Dân Việt

Khả năng tái cử của Donald Trump và cuộc khủng hoảng đang rình rập châu Âu

Báo Tin tức 19/02/2024 18:16 GMT+7
Các nhà lãnh đạo châu Âu, những người đã nỗ lực xây dựng sự đồng thuận trong các vấn đề quan trọng như hỗ trợ Ukraine, giải quyết vấn đề nhập cư và phản ứng với cuộc chiến của Israel ở Gaza, sẽ phải đối mặt với những thử thách thậm chí còn khó khăn hơn nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Khả năng tái cử của Donald Trump và cuộc khủng hoảng đang rình rập châu Âu- Ảnh 1.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc vận động tranh cử ở bang Nevada ngày 27/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo nhận định của Huseyin Ozdemir, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Thế giới TRT có trụ sở tại Istanbul trên trang web của hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 16/2, châu Âu lại đang trên bờ vực bất ổn và việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khả năng trở lại nắm quyền có thể có những tác động lớn tới tình hình ở lục địa này.

Chuyên gia Ozdemir cho rằng bối cảnh châu Âu ngày nay hoàn toàn khác với lịch sử mạnh mẽ của họ, hiện đang phản ánh sự “rời rạc” và vật lộn với những thách thức gây nguy hiểm cho sự gắn kết trên lục địa. Sự ra đi của các nhà lãnh đạo có ảnh hưởng, điển hình là việc cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel rời khỏi sân khấu chính trị chỉ ba tháng trước cuộc xung đột Nga - Ukraine, làm nổi bật mối lo ngại ngày càng tăng về việc thiếu vắng sự lãnh đạo mang tính quyết định trong chính châu Âu. Nhiều đối tác chiến lược của Liên minh châu Âu (EU), có thể đóng vai trò lãnh đạo, chẳng hạn như Anh, Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ, vốn cũng là thành viên NATO nhưng vẫn ở ngoài EU.

Hơn nữa, sức mạnh của EU phụ thuộc vào khả năng hợp tác hiệu quả. Hợp tác nội bộ này đòi hỏi phải nhanh chóng đạt được sự đồng thuận về mọi vấn đề. Tuy nhiên, tình trạng hiện tại của EU không tạo ra nhiều niềm tin. Các nhà lãnh đạo châu Âu, những người đang nỗ lực xây dựng sự đồng thuận trong các vấn đề quan trọng như hỗ trợ Ukraine, giải quyết vấn đề nhập cư và phản ứng với cuộc chiến của Israel ở Gaza, sẽ phải đối mặt với những thử thách thậm chí còn khó khăn hơn nếu ông Trump đắc cử.

Gánh nặng của EU: Xung đột Nga - Ukraine

Giữa những cuộc tranh luận sôi nổi xung quanh tính hiệu quả của NATO trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, xung đột Nga - Ukraine và sự hỗ trợ sau đó của các nước thành viên NATO đã “thổi sức sống mới” vào liên minh quân sự trên với cam kết mạnh mẽ của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ngay cả các quốc gia trung lập trong lịch sử như Phần Lan và Thụy Điển cũng hướng đến việc gia nhập NATO.

Nhưng nếu ông Trump thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, điều này có nghĩa là Washington sẽ tập trung vào châu Á - Thái Bình Dương hơn là châu Âu. Ông Trump sẽ không rút Mỹ khỏi NATO nhưng sẽ không thực hiện Điều 5, làm dấy lên lo ngại về sự gắn kết và đoàn kết của NATO. Khả năng này xuất phát từ những lời chỉ trích của ông Trump đối với EU vì đã không chia sẻ gánh nặng tài chính của NATO bất chấp sự hồi sinh của liên minh này kể từ tháng 2/2022, thời điểm xung đột ở Ukraine nổ ra.

Đối với EU, vốn dựa vào NATO để phòng thủ trong gần 80 năm qua, sự hỗ trợ ngày càng suy yếu của Mỹ sẽ là một thảm họa. Điều đáng lo ngại hơn nữa là cam kết của ông Trump sẽ giải quyết cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga chỉ trong một ngày, kéo theo một thỏa thuận có khả năng dẫn đến việc Ukraine phải nhượng bộ lãnh thổ nhiều hơn. Kịch bản này sẽ gây “bẽ mặt” cho EU, vốn kiên quyết ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Trong khi châu Âu vẫn có thể tìm cách hỗ trợ Ukraine, những nỗ lực như vậy nguy cơ trở nên “thừa thãi” và gây ra xung đột với ông Trump. Như vậy, khi một số nước châu Âu vẫn có thể ủng hộ việc tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine, thì những quốc gia khác có thể kiềm chế không muốn gây mâu thuẫn với quan điểm của ông Trump. Ba nhà tài trợ lớn của châu Âu cho Ukraine là Đức, Anh và Na Uy đều là thành viên NATO, chỉ có Đức là thành viên EU. Mặc dù Đức là một cường quốc kinh tế nhưng lại là một quốc gia có quy mô hạn chế về quân sự, do đó nước này không thể bù đắp được khoảng trống mà Mỹ để lại.

Bên cạnh đó, không giống như Nga, vốn đã chuyển sang hệ thống kinh tế thời chiến, EU phải đối mặt với một bối cảnh kinh tế khác. Tình huống này là nguyên nhân khiến cựu Tổng thống Trump tuyên bố rằng ông sẽ không hỗ trợ phòng thủ châu Âu như trước đây. Đối với châu Âu, môi trường mới này có nghĩa là họ phải chuyển nguồn vốn từ phúc lợi xã hội sang ngành công nghiệp quốc phòng. Điều đó cũng sẽ báo hiệu sự gia tăng tiềm tàng của chủ nghĩa cực đoan, cực hữu, vốn đã gia tăng ở châu Âu trong những năm gần đây, thậm chí còn có nhiều động lực hơn trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6 tới.

Bằng cách hỗ trợ EU sau Brexit, chính quyền Mỹ thời Tổng thống Joe Biden đã trì hoãn bước tiến của các đảng cực hữu ở Đức và Italy. Tuy nhiên, khả năng tái đắc cử của ông Trump có thể sẽ có tác động ngược lại. Như bà Merkel đã khéo léo tuyên bố, người châu Âu phải nắm bắt vận mệnh của mình. Xung đột ở Ukraine, về cơ bản là vấn đề của châu Âu, đòi hỏi các biện pháp chủ động chứ không phải thụ động.

Chuyên gia Ozdemir kết luận, một trong những hành động nhanh chóng cần thiết là giải quyết những lỗ hổng an ninh tiềm ẩn phát sinh từ "chiếc ô phòng thủ" của Mỹ dưới thời Trump đang bị thu hẹp. Trong khi cử tri Mỹ ngày càng mệt mỏi về Ukraine thì người châu Âu cũng có khả năng sẽ như vậy. Thực tế này là một lời cảnh tỉnh khác đối với châu Âu rằng "lục địa già" không nên giao phó an ninh tập thể của mình cho ý chí bất chợt của cử tri Mỹ. Châu Âu không thể để mình rơi vào tình trạng thiếu chuẩn bị một lần nữa, giống như trường hợp Brexit và nhiệm kỳ tổng thống trước đây của ông Trump.

Bằng cách chịu trách nhiệm và thực hiện các chính sách chiến lược, châu Âu có thể vượt qua những bất ổn phía trước và đảm bảo an ninh, ổn định của mình. Tuy nhiên, điều này chỉ đạt được khi có các nhà lãnh đạo mạnh mẽ của châu Âu, một điều kiện hiện chưa xuất hiện.