Người nước ngoài trồng cần sa trên mảnh đất 3.000m2 ở bãi giữa sông Hồng, xử lý thế nào?

Nguyễn Đức Thứ ba, ngày 08/06/2021 16:36 PM (GMT+7)
Theo luật sư, hành vi trồng cây cần sa tươi ở bãi giữa sông Hồng của người đàn ông ngoại quốc có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bình luận 0

Trồng 115 cây  cần  sa  ở  bãi  giữa  sông  Hồng

Như Dân Việt đưa tin, vào khoảng 11h30 ngày 5/6, Công an phường Ngọc Thuỵ phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý quận Long Biên kiểm tra khu vực bãi giữa sông Hồng thuộc địa bàn phường Ngọc Thuỵ quản lý, phát hiện một người nước ngoài đã trồng cả trăm cây cần sa và tàng trữ trái phép chất ma tuý (cần sa khô)…

Quá trình kiểm tra trên diện tích khoảng 3.000m2 tại bãi do người này thuê để thâm canh, tổ công tác đã thu giữ 115 cây cần sa tươi với trọng lượng 34kg và 40,268 gram cần sa khô. Tổ công tác xác định người đàn ông trồng cần sa mang quốc tịch Pháp.

Sau khi lập biên bản tại chỗ, lực lượng chức năng tiến hành mời đối tượng liên quan về trụ sở Công an tiếp tục xác minh, làm rõ để xử lý theo quy định.

Người nước ngoài trồng cần sa trên mảnh đất 3.000m2 ở bãi giữa sông Hồng, xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng phát hiện 115 cây cần sa trồng ở bãi đất sông Hồng. Ảnh: T.C

Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hoà (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết,  pháp  luật  Việt Nam nghiêm cấm các hành vi vi phạm liên quan đến ma túy, đặc biệt là các tội liên quan đến ma túy. 

Hành vi trồng cây cần sa, tàng trữ cây cần sa đều có thể bị truy cứu tránh nhiệm hình sự. Cụ thể, Điều 249 Bộ luật Hình sự quy định rất rõ về tội tàng trữ trái phép chất ma túy.

Người  trồng cần sa có thể bị phạt tù

Với trọng lượng mà cơ quan chức năng thu giữ là 40,268g cần sa khô đối tượng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy với mức hình phạt là phạt tù từ 10 đến 15 năm.

Về hành vi trồng cây cần sa, theo luật sư Hoàng Tùng, cơ quan chức năng cần làm rõ hơn số lượng thực tế cây cần sa mà đối tượng trồng là bao nhiêu. Hiện nay, cơ quan chức năng chỉ phát hiện và thu giữ 115 cây cần sa tươi từ việc trồng cần sa của các đối tượng thì chưa đủ điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, đối tượng vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3, Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi trồng các loại cây thuốc phiện, cây cần sa và các loại cây khác có chứa chất ma túy.

Người nước ngoài trồng cần sa trên mảnh đất 3.000m2 ở bãi giữa sông Hồng, xử lý thế nào? - Ảnh 3.

Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hoà (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội).

Luật sư Tùng cho biết thêm, đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó.

Trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì  trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Trong trường hợp người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam nhưng không thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao như quy định nêu trên thì người nước ngoài phạm tội vẫn phải chịu hình phạt giống như công dân Việt Nam phạm tội theo pháp luật Việt Nam.

Các mức hình phạt đối với người nước ngoài phạm tội tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và hậu quả của hành vi phạm tội. Trong đó, một trong những hình phạt đặc thù nhất phải kể đến chính là trục xuất. Hình phạt này có thể được áp dụng là hình phạt bổ sung tùy từng trường hợp (quy định tại Điều 37 Bộ  luật hình sự 2015).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem