Dân Việt

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu rà soát thống kê, khai thác sử dụng hiệu quả nguồn tài sản công

Bạch Dương 24/02/2024 13:39 GMT+7
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu các đơn vị phải thực hiện sâu Chỉ thị 24 của Ban Thường vụ Thành uỷ về rà soát thống kê để nắm chắc nguồn lực và khai thác sử dụng hiệu quả nguồn tài sản công.
Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu rà soát thống kê, khai thác sử dụng hiệu quả nguồn tài sản công- Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Ảnh: H.Hùng

Không để thất thoát, lãng phí tài sản công

Theo báo cáo, quỹ nhà, đất thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 167 của Chính phủ là có 9.295 địa chỉ nhà, đất do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng. Trong đó, khối cơ quan nhà nước, hành chính sự nghiệp là 7.297 địa chỉ, khối doanh nghiệp là 1.998 địa chỉ.

Thường trực Ban Chỉ đạo 167 (Sở Tài chính TP.HCM) đã phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, trình UBND TP.HCM có ý kiến theo quy định về dự kiến phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của Bộ Tài chính đối với nhà, đất thuộc Trung ương quản lý đối với 131 cơ sở nhà, đất với diện tích 257.357m2.

Quỹ nhà, đất thuộc vi phạm điều chỉnh của Nghị định 99 và Nghị định 30 của Chính phủ, trên địa bàn TP.HCM có nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước là 7.921 căn và 9.683 hộ, do các Công ty TNHH Dịch vụ Công ích các quận, huyện, TP.Thủ Đức và Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà Thành phố quản lý, giữ hộ. Nhà ở, đất ở phục vụ tái định cư là 9.890 căn hộ và 2.230 nền đất được UBND TP.HCM giao Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng tiếp nhận quản lý.

Quỹ nhà, đất thuộc diện nhà nước trực tiếp quản lý nhưng chưa kê khai, xác lập quản lý nhà nước là 2.380 nhà, đất, với tổng diện tích khoảng hơn 530ha. Hiện tại, các địa phương, đơn vị đang rà soát, công bố công khai danh mục các thửa đất nhỏ hẹp do nhà nước trực tiếp quản lý.

Việc lấy ý kiến người sử dụng đất liền kề và công khai việc giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp để sử dụng vào mục đích công cộng hoặc giao đất, cho thuê đất cho người sử dụng đất liền kề trên địa bàn TP.HCM.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM Phan Thị Bình Thuận, số lượng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước rất lớn, do nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp của Trung ương và TP.HCM quản lý, sử dụng. Số lượng nhà, đất có tình trạng hồ sơ pháp lý, nguồn gốc, quá trình quản lý đa dạng, phức tạp. Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác quản lý, sử dụng nhà, đất trên địa bàn thành phố của các đơn vị được giao quản lý, sử dụng cũng còn những hạn chế, thiếu sót, có những trường hợp sai phạm.

Trước thực trạng này, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã ban hành Chỉ thị 24 nhằm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả; đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, thiếu sót, vi phạm và những khó khăn bất cập trong công tác quản lý, sử dụng nhà, đất và các tài sản khác gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố.

Qua 4 năm thực hiện chỉ thị, công tác quản lý nhà nước về quản lý, sử dụng nhà, đất, công trình và các tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố đạt được một số kết quả và khắc phục những tồn tại, hạn chế trước đây. Trong đó, từng bước đưa việc quản lý, sử dụng nhà, đất công vào nề nếp, tách biệt được giữa nhà ở, đất ở với công sở...

Đồng thời thông qua sắp xếp, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, đã huy động nguồn lực to lớn bổ sung nguồn vốn ngân sách cho đầu tư phát triển, góp phần chỉnh trang đô thị, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội và tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận, các đơn vị đã nhận thức rất sâu sắc tinh thần Chỉ thị 24, thể hiện ở việc không chỉ tập trung vào quản lý sử dụng mà còn đặt ra vấn đề phải gắn với phát triển nguồn tài sản công, tạo ra tài sản cho thế hệ sau. Tài sản công của TP.HCM rất lớn, nếu được quản lý khai thác tốt sẽ là nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ kinh tế xã hội của TP.HCM.

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu rà soát thống kê, khai thác sử dụng hiệu quả nguồn tài sản công- Ảnh 3.

Thành uỷ TP.HCM yêu cầu quản lý, sử dụng tốt tài sản công trên địa bàn thành phố. Ảnh: P.V

Tuy nhiên, quá trình quản lý khai thác cũng còn tình trạng phức tạp, dẫn đến thất thoát tài sản, sai phạm của một số tổ chức, cá nhân. TP.HCM chưa số hóa được, chưa xử lý được bất cập chồng chéo, chỉ nắm được tài sản trên giấy tờ mà chưa đồng bộ với thực tế. Trong quản lý sử dụng còn chưa phân nhóm tài sản nào đầu tư khai thác, phát triển mới…

Trong thời gian tới, Chủ tịch Phan Văn Mãi yêu cầu tập trung rà soát kiểm kê sát số lượng thực tế, gắn với số hóa, giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập như việc không thống nhất giữa thực tế và giấy tờ, nhiều địa chỉ nhà đất là tài sản công nhưng thực tế đã cấp giấy sở hữu riêng cho người dân…

Đồng thời lưu ý đến việc vận dụng Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung để thực hiện.

Chủ tịch TP Phan Văn Mãi nhấn mạnh quan điểm quyết liệt trong phân cấp ủy quyền. Các tài sản công chưa sử dụng thì ưu tiên để xây dựng các công trình công cộng như trường học, công viên, trạm y tế…