa TH.
Ông Tal Cohen là một trong những chuyên gia hàng đầu đến từ Afimilk - Công ty công nghệ chăn nuôi bò sữa nổi tiếng nhất Israel. Hơn 10 năm gắn bó với TH, Tal Cohen hiện là Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm sữa TH, đơn vị vận hành chuỗi trang trại TH khắp Việt Nam.
PV: Đã có hơn 10 năm làm ở tập đoàn TH, cùng với nhiều kinh nghiệm và hiểu biết về lĩnh vực chăn nuôi bò sữa ở các nước khác trên thế giới trước đó. Theo quan sát của ông, nguyên do gì mà TH quyết tâm phát triển bền vững ngay từ khi bắt đầu làm Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa?
- Ông Tal Cohen: Ngay từ khi thực hiện Dự án, bà Thái Hương đã truyền cảm hứng đến tất cả các nhân viên tâm niệm "Trân quý Mẹ Thiên Nhiên - Người cho mình tất thảy". Bà yêu cầu chúng tôi áp dụng những công nghệ cao nhất của thế giới để sản xuất và để giảm thiểu những tác động, ảnh hưởng của sản xuất đối với môi trường.
Và thực tế TH đã áp dụng bài bản, đồng bộ những công nghệ đầu - cuối, hiện đại nhất của thế giới trong công tác chăn nuôi bò sữa tập trung và quy trình sản xuất khép kín "Từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch".
Tổng thể đến lúc này, chúng tôi đã có những phương pháp hiệu quả bảo vệ môi trường như: Lắp đặt điện mặt trời trên các mái của trang trại và nhà máy TH nhằm cung cấp năng lượng sạch; Xây dựng Nhà máy chế biến phân vi sinh sạch tiêu chuẩn quốc tế từ chất thải trang trại bò sữa TH; Xử lý nước thải...
Nói về phát triển bền vững trên phương diện giảm thiểu tác động đến môi trường, chúng tôi đã dành nhiều nỗ lực để có thể tạo ra quy trình tuần hoàn tại Việt Nam.
Có nghĩa là, tại môi trường Việt Nam và các điều kiện tại Việt Nam, chúng tôi đã vận dụng công nghệ cao để có thể xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trả về môi trường, có thể gom phân từ đàn bò để tạo ra phân vi sinh và phân hữu cơ để bón cho cánh đồng của TH - nơi cung cấp thức ăn cho đàn bò và bán ra cho những nhà nông khác tại thị trường Việt Nam. Với chu trình tuần hoàn này, gần như chúng tôi không còn gây ra tác động đối với môi trường từ những phế phẩm tạo ra từ đàn bò.
PV: Tôi được biết TH đã giảm được đến 70% metan phát thải từ đàn bò. Các ông đã hài lòng về kết quả này?
- Ông Tal Cohen: Không, chúng tôi vẫn đang tiếp tục.
Hiện nay, chúng tôi đang ở giai đoạn đo lường các tác động sinh học tự nhiên của động vật từ khí metan khi đàn bò ăn hay tiêu hoá. Chúng tôi đang định lượng hoá để có thể đo lường và tìm cách để giảm thiểu khí này.
Thực ra chúng tôi đang dùng những hiểu biết và kỹ năng từ dự án với các công ty hàng đầu trên thế giới đang nghiên cứu vấn đề này để tìm ra các giải pháp phù hợp với đàn bò của mình tại môi trường Việt Nam, và tương tự thế.
Một khía cạnh nữa của phát triển bền vững là năng lực làm chủ công nghệ, gia tăng quy mô đàn bò của TH ngay tại Việt Nam. Cách đây 14 năm, chưa có dự án nào lớn như thế tại Việt Nam với tham vọng lớn để sản xuất sữa ngay tại đồng đất Việt Nam. TH đã làm được điều đó chỉ trong một thời gian ngắn, làm được sữa chuẩn quốc tế. Trên phương diện này, sau khi đã thành công, TH đã vững vàng duy trì và gia tăng quy mô đàn bò.
Những năm gần đây, trang trại bò sữa TH đã thành công trong việc làm chủ công nghệ tạo phôi, cho ra đời giống bò sữa cao sản thuần chủng bằng IVF ngay tại vùng đất này, nâng tổng quy mô đàn bò sữa của Dự án sữa TH trong cả nước tiệm cận 70.000 con. Đây là phương diện khác của phát triển bền vững liên quan đến các công nghệ sinh học mà các chuyên gia của TH sử dụng đối với di truyền của đàn bò sữa.
Nếu bạn nhìn vào phát triển bền vững, chúng tôi đã triển khai 3 khía cạnh này một cách liên tục và vẫn đang tiếp tục thực hiện rất tốt để đảm bảo ly sữa đạt chuẩn quốc tế ngay tại đồng đất Việt Nam.
Anh hùng Lao động Thái Hương - Nhà Sáng lập, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH.
"Phát triển bền vững là cam kết mà Tập đoàn TH kiên tâm theo đuổi trong suốt quá trình hoạt động của mình. Chúng tôi quyết gìn giữ, bảo vệ môi trường sinh thái, sự đa dạng của tự nhiên, nhằm mang lại những sản phẩm tốt nhất từ những đồng đất mà chúng tôi đặt chân tới" - Anh hùng Lao động Thái Hương - Nhà Sáng lập, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH.
PV: Theo đuổi phát triển bền vững hẳn là tốn kém, chi phí rất lớn, thưa ông?
- Ông Tal Cohen: Ngay từ đầu bà Thái Hương và Tập đoàn TH đã xác định phát triển bền vững. Nên câu trả lời về chi phí là: Có! Rất tốn kém! Nhưng TH vẫn làm, và làm đồng bộ.
Tuy nhiên, một doanh nghiệp lớn đầu tư vào các giải pháp phát triển bền vững sẽ dễ dàng hơn so với các hộ nông dân nhỏ. Ở các quốc gia trên thế giới, thường là chính quyền địa phương sẽ đầu tư, hoặc nhiều hộ nông dân kết hợp cùng nhau để đầu tư hạ tầng. Còn ở đây, Tập đoàn TH đầu tư ngay từ đầu. Dự án của TH đủ lớn để làm được điều đó.
Kế hoạch tiếp theo là chúng tôi sẽ chia sẻ việc sử dụng các giải pháp này với người nông dân, chúng tôi đang cố gắng tạo ra điều kiện tốt nhất cho người nông dân, để người dân cùng tham gia vào con đường phát triển bền vững, bởi vì sau cuối thì mục tiêu của sự phát triển vẫn là không làm ảnh hưởng đến môi trường chúng ta đang sống và tiến trình sản xuất tiếp theo của chúng ta.
Ví dụ, nếu TH không xử lý nước, sẽ ảnh hưởng đến nước sông ở hạ lưu, nơi có những người dân khác sinh sống và cũng là nguồn nước mà các trang trại của TH lấy lại để tiếp tục sản xuất.
Tôi nghĩ rằng, bằng cách đầu tư vào hạ tầng, công nghệ và đúc rút những bí quyết, kinh nghiệm, TH có thể chia sẻ, đồng hành tới những người nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất công nghệ cao của mình. Chúng tôi có thể tăng sản lượng sữa và cũng có thể đưa ra những giải pháp môi trường tốt hơn cho địa phương.
Bạn có thể thấy, Tập đoàn TH không những vận hành trang trại tại Nghệ An mà đang triển khai các dự án chăn nuôi bò sữa tại 5-6 địa phương khác trên khắp Việt Nam. Ở phương diện này, chúng tôi cũng sẽ giúp các hộ nông dân ở các địa phương khác tại Việt Nam, đưa họ trở thành một mắt xích trong chuỗi sản xuất của TH để cùng nhau phát triển bền vững hơn.
PV: Quay trở lại quá khứ một chút. Khi mới đến Việt Nam, ông có nghĩ đến tính khả thi của chiến lược phát triển bền vững của Tập đoàn TH không, nhất là khi khí hậu nhiệt đới tại Nghĩa Đàn - Nghệ An vốn được xem là không phù hợp cho chăn nuôi bò sữa là gia súc xứ ôn đới?
- Ông Tal Cohen: Tôi chưa từng hoài nghi về sự thành công của dự án, bắt đầu từ ý tưởng của bà Thái Hương. Bò sữa có thể nuôi ở bất cứ đâu, vấn đề là làm sao để có được chất lượng sữa tốt nhất. Tôi là người đã lớn lên cùng các cô bò sữa và tôi hiểu cần phải làm gì.
Về khí hậu, bà Thái Hương - người dẫn dắt chúng tôi - đã tính đến việc khắc chế khí hậu bằng công nghệ cao. Vấn đề tiếp theo là làm sao để giảm thiểu tác động của phát thải đối với môi trường, thì bà cũng đầu tư công nghệ cao. Đó là lý do mà dự án này được gọi là dự án chăn nuôi bò sữa tập trung công nghệ cao.
Bạn thấy đấy, TH đã thành công ở cả hai vấn đề trên.
Một cánh đồng công nghệ cao của TH true MILK
PV: Ông có nghĩ TH đã làm thay đổi cục diện ngành sữa tại Việt Nam hay không?
- Ông Tal Cohen: Chắc chắn rồi! Thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp sữa ở Việt Nam đã và đang đầu tư phát triển các trang trại chăn nuôi bò sữa với công nghệ tiên tiến, nhưng 14 năm trước, khi chúng tôi bắt đầu thì sữa ở Việt Nam chủ yếu là sữa hoàn nguyên (nhập khẩu sữa bột về pha lại). Trong khi đó, tiêu chí của sữa phải là tươi, sạch, tự nhiên và vào thời điểm đó, người tiêu dùng Việt Nam tin rằng muốn có sữa tươi tự nhiên thì phải nhập từ Úc, New Zealand… TH đã thay đổi hoàn toàn điều đó.
Bây giờ, tôi tin rằng người tiêu dùng Việt Nam đã biết rằng Việt Nam cũng có sữa tươi sạch, ngon, chất lượng thậm chí còn tốt hơn những nơi khác trên thế giới. Vì vậy, tôi chắc chắn rằng bà Thái Hương và Tập đoàn TH đã thay đổi diện mạo của ngành sữa Việt Nam.
Chất lượng sữa do TH sản xuất nằm ở nhóm những thương hiệu có chất lượng hàng đầu, được coi là tốt hơn một số nước phương Tây, Úc, New Zealand, Mỹ, châu Âu. Chất lượng thuộc top đầu. Các sản phẩm được chế biến từ nhà máy như sữa tươi thanh trùng, tiệt trùng, sữa chua, đồ uống… với hương vị, cấu trúc, vị đặc trưng có thể dễ dàng so sánh với các nước khác. Và sản phẩm của TH luôn luôn thuộc nhóm dẫn đầu về chất lượng.
Tôi cũng có thể kể đến sản phẩm sữa tươi hữu cơ - chế biến từ dòng sữa tươi hữu cơ nguyên liệu của trang trại bò sữa TH - mà TH bán những năm gần đây tại Việt Nam cũng đạt các chứng nhận chất lượng cao, các chứng chỉ hữu cơ. Chúng tôi đã thành công xử lý các vấn đề nước thải và hệ thống xử lý phân, tạo thêm giá trị, mà không còn gây ảnh hưởng đến môi trường. Tôi rất vui!
PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!