Ngày 24/2, chia sẻ với Dân Việt, chị Nguyễn Thị Thuỷ (kinh doanh hoa quả tại chợ Thủ Đức) đang chật vật tìm vé máy bay từ Vinh (Nghệ An) vào TP.HCM. Người này cho biết các năm trước khi về quê ăn Tết, mình thường chọn mua vé sau ngày Rằm tháng Giêng để mua được rẻ hơn. Tuy nhiên, năm nay vé máy bay trong suốt cả tháng Giêng vẫn neo ở mức cao.
"Tôi tính ngày 16 tháng Giêng sẽ quay trở lại TP.HCM mở hàng buôn bán, nhưng nhìn giá vé máy bay thì hoảng quá. Vé máy bay của các hãng như Vietnam Airlines chặng Vinh – TP.HCM thì hết sạch vé phổ thông, chỉ còn vé thương gia với giá gần 6 triệu/lượt. Trong khi đó, vé Eco không hành lý kí gửi của Vietjet cũng 3,6 triệu, có hành lý thì 4,3 triệu.
Giai đoạn này không còn cao điểm Tết nhưng giá vé máy bay vẫn cao gấp 2-3 lần so với ngày thường. Dịp Tết vừa rồi về quê tôi đã tiêu tốn quá nhiều chi phí, giờ phải bỏ thêm số tiền lớn để mua vé máy bay thật không dễ dàng. Tôi vì say tàu xe nên phải tìm vé máy bay chứ không tôi đã chọn mua vé xe khách để vào TP.HCM cho tiết kiệm rồi. Kiểu này chắc tôi phải ở quê thêm vài ngày nữa xem vé có rẻ hơn không rồi tranh thủ mua", chị Thuỷ nói.
Phạm Thu Thương (quê Thanh Hoá, sinh viên trường Đại học Nguyễn Tất Thành) cho biết mình lên mạng xem thông tin các chuyến bay vào TP.HCM thì thấy số lượng chuyến rất nhiều. Tuy nhiên, giá vé ở mức cao chót vót khiến sinh viên này choáng váng.
"Giá vé máy bay dường như giữ cùng 1 mức từ giai đoạn cao điểm Mùng 5, Mùng 6 Tết đến nay. Những năm trước, tôi chờ qua Mùng 10 là có thể mua được vé giá rẻ nhưng năm nay chờ hoài cũng không thấy giá vé hạ nhiệt nên chắc tôi đành đi xe khách", Thương cho hay.
Khảo sát thực tế, giá vé máy bay từ các địa phương trở lại TP.HCM sau Tết quá đắt đỏ. Theo đó, trung bình các chặng bay đang có giá neo ở mức từ 3,5 – 7 triệu/lượt. Thậm chí, nếu bay nối chuyến, hành khách phải bỏ ra số tiền hơn chục triệu đồng/lượt. Mức giá này duy trì trong suốt nhiều ngày sau Tết và chỉ bắt đầu hạ nhiệt chỉ sau ngày 20 tháng Giêng âm lịch.
Giá vé neo cao khiến nhiều người lao động, công nhân thu nhập thấp phải "kêu trời" vì không đủ tiềm lực mua vé. Một số người phải chấp nhận mua vé với giá cao để trở lại TP.HCM ổn định công việc. Trong khi đó, số khác lại lựa chọn các phương tiện khác như tàu hoả, xe khách… để tiết kiệm chi phí.
Theo một chuyên gia hàng không, giá vé máy bay được mở bán dựa trên quy luật cung – cầu. Mọi năm, các hãng hàng không mở bán vé theo dự báo thị trường. Vé sẽ được mở bán nhiều dải từ thấp đến cao và không vượt quá giá trần quy định.
Riêng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, vé máy bay dù qua cao điểm vẫn neo ở mức cao nhiều khả năng vì các hãng giảm mạnh tần suất khai thác và giảm đội tàu bay khai thác. Số chuyến bay bị giảm sút khiến cung không đủ cầu, từ đó đẩy giá vé lên cao.
Liên quan đến tình hình giá vé máy bay đắt đỏ, vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu các hãng báo cáo công tác bán vé máy bay trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các đơn vị báo cáo việc bán vé theo quy định của Thông tư 17/2019 của Bộ Giao thông Vận tải ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Các hãng cũng cần báo cáo việc giám sát hoạt động các hãng hàng không với các đại lý bán vé máy bay và các biện pháp xử lý. Nhà chức trách hàng không yêu cầu các hãng gửi báo cáo chậm nhất vào ngày 26/2.