Trung tâm KNQG cho biết, mô hình ứng dụng công nghệ vi sinh xử lý phế phụ phẩm trong trồng trọt và chăn nuôi, thúc đẩy tăng trưởng xanh được triển khai trong 2 năm 2023 và 2024 tại Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh và Vĩnh Phúc.
Theo đó, dự án sẽ chuyển giao quy trình xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm chăn nuôi, trồng trọt; Chuyển giao quy trình xử lý gốc rạ ngay tại ruộng; Chuyển giao quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ và chuyển giao quy trình sản rau theo hướng hữu cơ.
Mục tiêu của dự án sẽ xây dựng được 600ha mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học xử lý nhanh rơm rạ trên đồng ruộng vụ xuân phục vụ sản xuất lúa vụ mùa; Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học sản xuất được 600 tấn phân hữu cơ vi sinh từ rơm rạ và đệm lót sinh học thu gom trong chăn nuôi; Xây dựng mô hình ứng dụng phân bón hữu cơ vi sinh sản xuất 150ha lúa theo hướng hữu cơ và xây dựng mô hình ứng dụng phân bón hữu cơ vi sinh sản xuất 30ha rau theo hướng hữu cơ.
Năm 2023, tại Hà Tĩnh đã xây dựng 1 mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh xử lý nhanh rơm rạ trên đồng ruộng phục vụ sản xuất lúa vụ mùa với quy mô 80ha; 1 mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh sản xuất được 70 tấn phân hữu cơ vi sinh từ rơm rạ và đệm lót sinh học thu gom trong chăn nuôi và 1 mô hình ứng dụng phân bón hữu cơ sản xuất 15ha lúa theo hướng hữu cơ.
Ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh đánh giá, mô hình đã giúp nông dân thay đổi nhận thức và nâng cao trình độ trong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, giảm thiểu trình trạng đốt rơm rạ ngoài đồng và xả chất thải trong chăn nuôi trút bỏ xuống kênh, rạch, sông, suối. Giảm thiểu được việc lạm dụng phân bón hóa học, cải thiện độ phì nhiêu và nang cao dinh dưỡng đất.
Bên cạnh đó, hạn chế bệnh vùng rễ cây trồng cạn góp phần xây dựng một nền nông nghiệp hữu cơ sạch, an toàn. Đồng thời giúp người dân tăng thu nhập, tăng giá trị sản phẩm, giảm tiếp xúc với các hóa chất độc hại như thuốc BVTV hóa học, thuốc trừ cỏ... ổn định sản xuất.
Vụ hè thu 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh xây dựng mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ đối với giống DT39 trên diện tích 2ha tại thôn Vân Cửu, xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc. Đây là giống lúa có thời gian sinh trưởng 100 – 105 ngày, sẽ tránh được mưa lũ cuối vụ. Bước đầu triển khai mô hình, người dân đưa vào ứng dụng máy cấy để cấy giống lúa DT39 và sử dụng các loại phân bón hữu cơ, vật tư do Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm sản xuất.
Chia sẻ với Dân Việt, bà Trần Thị Tiệp, xã Khánh Vĩ Yên cho biết, tham gia mô hình sử dụng phân bón hữu cơ sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với diện tích 2 sào, cấy giống lúa DT39 Quế Lâm. "So với phương pháp canh tác trồng lúa truyền thống thì ưu điểm của mô hình giúp lúa phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh và tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, sản lượng sẽ thấp hơn so với canh tác truyền thống nhưng đổi lại giá trị gạo sẽ cao hơn, bán giá trên 20.000 đồng/kg", bà Tiệp nói.
Phấn khởi khi cũng tham gia mô hình sử dụng phân bón hữu cơ sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với diện tích 2 sao, ông Thái Văn Nghĩa, xã Khánh Vĩ Yên cho hay, từ khi tham gia mô hình ông đã không phải dùng đến thuốc BVTV, giảm chi phí 10-15% so với canh tác truyền thống.
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm KNQG cho biết, lâu nay người dân vẫn quen sản xuất lúa sử dụng phân bón, thuốc BVTV. Mặc dù ban đầu khi chuyển đổi sang sản xuất lúa theo hướng hữu cơ có nhiều bỡ ngỡ nhưng đến nay nông dân đã làm quen và thuần thục trong canh tác lúa theo phương pháp mới.
"Qua đánh giá, sản xuất lúa theo hướng này năng suất cơ bản đạt được như sản xuất đại trà, đồng thời có liên kết với doanh nghiệp nên đầu ra được bảo đảm. Ðặc biệt, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ giúp giảm chi phí đầu tư khoảng 4 triệu đồng/ha, giá bán lúa cao cho nên thu nhập tăng hơn so với lúa cấy đại trà từ 8-10 triệu đồng", ông Thanh nói.
Là một trong những đơn vị thời gian qua đã tham gia tích cực vào sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, đến nay Tập đoàn Quế Lâm đã triển khai mô hình này trên cả nước. Ông Tôn Thất Thạnh, đại diện Tập đoàn Quế Lâm chia sẻ: "Khởi đầu sản xuất lúa theo hướng hữu cơ của Tập đoàn là tại Thừa Thiên Huế, đến nay chúng tôi đã thực hiện được 200 ha/vụ trên địa bàn tỉnh. Từ mô hình này, Tập đoàn đã mời các hợp tác xã, nông dân ở nhiều nơi trên cả nước, nhất là khu vực miền trung đến tham quan học tập kinh nghiệm nhằm nhân rộng. Hiện nay, Tập đoàn đã sản xuất lúa theo hướng hữu cơ khoảng 1.000 ha ở các tỉnh như: Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Sóc Trăng, Ðồng Tháp, Ðồng Nai... Qua đánh giá, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ ở khu vực miền trung, không chỉ giúp tạo ra sản phẩm gạo sạch, bảo vệ môi trường do không dùng hóa chất trong sản xuất mà còn tăng lợi nhuận bình quân một triệu đồng/sào cho người dân".
Còn theo Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Văn Anh, những năm qua, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh được mở rộng và phát triển. Các chuỗi sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, bền vững góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất, tiêu dùng và môi trường. Ðến nay, toàn tỉnh có 245ha sản xuất theo hướng hữu cơ, trong đó 216,8ha lúa ở các huyện Phong Ðiền, Quảng Ðiền, Phú Lộc, Hương Thủy. Tuy nhiên, do nhân dân đã quen với quy trình canh tác cũ khi chuyển sang sản xuất hữu cơ gặp khó khăn; các địa phương chưa mạnh dạn duy trì và mở rộng mô hình nông nghiệp hữu cơ...
Ðể sản xuất lúa theo hướng hữu cơ được mở rộng và phát triển bền vững, theo ông Anh cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân nhằm thay đổi nhận thức sản xuất, sử dụng nông sản hữu cơ, sạch, an toàn; vận động, hướng dẫn người dân chuyển đổi tập quán canh tác từ sản xuất vô cơ sang sản xuất hữu cơ; mở rộng và phát triển các chuỗi giá trị trong sản xuất lúa; xây dựng cánh đồng hữu cơ có giấy chứng nhận để nâng cao chất lượng và giá trị; có chính sách phù hợp phát triển lúa hữu cơ; tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định sản phẩm gạo hữu cơ cho nông dân; chuyển giao quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ cho bà con.
"Hiện nay, xu hướng của nước ta đang tiến tới nền nông nghiệp xanh, sạch. Vì vậy, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ và theo hướng hữu cơ là một trong những giải pháp để đạt tới xu hướng này. Nhưng để làm được điều đó, ngoài việc tuyên truyền thay đổi tập quán canh tác của người dân thì các địa phương cũng cần có cơ chế nhằm kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp để triển khai rộng khắp và có hiệu quả cao. Bởi chính doanh nghiệp giúp người dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, vật tư đầu vào cũng như bao tiêu sản phẩm đầu ra. Nếu doanh nghiệp đồng hành với người sản xuất, chắc chắn người dân sẽ yên tâm sản xuất và bảo đảm hướng đến sản phẩm sạch", ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm KNQG.