HTX Hoàng Huynh là một trong những HTX đang hoạt động có hiệu quả tại huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Hiện nay, HTX có sản phẩm chuối sấy dẻo đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Ông Hoàng Văn Huynh – Giám đốc HTX Hoàng Huynh cho biết: Hiện nay, HTX Hoàng Huynh đang liên kết, bao tiêu sản phẩm với 94 hộ dân trồng chuối trên địa bàn xã Khang Ninh, huyện Ba Bể; xây dựng được vùng nguyên liệu 35 ha. Doanh thu từ chế biến chuối sấy dẻo đạt trên 700 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động địa phương.
Giám đốc HTX Hoàng Huynh cho biết: Để có những thành quả như hôm nay, HTX nhận được sự hỗ trợ từ các cấp Hội Nông dân trong việc tập huấn kỹ thuật cho thành viên liên kết về trồng, chăm sóc chuối theo quy chuẩn an toàn, hữu cơ; nguồn vốn vay ưu đãi; đưa sản phẩm của HTX sản xuất quảng bá trong các hội chợ thương mại, gian hàng tại nhiều địa phương…
Để nâng tầm sản phẩm OCOP, năm 2024, HTX Hoàng Huynh vận động thành viên và nông dân trong xã mở rộng diện tích, đầu tư máy móc chế biến, xây dựng bao bì, mẫu mã để phù hợp với thị hiếu của thị trường.
HTX Nhung Lũy ở xã Yến Dương, huyện Ba Bể được thành lập trên cơ sở tổ hợp tác sản xuất bí xanh thơm, chăn nuôi lợn, gà, trồng lúa, trồng rừng. Hiện nay, sản phẩm của HTX là các đặc sản truyền thống như lạp sườn gác bếp, thịt lợn treo gác bếp, gạo nếp, bí thơm Ba Bể, chè giảo cổ lam, mướp đắng rừng, mác mật khô…. Các sản phẩm được sản xuất bằng 100% nguyên liệu địa phương; HTX ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến nên luôn có chất lượng tốt, vệ sinh an toàn thực phẩm lại mang đậm bản sắc vùng miền.
Chị Đinh Thị Nhung – Giám đốc HTX Nhung Lũy chia sẻ, những ngày đầu đưa sản phẩm ra thị trường, HTX Nhung Lũy gặp không ít khó khăn như số lượng sản phẩm còn hạn chế, giá thành cao do sản xuất thủ công, đường xá xa xôi mà phương tiện vận chuyển chưa có, chưa biết cách quảng bá sản phẩm trên diện rộng…
Được sự hỗ trợ của các cấp Hội Nông dân, các sản phẩm của HTX đã hoàn toàn thay đổi về cả chất lượng và hình thức, đó là có bao bì, nhãn mác, các giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, mã số mã vạch, đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng … Hiện nay, HTX đã có 4 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 2 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ và xây dựng được thương hiệu trên thị trường.
Toàn tỉnh Bắc Kạn hiện có trên 51.000 hội viên nông dân (chiếm 83% hộ sản xuất nông - lâm nghiệp). Những năm qua, nhiều hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã nhanh nhạy, nắm bắt được xu thế sử dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào sản xuất, quảng bá, tiêu thụ nông sản, hàng hóa.
Điển hình là HTX Yến Dương, HTX Nhung Luỹ, HTX Nông nghiệp Tân Thành, HTX Minh Anh… đã sử dụng tem truy xuất nguồn gốc (QR Code), đưa thông tin sản phẩm, hàng hóa lên sàn thương mại điện tử, Website, Zalo, Facebook, TikTok…để giới thiệu, quảng bá, mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm…
Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn đã ban hành văn bản chỉ đạo Hội Nông dân các cấp đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số. Các cấp Hội tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông - lâm nghiệp cũng như các hoạt động của Hội. Một số hoạt động cụ thể như: Tổ chức hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn hội viên nông dân vào mạng internet để tra cứu thông tin về khoa học kỹ thuật, thị trường, các mô hình áp dụng công nghệ số, chuyển đổi số để sản xuất, kinh doanh hiệu quả…
Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức 25 lớp tuyên truyền về Luật HTX, chuyển đổi số, xây dựng sản phẩm OCOP cho 1.508 hội viên tham gia, trực tiếp hướng dẫn thành lập 52 HTX, 625 tổ hợp tác (THT). Trong nhiệm kỳ 2018 -2023, các cấp Hội đã hướng dẫn xây dựng 60 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, góp phần nâng số lượng sản phẩm OCOP toàn tỉnh Bắc Kạn đến này có 184 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn đánh giá cao hiệu quả của Dự án "Nâng cao nhận thức và năng lực cho cán bộ và hội viên nông dân về khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số, tích cực tham gia chương trình OCOP tại địa phương" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đề xuất đã được Chương trình phát triển Liên Hợp quốc, chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu ký kết (thực hiện 18 tháng từ tháng 5/2022). Dự án gồm 10 nhóm nội dung hoạt động và triển khai ở 10 tỉnh thành phố, trong đó có tỉnh Bắc Kạn.
Theo đó, tham gia dự án, năm 2022, Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức thành công Diễn đàn "Nông dân khởi nghiệp, sáng tạo trong thời kỳ chuyển đổi số thông qua những sản phẩm OCOP cho cán bộ, hội viên nông dân" với 120 người tham gia. Diễn đàn do Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp quốc, chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ.
Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn tổ chức buổi tọa đàm về xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu và tiêu thụ nông sản với 40 đại biểu gồm đại diện lãnh đạo các sở, ngành và cán bộ Hội, hội viên nông dân tham dự. Tập huấn về thương mại điện tử và chuyển đổi số cho 120 đại biểu là cán bộ Hội và hội viên nông dân.
"Thông qua các hoạt động này đã nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên về chuyển đổi số, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển sản phẩm OCOP; những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chuyển đổi số cũng được các chuyên gia, nhà khoa học, các sở, ngành giải đáp, tháo gỡ"- lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn cho biết..
Bên cạnh đó, thực hiện "Thỏa thuận hợp tác giữa Hội Nông dân Việt Nam và Bưu điện Việt Nam về hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa, giai đoạn 2021 - 2025", Hội Nông dân Bắc Kạn phối hợp với Bưu điện tỉnh rà soát thông tin của hội viên nông dân, đặc biệt là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; rà soát, đưa thông tin các sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 5 sao để đưa lên sàn thương mại điện tử postmart.vn để quảng bá, giới thiệu, hỗ trợ tiêu thụ. Đến nay, toàn tỉnh Bắc Kạn có gần 19.000 tài khoản tham gia và trên 195 sản phẩm đưa lên sàn thương mại điện tử postmart.vn.
Ông Cao Minh Hải - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn cho biết: Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn xác định tổ chức các hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống; xây dựng các mô hình kinh tế tập thể phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, kết nối với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm theo hướng phát triển hàng hóa bền vững là khâu đột phá trong nhiệm kỳ tới. Đồng thời, đặt ra mục tiêu phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ 100% Hội Nông dân cấp xã xây dựng được mô hình kinh tế tập thể, 40 sản phẩm OCOP.
Năm 2022, Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức thành công Diễn đàn "Nông dân khởi nghiệp, sáng tạo trong thời kỳ chuyển đổi số thông qua những sản phẩm OCOP cho cán bộ, hội viên nông dân" với 120 người tham gia. Diễn đàn do Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp quốc, chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ.
Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn tổ chức buổi tọa đàm về xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu và tiêu thụ nông sản với 40 đại biểu gồm đại diện lãnh đạo các sở, ngành và cán bộ Hội, hội viên nông dân tham dự. Tập huấn về thương mại điện tử và chuyển đổi số cho 120 đại biểu là cán bộ Hội và hội viên nông dân.
"Thông qua các hoạt động này đã nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên về chuyển đổi số, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển sản phẩm OCOP; những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chuyển đổi số cũng được các chuyên gia, nhà khoa học, các sở, ngành giải đáp, tháo gỡ"- lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn cho biết..