Theo đó, ngày 20/2, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã có văn bản hỏa tốc số 743/UBND-NLN chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương, chủ rừng tổ chức các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.
Văn bản nêu rõ, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai và số liệu tổng hợp từ hệ thống dự báo nguy cơ cháy rừng của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong khoảng thời gian từ ngày 18/2 và những ngày tới trên địa bàn tỉnh sẽ có nắng hanh khô, kéo dài; cảnh báo cháy rừng trên địa bàn toàn tỉnh ở cấp IV, cấp V (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm). Đặc biệt ngày 19/2 đã xảy ra các điểm cháy rừng tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên và đến thời điểm hiện tại các điểm cháy chưa được dập tắt triệt để.
Để chủ động trong công tác chữa cháy rừng, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng xảy ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
UBND thị xã Sa Pa khẩn trương huy động tối đa lực lượng, phương tiện, dụng cụ, lương thực, thực phẩm để tổ chức chữa cháy các điểm đang xảy ra cháy tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên kịp thời, triệt để. Đồng thời, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người tham gia chữa cháy; trường hợp cần thiết, báo cáo UBND tỉnh để tổ chức huy động lực lượng các sở, ngành, địa phương khác để hỗ trợ cho Sa Pa chữa cháy.
Tiếp tục quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh và các cơ quan chức năng về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; giám sát chặt chẽ việc sử dụng lửa trong đốt dọn nương và sản xuất trong nông nghiệp. Khi cảnh báo cháy rừng ở cấp IV, cấp V tuyệt đối không sử dụng lửa để xử lý thực bì, đốt dọn nương rẫy trong rừng và gần rừng. Chỉ đạo tổ chức điều tra, xác minh cháy và xử lý trách nhiệm theo quy định (nếu có).
Các địa phương khác trong tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của cấp trên; chủ động ứng phó chữa cháy rừng trong mọi tình huống; chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh khi để xảy ra cháy rừng mà không có các biện pháp xử lý kịp thời, triệt để.
Bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ (khi cấp dự báo cháy rừng ở cấp IV, cấp V) các ngày trong tuần (kể cả thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ) tại các trụ sở, chốt/trạm, kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng, đặc biệt là các khu vực trọng điểm, dễ cháy.
Thành viên Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững căn cứ chức năng nhiệm vụ, thông báo phân công nhiệm vụ tăng cường xuống cơ sở để nắm bắt thông tin, đôn đốc, hướng dẫn cơ sở thực hiện tốt các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng.
Các chủ rừng tăng cường kiểm tra, rà soát lại phương án phòng cháy chữa cháy rừng đã xây dựng; điều chỉnh, bổ sung phương án đảm bảo sát đúng với thực tế, có tính khả thi cao; đầu tư, tu sửa các công trình phòng cháy chữa cháy rừng, xử lý thực bì, giảm vật liệu cháy rừng...
Bố trí lực lượng trực 24/24 giờ tại các chốt/trạm bảo vệ rừng khi cấp dự báo cháy rừng ở cấp IV, cấp V; phát hiện sớm và kiểm soát chặt chẽ người ra, vào các khu rừng trọng điểm dễ cháy trong thời gian cao điểm mùa khô; chủ động "4 tại chỗ", sẵn sàng tham gia chữa cháy kịp thời không để cháy lan, cháy lớn.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng cháy chữa cháy rừng đến mọi người dân sống trong và gần rừng; tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; không để việc xử lý thực bì bằng lửa trong thời gian cao điểm về cháy rừng.
Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo cháy rừng theo quy định. Khi có cháy rừng xảy ra, phải phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, chính quyền địa phương trong việc điều tra, truy tìm đối tượng gây cháy rừng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Chịu trách nhiệm trước pháp luật khi để xảy ra cháy rừng mà không có các biện pháp xử lý kịp thời hoặc vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật.