Ngày 20/2, Công an thị trấn Hòa Bình (huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) bắt quả tang Thạch Trí Tài (21 tuổi, sinh viên một trường cao đẳng ở Bạc Liêu) trồng trái phép cây cần sa trên mái nhà.
Thời điểm kiểm tra, công an phát hiện có 30 cây cần sa loại lớn và nhỏ cao từ 10cm đến 1,5m; một số cây cần sa khô Tài đã sơ chế, với trọng lượng hơn 7kg.
Hiện trường cho thấy, Tài trồng cần sa trong các thùng xốp để trên mái nhà và che đậy xung quanh rất kín để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng và người dân.
Bước đầu, Tài khai mua hạt giống cần sa trên mạng xã hội rồi về gieo trồng. Sau đó, Tài sơ chế cây cần sa để sử dụng và bán lấy tiền tiêu xài.
Cụ thể, qua áp dụng các biện pháp nghiệp vụ và phát động hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an xã Phăng Sô Lin nắm được thông tin có một nương rau cải ở khu vực bản Sang Tăng Ngai được trồng xen kẽ nhiều cây thuốc phiện. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định nương rau trên là của gia đình ông Chẻo Sì Siểu (sinh năm 1962, trú tại bản Sang Tăng Ngai).
Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện 152 cây thuốc phiện đang ra hoa, đậu quả xen lẫn rau cải trên diện tích 270 m2; đã đo đạc, kiểm đếm, tổ chức phá nhổ, lập biên bản thu giữ số cây thuốc phiện trên để tiêu hủy.
Qua đấu tranh ban đầu, Chẻo Sì Siểu khai nhận số cây thuốc phiện trên do vợ của Siểu là Tẩn Lai Phú (sinh năm 1973) trồng để làm thuốc chữa bệnh cho bản thân và vật nuôi.
Liên quan tới sự việc người dân tự ý trồng cây cần sa, cây thuốc phiện, Luật sư Nguyễn Phương Anh -Văn phòng luật sư Hoàng Hưng-Đoàn Luật sư TP.Hà Nội phân tích: Người trồng cần sa, các loại cây có chứa chất ma tuý, tuỳ vào tính chất, mức độ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý trách nhiệm hình sự.
Thứ nhất, về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trồng cần sa, các loại cây có chứa chất ma tuý:
Theo quy định tại Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về mức phạt vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy như sau:
Điều 23. Vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy
"3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi trồng các loại cây thuốc phiện, cây cần sa, cây coca, cây khát và các loại cây khác có chứa chất ma túy."
Đồng thời, hành vi trồng cây cần sa còn chịu xử phạt bổ sung:
- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi trồng cây cần sa
- Trục xuất người nước ngoài có hành vi trồng cây cần sa.
(khoản 8 Điều 23 )
Đối với tổ chức mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (khoản 2 Điều 4)
Thứ 2, về xử lý trách nhiệm hình sự:
Điều 247 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy như sau:
"Điều 247. Tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy
1. Người nào trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã được giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Với số lượng 3.000 cây trở lên;
c) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
4. Người nào phạm tội thuộc khoản 1 Điều này, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự."
LS. Nguyễn Phương Anh cho biết: Theo quy định này, người thực hiện hành vi trồng cây cần sa, cây thuốc phiện, các loại cây có chứa chất ma tuý, ngoài chịu xử phạt hành chính còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt tù cao nhất lên đến 07 năm và bị phạt tiền 50.000.000 đồng.
Tuy nhiên, người nào phạm tội trồng cây cần sa, các loại cây có chứa chất ma tuý với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây, đã được giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống… nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.