Trong mùa khô năm 2023-2024 này, người dân ở một số địa phương thuộc tỉnh Bến Tre phản ánh, nguồn nước sinh hoạt nhiễm mặn. Do đó, đã ảnh hưởng phần nào đó đời sống của người dân.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Dưỡng, ngụ ấp 3, xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre cho biết, nguồn nước sinh hoạt nhiễm mặn vào mỗi đợt triều cường lên. Tuy nhiên, tình hình có đỡ hơn các năm trước.
Cũng như bà Dưỡng, một số hộ dân ở xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre cũng cho biết, có lúc nước sinh hoạt nhiễm mặn (được cung cấp từ nguồn nước máy ở địa phương nhiễm mặn). Nguồn nước nhiễm mặn không nấu ăn được nhưng có thể tắm, giặt đồ.
Một số người dân ở xã Lương Phú, huyện Giồng Trôm cũng cho hay, sau Tết Nguyên đán đến nay, đã xuất hiện tình trạng nước máy nhiễm mặn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân nước máy nhiễm mặn ở Bến Tre là do các nhà máy lấy nước từ sông để xử lý. Tuy nhiên, nguồn nước này bị nhiễm mặn. Theo đó, độ mặn cao nhất là thời điểm triều cường lên.
Liên quan đến vấn đề nước máy nhiễm mặn, mới đây, tại cuộc họp báo vào ngày 19/2 vừa qua, ông Võ Tiến Sĩ - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bến Tre xác nhận có xảy ra ở một số nhà máy nước do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý.
Để giải quyết tình trạng trên, ông Sĩ cho hay, các đơn vị liên quan đang lập dự trù kinh phí để thực hiện phương án vận chuyển nước ngọt về xử lý cung cấp cho người dân. Riêng một số nhà máy nước do tư nhân quản lý cũng đang có giải pháp để thực hiện xử lý nước ngọt để phục vụ cho người dân tốt hơn.
Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đang quản lý 32 nhà máy nước (vận hành cấp nước 27 nhà máy, 5 nhà máy nước đã thực hiện hòa mạng).
Trong đó, khoảng 10 nhà máy nước lấy nguồn nước thô từ hệ thống công trình thủy lợi có độ mặn tương đối ổn định theo vận hành của hệ thống công trình.
Các nhà máy nước còn lại, độ mặn tăng giảm theo độ mặn trên sông, rạch (cao nhất là khu vực huyện Giồng Trôm, các nhà máy nước: Tân Hào, Phước Long, Hưng Nhượng, Lương Phú và khu vực huyện Mỏ Cày Nam).
Độ mặn tại các khu vực cấp nước tính đến ngày 15/2 như sau: Bình Đại, Ba Tri dao động từ 0,1-3,10‰, khu vực Thạnh Phú từ 0,3-2‰, khu vực Mỏ Cày Nam từ 0,2-3‰, khu vực Giồng Trôm từ 0,1-1,9‰, khu vực Mỏ Cày Bắc từ 0,1-2,7‰, khu vực Châu Thành từ 0,1-0,7‰.
Dự báo, từ nay đến ngày 27/2, sẽ xuất hiện thêm 1 đợt xâm nhập mặn. Kế đến, từ đầu tháng 3 đến đầu tháng 5 sẽ có nhiều đợt xâm nhập mặn vào các sông của tỉnh Bến Tre. Trong đó, ranh mặn xâm nhập sâu nhất trên các sông sẽ xuất hiện trong tháng 3.
Sở NNPTNT tỉnh Bến Tre cho biết, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn, nhu cầu sử dụng nước trên lưu vực sông Mê Công, triều cường và hoạt động của "gió chướng" trong thời gian tới.
Theo nhiều nhận định, trong mùa khô 2023-2024, nước mặn có thể xâm nhập sớm, sâu và kéo dài hơn so với trung bình nhiều năm. Do đó, các đơn vị thuộc Sở NNPTNT tỉnh Bến Tre đang tăng cường theo dõi, đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực trữ nước ngọt để phục vụ trong sinh hoạt.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, công tác phòng chống hạn mặn trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện chủ động từ giữa năm 2023. Thế nhưng, do tình hình được dự báo diễn biến phức tạp, do đó, UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành, các địa phương tăng cường tuyên truyền cho người dân sử dụng tiết kiệm nước ngọt, để có đủ nước sử dụng. Về các cơ quan chuyên môn phải theo dõi, kịp thời báo cáo, đề xuất các giải pháp ứng phó.