Sáng 22/2, phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên họp thứ 30 dự kiến diễn ra trong một ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định 5 nội dung chính.
Về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật lưu trữ (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là 1 trong 9 dự án luật được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 6 và dự kiến thông qua tại kỳ họp 7. Ngay sau kỳ họp thứ 6, các cơ quan chỉnh lý công phu, trách nhiệm đối với dự luật này.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập trung cho ý kiến thêm về một số vấn đề quan trọng nhất của luật, rà soát lại tinh thần dự luật cho đến nay đã quán triệt đầy đủ quan điểm, nguyên tắc xây dựng Luật Lưu trữ chưa, chứ không chỉ là vấn đề kỹ thuật.
Ngoài kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng thì cần tiếp tục rà soát để kế thừa, phát triển, hoàn thiện các quy định hiện hành trong luật mà vẫn phù hợp, đồng thời sửa đổi, bổ sung vấn đề bất cập hay vấn đề mới. Đặc biệt quy định để thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trong hoạt động lưu trữ để đảm bảo tập trung thống nhất và đảm bảo chia sẻ dữ liệu trong lĩnh vực này, vì có những lĩnh vực đặc thù như ngoại giao, công an, quân đội…
Theo Chủ tịch Quốc hội, cần đẩy mạnh phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, gia tăng giá trị của tài liệu, lưu trữ có mục tiêu chứ không phải lưu trữ chỉ để lưu trữ; đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực lưu trữ; huy động, phát huy mọi nguồn lực, ngoài lưu trữ công còn có khu vực lưu trữ tư; đẩy mạnh xã hội hóa về lưu trữ.
Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về việc sửa đổi Luật cảnh vệ. Luật ban hành năm 2017 nhưng cần kịp thời sửa đổi, bổ sung, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, bổ sung và khắc phục vướng mắc bất cập trong hoạt động cảnh vệ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thảo luận việc trình Quốc hội xem xét thông qua tại 1 kỳ họp.
Nội dung thứ ba là xem xét tờ trình của Viện trưởng VKSND Tối cao về số lượng kiểm sát viên.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo dân nguyện của Quốc hội tháng 1/2024 và tháng 12/2023.
Nội dung cuối là cho ý kiến báo cáo tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 5 để đánh giá về ý nghĩa, kết quả kỳ họp này, đặc biệt khi kỳ họp thông qua 2 dự án luật quan trọng là Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Có những cái cần phát huy và rút kinh nghiệm.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý từ nay cho đến hết tháng 4, để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7 thì khối lượng công việc rất nặng. Dự kiến kỳ họp thứ 7 thông qua 9 luật và cho ý kiến lần đầu với 12 dự án luật khác.
"Có lẽ số lượng dự án luật thông qua và cho ý kiến tại kỳ họp tới là lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Do đó, ngoài phiên họp thường kỳ còn có phiên họp chuyên đề về các dự án luật để tiếp tục cho ý kiến với các dự án luật mà Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu và dự án luật khác xem xét thông qua vào kỳ họp cuối năm", ông Vương Đình Huệ nói và cho biết Thủ tướng Chính phủ đã ký một văn bản giao trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về tất cả các nội dung có liên quan đến kỳ họp thứ 7.