Theo báo cáo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong năm 2023, doanh thu toàn ngành thông tin và truyền thông ước đạt 3.744.214 tỷ đồng, tăng 1,49% so với năm 2022. Trong đó, đóng góp doanh thu của lĩnh vực công nghiệp ICT ước đạt ước đạt 3.397.492 tỷ đồng (tương đương 142 tỷ USD), tăng 1,4% so với năm 2022.
Mặc dù phần cứng, điện tử vẫn chiếm tỷ trọng chính trong bức tranh ICT với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 127 tỷ USD nhưng con số này giảm 4,9% so năm 2022. Trong 4 năm qua, đây là năm đầu ghi nhận kim ngạch xuất khẩu phần cứng điện tử giảm. Bởi thực tế trong suốt 3 năm qua, kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử liên tục tăng mạnh (năm 2020 đạt 101,39 tỷ USD; năm 2021 đạt 127,654 tỷ USD; năm 2022 đạt 133,615 tỷ USD).
Nhắc đến tỷ trọng phần của Việt Nam trên tổng giá trị xuất khẩu phần cứng, điện tử, không ít ý kiến cho rằng phần của Việt Nam còn khá thấp, chỉ dưới 5%. Phân tích rõ nét về điều này, ông Đỗ Cao Bảo - Ủy viên Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần FPT, đã đưa ra những số liệu và góc nhìn cụ thể.
Có đúng Việt Nam chỉ đóng góp mỗi bao bì trong chiếc điện thoại, máy tính, tivi khi xuất khẩu không?
Ông Đỗ Cao Bảo khẳng định, điều này đúng nhưng chỉ đúng vào thời điểm cách đây 10 năm, tức vào năm 2014, khi Samsung chỉ có 4 nhà cung cấp Việt Nam, hầu hết linh phụ kiện đều nhập khẩu.
Và điều này sai hoàn toàn vào thời điểm này, bởi vì từ 4 nhà cung cấp Việt Nam vào năm 2014, Samsung đã nâng dần lên 29 vào năm 2017, 200 vào năm 2018 và 306 vào năm 2023. Theo Samsung Việt Nam, với 306 nhà cung cấp Việt Nam đã đưa tỷ lệ nội địa hoá của Samsung Việt Nam lên 59%.
Tất nhiên trong 306 nhà cung cấp của Samsung Việt Nam, chủ yếu là doanh nghiệp FDI (Hàn Quốc là chính), thế nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp thuần Việt Nam, chẳng hạn như công ty An Phú và công ty Bắc Việt cung cấp linh kiện nhựa, vỏ điện thoại và vỏ cho cục sạc; công ty An Phát cung cấp linh kiện; công ty điện tử HNT cung cấp camera trước và camera sau cho điện thoại; công ty Vinavit cung cấp bu lông, ốc vít; Công ty Manutronics cung cấp đĩa CD, DVD, CD-R…
Phần của Việt Nam chiếm tỷ trọng bao nhiêu trong tổng giá trị xuất khẩu?
Có hai loại nhà máy sản xuất FDI ở Việt Nam:
FDI nhóm 1: Các nhà máy của chính hãng như các nhà máy của Samsung, LG, Intel, sản xuất điện thoại, máy tính, tivi cho chính họ.
FDI nhóm 2: Các nhà máy sản xuất gia công cho hãng (Apple, Nokia, Sony, Xaomi, Microsoft) như Foxconn, Luxshare, Goertek.
Ủy viên Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần FPT Đỗ Cao Bảo phân tích, nhóm nhà máy FDI 2 chỉ sản xuất gia công cho các hãng, nên thông thường họ chỉ được hưởng 20%-30% giá trị trên giá hãng bán đến người dùng cuối (cho công đoạn sản xuất), chứ không được hưởng 100% như các nhà máy FDI nhóm 1.
Trong 20%-30% đó, chi phí cho nhân công, điện nước, nhà xưởng, bao bì chiếm khoảng 10%-15%. Như vậy nhóm các nhà máy Foxconn, Luxshare, Goertek, phần của Việt Nam chiếm khoảng 35% đến 50% tuỳ vào tỷ lệ nội địa hoá.
Nhóm nhà máy FDI 1, vì là hàng của chính họ, nên họ hưởng cả phần sản xuất lẫn phần thương mại nên khi xuất khẩu họ để giá trị cao hơn khá nhiều, dẫn đến tỷ trọng phần Việt Nam thấp, có thể ước lượng phần của Việt Nam như sau: 4% cho khâu sản xuất của chính họ và 5% cho các nhà cung cấp cấp 1 và cấp 2.
Điều đáng nói, có ít nhất hai ngành chưa đưa vào trong thống kê về xuất khẩu hàng năm, đó là ngành phần mềm và ngành sản xuất, phát hành game online. Lý do, không phải là mặt hàng kiểu chật chất, có xuất khẩu qua cửa khẩu như các hàng hoá truyền thống.
Hai ngành phần mềm và game online, năm 2023 mang về cỡ 8 tỷ USD xuất khẩu, là hai ngành mà giá trị của Việt Nam ước chừng lên đến 80%-90%.
Như vậy, phần của Việt Nam trong tổng giá trị xuất khẩu điện thoại, điện tử, máy tính là:
- Nhóm điện thoại, điện tử, máy tính Samsung, LG, Intel: 4%-9%
- Nhóm điện thoại, điện tử, máy tính sản xuất gia công: 35%-50%
- Nhóm phần mềm, game online: 80%-90%
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, dự kiến trong năm tới, kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử sẽ phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng (mục tiêu năm 2024 đạt 135 tỷ USD và năm 2025 là 145 tỷ USD).
Cùng với đó, số doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động liên tục tăng trong 3 năm qua (năm 2000 42.000; năm 2021 là hơn 44.000; năm 2022 là 46.000 và năm 2023 ước khoảng 47.000 doanh nghiệp. Dự kiến đến năm 2025, con số này sẽ đạt 50.000 doanh nghiệp.
Trong năm qua, Bộ đã hỗ trợ phát triển thị trường cho doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam; xây dựng cơ sở dữ liệu công nghiệp ICT Make In Viet Nam: chứa thông tin của 42.000 doanh nghiệp, hơn 1.700 sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin.