Bám đất, bám làng, nuôi dăm con bò, trồng vài ba thửa, những cái mộng tưởng cao sang trở nên giản đơn hơn, chân thực hơn với dân nơi này. Có lẽ hạnh phúc cũng không phải là thứ gì quá hư ảo, khi con người ta biết đủ.
Nhà nội cạnh mom đất dôi ra của bãi bồi mé sông, nơi có cánh đồng thửa nhỏ chẳng mấy vức vuông, đi trên dải bờ hẹp mà tưởng như đứng ở một cây cao bé xiu xíu. Nơi đây chứng kiến tuổi thơ, chứng kiến những non dại, và cả bao thứ từng có giờ đã vụt trôi mất. Là hôm mang theo đôi dép con mèo mới tinh, lớ ngớ thụp xuống ruộng bùn, chưa kịp khóc nhè đã bị nội mắng. Hay lúc trốn học ra ruộng đào giun, bài học cô giảng đã quên mà lời dạy nghiêm khắc của nội tới giờ vẫn luôn ghi nhớ. Cũng có khi là những trưa rỗi rảnh với trẻ con mà nhọc nhằn quặn lưng người lớn. Nội lom khom xoắn ống quần bà ba, vũng bùn nhớt nhơ bôi lem nhem cẳng chân khô quắc. Hai tay nội thoăn thoắt vục trong mớ bùn nuôi dưỡng bọn mạ non. Cái thứ tanh tưởi ấy bao lấy mồ hôi nội, ủ mầm sống trong mấy hạt gạo chín vàng.
Chơi với những thửa ruộng từ bé, nhưng cái mùi bùn tanh hôi vẫn làm đứa con nít như tôi khó chịu. Lội từ trưa tới xế chiều, bùn đọng thành mảng khô cứng trên chân, ngưa ngứa. Tôi hay cọ ra, nhíu mày chê: "Thối quá!". Nội lắc đầu, bảo: "Đấy là bởi bây chưa nghe mùi bùn đắp cá nướng". Tôi nhìn nội, vừa chờ vừa hít hà mũi như một con mèo nhỏ thèm ăn.
Cái ngày mà món gì cũng trở thành mĩ vị, nội hay đơm mấy con cá lóc dưới bùn, làm sạch bên mương nước cạnh bên, rồi lại đắp kín bùn như một vòng tuần hoàn, vùi trong đống lửa đốt từ rạ khô trên ruộng. Mùi rạ không nồng, thỉnh thoảng còn vương mùi gạo rang từ hạt lúa sót lại. Bùn cứng dần khô đét. Nhìn khối đen sì được nội đút qua cây chông nhỏ, tôi chép miệng la lên, cháy hết rồi nội ơi! Nội lắc đầu cười, chả buồn đáp lại.
Cá thơm dần thì bùn cũng chẳng còn tanh hôi như nó vốn có. Cắt mở lớp vỏ, tách đôi, mùi cá nướng xộc vào khoang mũi. Thịt cá trắng tinh, bốc hơi nóng thành từng làn khói. Ôi chà, thứ tanh hôi như bùn mà được nướng quanh cá tươi thì mùi hương chợt trở thành một phản ứng phức hợp thật kì diệu. Tôi thụt tay bẻ vội một miếng to cho ngay vào miệng, môi bật chu ra hít hà vì nóng. Đó có lẽ là thứ mùi vị ám ảnh cả tuổi thơ khốn khó bên khoanh lúa cùng nội.
Nội ngồi cạnh bên trong xế chiều đứng bóng, tách xương cá, rồi bỏ sẵn lên lá chuối, ấy thế mà suốt buổi chẳng thấy nội ăn miếng nào. Nội lôi cái nắm xôi đùn lúc sáng đã sớm khô rộc lên nhai chóp chép. Hàm răng ăn trầu đen bóng trệu trạo qua lại nom đến thích mắt. Nội nhìn đàn bò đang thả trên đám ruộng đã cắt phía xa, chép miệng tiếc rẻ: "Nuôi bò thì mấy năm là có lãi, còn nuôi bây, đã mười năm mà chẳng có tí xíu lợi lộc gì". Tôi chu miệng dỗi hờn. Ai đời lại so tôi với bọn nó.
Ngày đưa nội ra đồng, bùn xộc lên mũi cái mùi khắc khổ từng đọng dưới gót chân. Dải khăn trắng buộc chệch choạc trên đầu đứa nhỏ lớp 5 từng suốt ngày loi choi sau mông nội thấy sao mà tang thương quá đỗi.
Mùi bùn quyện trong khói rạ hun mắt cay xè. Tôi leo nheo nhìn mà tìm hoài chẳng thấy bóng nội trong trưa hè đứng bóng. Dưới cái trắng háu của những bộ áo gai, bùn đất đen sì dường như biết điều mà chẳng hề bám dính. Mấy chú vác cuốc đào một cái huyệt lớn, trên bờ là đám bùn được dọn ra gọn gàng, nhìn mà tim cứ ngưa ngứa khó chịu. Cả một đời dò dẫm trong mớ bùn, đến cuối cùng nội cũng vùi mình trong đấy. Mùi bùn như ấp ôm cả một kiếp lam lũ của nội, thấy thương sao mà thương lạ thương kỳ.
Bùn vốn tanh hôi, nhưng lại bình dị thơm tho trong hương cá nướng. Cũng như nội, tần tảo quanh năm trong manh áo vá lỗ chỗ, mà tấm lòng vì cháu vì con lại sắt son chẳng hề sứt sẹo chút nào.
Cuộc đời có nhiều thứ đã qua, có nhiều thứ đọng lại, cũng có nhiều thứ lãng đãng quên mất. May mắn sao, mùi bùn nơi xóm chòi Ngang là thứ tôi kịp lưu giữ trong cuộn phim ký ức. Mười bảy năm qua, với tôi, nội vẫn luôn sống trong mùi bùn đắp cá nướng như ngày non dại.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0903226305.