Anh T. (31 tuổi) và chị L. (28 tuổi) nhận tin con có nguy cơ bị tim bẩm sinh khi thai được 26 tuần. Tại Đà Nẵng, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn nhiều lần và kết luận thai có bất thường, khuyên anh chị vào TP.HCM để khám chuyên sâu. Thai nhi bị bệnh tim bẩm sinh không có lỗ van động mạch phổi, thiểu sản thất phải.
Vào TP.HCM, chị L. được theo dõi sát sao bởi các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM. Bất thường tim thai nặng dần. Bác sĩ sản nhi liên tục trao đổi để tìm phương án can thiệp tốt nhất cho cả mẹ và con.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ: "Khi thai 26 tuần tuổi, thời điểm các bác sĩ quyết định can thiệp bào thai là khoảng thời gian cân não, chúng tôi đã trải qua 3 lần hội chẩn, bên cạnh đó là thông tin, tư vấn cụ thể, kỹ lưỡng cho cha mẹ em bé.
Khi thai được 32 tuần 5 ngày, tính mạng của bé bị đe doạ, Bệnh viện Từ Dũ đã hội chẩn khẩn cấp với Bệnh viện Nhi đồng 1. Các chuyên gia nhận định nếu không can thiệp bào thai để nong van động mạch phổi ngay, thai nhi có thể sẽ chết trong bụng mẹ. Nếu cho sinh ngay, thai nhi có thể tử vong khi vừa chào đời".
Thông tim trong bào thai không có nghĩa là sửa trái tim có bất thường thành một trái tim khỏe mạnh. Tuy nhiên, công đoạn cực kỳ quan trọng này sẽ giúp trẻ giảm nhẹ mức độ dị tật, tránh được can thiệp trong giai đoạn sơ sinh vốn có nhiều nguy cơ và bất lợi. Quan trọng hơn, do sửa chữa từ tế bào gốc nên trái tim thai nhi có cơ chế tự chữa lành, không để lại sẹo.
"Không phải trường hợp dị tật tim bẩm sinh nào cũng có chỉ định thông tim từ trong bào thai. Chúng tôi hội chẩn rất kỹ lưỡng và cân nhắc mọi mặt để đảm bảo rằng đây là điều có lợi cho thai nhi. Nguy cơ thai nhi gặp biến chứng hay tử vong cũng có thể xảy ra. Tuy vậy, sự quyết đoán của người mẹ trẻ và gia đình là động lực to lớn vô cùng. Tôi nhớ mãi câu nói của mẹ em bé: "Bằng mọi giá, cách nào em cũng làm để cho con em một cơ hội". Chính sự dũng cảm, cương quyết của người mẹ là động lực cho cả ê-kíp vì đây là ca thông tim can thiệp bào thai đầu tiên ở Việt Nam", bác sĩ Hương chia sẻ.
Theo Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ Trần Ngọc Hải, can thiệp trong bào thai là giải pháp cấp bách nhằm cứu sống thai nhi còn trong bụng mẹ. Khi can thiệp được từ trong bào thai, tỷ lệ thành công cao hơn khi trẻ đã chào đời do thai nhi có một cơ chế rất hay là tự lành, tự sửa chữa. Cơ chế này hình thành từ những tế bào gốc, sẽ tự chỉnh sửa, tự lành, không để lại sẹo.
Hai bệnh viện chuyên khoa lớn của TP.HCM lên kế hoạch thành lập các ê-kíp gây mê cho người lớn, can thiệp bào thai, nong tim, hồi sức sơ sinh nếu phải mổ, sản khoa để chuẩn bị mổ lấy thai nếu xảy ra sự cố.
8h sáng ngày 4/1, các bác sĩ rà soát lại một lần các phương án. 9h5 phút, ê-kíp tiến hành can thiệp tim thai trong bào thai. Bác sĩ đã dùng một cây kim 18G để đi xuyên từ thành bụng, xuyên vào thành tử cung, vào buồng ối, xuyên thành ngực của thai nhi vào thẳng buồng tim, đi tới thất phải, tìm đúng vị trí để thông van tim cho bào thai.
Ca can thiệp kéo dài gần 40 phút. Kết quả siêu âm sau đó cho thấy dòng chảy qua van động mạch phổi của thai nhi tốt, không tràn dịch màng ngoài tim. Mọi nỗ lực và chuẩn bị đã được đền đáp, thai nhi và sản phụ đều an toàn. Sản phụ được theo dõi sát sức khoẻ sau ca can thiệp và đến sáng 30/1, khi thai được 37 tuần 4 ngày, em bé đã chào đời khỏe mạnh bằng phương pháp sinh mổ.
"Trước ca mổ, chúng tôi đã tiên liệu có khả năng bé sẽ phải hỗ trợ thở oxy ngay sau sinh nhưng không ngờ khi ra khỏi bụng mẹ, bé khóc rất to và tự thở như trẻ bình thường", bác sĩ Hương xúc động chia sẻ.
Khi siêu âm tim trực tiếp tại phòng mổ, dòng máu qua chỗ hẹp (bé không có lỗ van động mạch phổi) đánh giá mức độ hẹp trung bình; không cần thiết phải can thiệp ngay sau sinh. Bé được đón về Bệnh viện Nhi đồng 1 để theo dõi và có kế hoạch can thiệp sau này.
"Nếu trường hợp này không được can thiệp bào thai, bé sẽ phải đặt stent hoặc nong động mạch phổi ngay sinh", bác sĩ Hương cho biết thêm.
Sau khi trực tiếp đón bé từ Bệnh viện Từ Dũ từ ngày 30/1 đến nay, bé đã được theo dõi sát bởi đội ngũ nhân viên y tế Khoa Sơ sinh 2 và Khoa Tim mạch của Bệnh viện Nhi đồng 1. Bé được tiến hành nong van động mạch phổi một lần và không cần đặt stent ống động mạch như những trường hợp mắc tật tim bẩm sinh tương tự mà không được can thiệp sớm trong bào thai.
Sau thủ thuật, bé tiếp tục được theo dõi tình trạng huyết động, không thở oxy và dinh dưỡng hoàn toàn bằng đường miệng. Vào đúng mùng 1 Tết Nguyên Đán, bé đã bú mẹ trực tiếp lần đầu tiên và được chuyển ra phòng ngoài nằm cùng mẹ cho tới khi xuất viện.
Sau khi xuất viện, bé được hẹn tái khám để đánh giá lại diễn tiến, tình trạng tim mạch và có kế hoạch điều trị cụ thể tiếp theo cho bé. Toàn bộ chi phí điều trị cho bé gần 100 triệu đồng đã được BHYT và Bệnh viện Nhi đồng 1 hỗ trợ thanh toán.
Bác sĩ Hương cho biết, từ ca bệnh này cho thấy, can thiệp thông tim trong bào thai đã mang lại hiệu quả bước đầu sau sinh rất khả quan, với nguy cơ diễn tiến đến thiểu sản thất thấp hơn rất nhiều so với các trường hợp tương tự không được can thiệp.
Trước đây, các trường hợp thiểu sản tim không can thiệp được, là một trong những chỉ định chấm dứt thai kỳ bởi bi dị tật nặng sẽ diễn tiến đến tim một thất (thay vì 2 thất như bình thường). Vừa sinh ra, trẻ phải nong động mạch phổi hoặc đặt stent, hoặc cả 2, tùy theo tình trạng nặng. Tim một thất là một trong những dị tật tim phức tạp nhất, không thể can thiệp triệt để một lần. Bước cuối cùng, trẻ phải ghép tim.
Thành công của ca thông tim bào thai đầu tiên này đã mở ra một hướng đi đặc biệt trong lĩnh vực tim mạch trẻ em, giảm nguy cơ tiến đến thiểu sản tim trái sau sinh.