Nhạc sĩ Trương Quý Hải sinh năm 1963 tại Hà Nội. Thuở nhỏ, anh theo học đàn violin nhưng sau đó phải tạm dừng do gặp chấn thương ở tay. Đến khi tốt nghiệp phổ thông, Trương Quý Hải tham gia quân ngũ, chiến đấu tại chiến trường biên giới. Rời quân ngũ, anh trở thành cán bộ đoàn, đội tại nhiều cơ quan, rồi chuyên tâm với công việc sáng tác. Nhạc sĩ có nhiều tác phẩm được công chúng yêu thích như: Hà Nội mùa vắng những cơn mưa; Khoảnh khắc; Người Việt Nam; Hoa may; Tự khúc ngày sinh...
Chia sẻ với Dân Việt về hành trình gắn bó với âm nhạc, Trương Quý Hải cho biết, anh sáng tác những giai điệu đầu tiên tại chiến trường Vị Xuyên (Hà Giang), khi ngồi bên mộ đồng đội. Ca khúc Thư về cho mẹ trở thành dấu mốc đầu tiên, cũng báo hiệu mối nhân duyên định mệnh với âm nhạc. "Sau khi trở về, tôi tiếp tục theo học tại trường Đại học Mỏ địa Chất, ngành Kỹ sư khai thác. Tốt nghiệp xong, tôi lại trở thành sinh viên khoa Kinh tế thương mại, trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Thế nhưng, cuối cùng thực tiễn cho tôi thấy, thứ hợp nhất với tôi, thứ tôi theo đuổi vẫn là sáng tác".
Thời gian theo học tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân chính là lúc nhạc sĩ Trương Quý Hải cho ra đời những ca khúc bất hủ như: Hà Nội những cơn mưa; Khoảnh khắc... Khi sáng tác các tác phẩm này, anh đều không ngờ sau đó chúng lại trở nên nổi tiếng và được nhiều người yêu thích tới vậy.
Trương Quý Hải kể lại: "Năm 1992, tôi hoạt động trong phong trào sinh viên của trường, thường tham gia các cuộc gặp gỡ, giao lưu văn nghệ. Tại một dịp tập huấn trong TP.HCM, tôi có cơ hội tới thăm trường Đại học Tổng hợp, được đoàn thanh niên của trường tiếp đón nồng hậu ở phòng Hội nghị. Tiếp đó, các anh mời cả nhóm ra quán cafe sinh viên trò chuyện. Để không khí thêm ấm cúng, nồng hậu, các anh tổ chức cho CLB Thơ sinh viên ra tiếp chúng tôi. Bữa tiệc hôm ấy giản dị nhưng thanh tao, ấm cúng, đầy cảm xúc".
Tại quán cafe hôm đó, tác giả Bùi Thanh Tuấn - một sinh viên năm thứ nhất tại trường đứng dậy chia sẻ: "Em có bài thơ tặng các anh chị từ Hà Nội, nhưng tác phẩm này chưa có tên, nhờ anh chị nghe và đặt giúp". Thấy quán có cây đàn guitar, Trương Quý Hải liền đề nghị đệm đàn cho cậu đọc thơ. Ngay khi chàng sinh viên tại TP.HCM đọc những câu đầu tiên: "Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa/ Cái lạnh mùa đông giật mình bật khóc…", các giai điệu đã cứ thể dần hình thành. Đến lúc Thanh Tuấn đọc xong, Trương Quý Hải đứng dậy đáp từ: "Hà Nội sẽ tặng lại các bạn bài hát từ bài thơ này". Khoảng 30 phút sau, ca khúc "Hà Nội mùa vắng những cơn mưa" ra đời. Cũng ngay tối hôm đó, Trương Quý Hải cùng người bạn mới biểu diễn tại Nhà văn hoá Thanh Niên, hội trường đứng dậy vỗ tay rất lâu. Ca khúc từ ngày ấy cứ thế vang vọng tại khắp mọi miền đất nước...
Năm 1993, Trương Quý Hải viết ca khúc Khoảnh khắc - bài hát sau đó nổi tiếng với sự thể hiện của các ca sĩ Ngọc Tân, Thùy Dung... Ca khúc bắt nguồn từ việc anh tham gia một trại sáng tác cho các nhạc sĩ trẻ do nhạc sĩ Nguyễn Cường làm chủ nhiệm. "Mỗi tỉnh được cử một người đi, trong số đó tôi là "oắt con" nhất. Khi sáng tác Khoảnh khắc, tôi lấy cảm xúc từ một người phụ nữ đặc biệt. Đó là cô gái xinh đẹp, kiêu kỳ tên Fiona trong giáo trình tiếng Anh Streamline (một loại giáo trình tiếng Anh rất phổ cập thời đó). Trong bài 30 của giáo trình là phần hội thoại của Fiona và một chàng trai. Anh ấy nói: "Fiona, i want you, i need you (Fiona, tôi muốn em, tôi cần em - tạm dịch). Sau đó, người này khoe anh có rất nhiều tiền, biệt thự, ô tô, nhà lầu, của cải... Thế rồi, anh ta hỏi: "Em cần gì?". Cô gái trả lời: "Em cần James".
Ca khúc "Khoảnh khắc" của nhạc sĩ Trương Quý Hải do cố nghệ sĩ Ngọc Tân thể hiện. (Clip: Andrew Lam)
Một ông James không hề xuất hiện trong bài nhưng khiến anh em chúng tôi khi ấy ngưỡng mộ kinh khủng. Không hiểu ông này là ai, như thế nào mà lại có được trái tim cô Fiona xinh đẹp đó. Có lẽ, tất cả những người đàn ông trên thế gian này đều mong có một người con gái như vậy, cô ấy chỉ cần đúng mình, chỉ cần là mình thôi, không cần gì khác. Từ ý nghĩ đó, tôi viết nên Khoảnh khắc" - nhạc sĩ Trương Quý Hải tâm sự.
Ban đầu, Trương Quý Hải đặt tên ca khúc là Chiếc lá cuối cùng, tuy nhiên, sau đó anh nghe lời khuyên của một người bạn - nhạc sĩ Lã Văn Khoa và thay đổi thành Khoảnh khắc. "Anh Khoa có kể cho tôi một câu chuyện rất đặc biệt, tưởng chừng không liên quan mà lại gắn kết tới bất ngờ: "Có bức ảnh chụp lại một đêm Trường Sơn đặc biệt. Hôm ấy, một đoàn quân tiến vào, trong đó có những người trai trẻ. Một đoàn quân đi qua lặng lẽ, trên người đầy khói bụi chiến tranh. Trong ánh pháo sáng, hai cha con chợt nhận ra nhau. Ở dưới bức ảnh, tác giả đề: "Khoảnh khắc"... Nghe xong, tôi bàng hoàng. Câu chuyện quá hay, và cái tên quá đẹp. Đúng vậy, chỉ có thể là khoảnh khắc thôi, bởi "nếu ngày mai bước chân anh về, một xác lá rơi bên hè, mùa đông tái tê…".
Ở tuổi ngoài 60, nhạc sĩ Trương Quý Hải chọn cuộc sống lặng lẽ, an yên. Với âm nhạc, anh vẫn thường xuyên có những sáng tác mới về đất nước, con người, thời cuộc... Với anh, công việc sáng tạc là định mệnh, là nhân duyên, cũng là nơi giãi bày những khát khao, những nguyện ước về một cuộc sống đẹp đẽ và nhân ái.