Chia sẻ tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024, ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Vingroup cho biết, sự phát triển của thị trường vốn ở Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn, có sự tăng trưởng nhanh chóng về quy mô, sự đa dạng của sản phẩm, khung pháp lý cũng ngày càng hoàn thiện hơn, để tạo ra một sân chơi công bằng, minh bạch cho tất cả các nhà đầu tư.
Theo đó, doanh nghiệp có thể huy động vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu, nhà đầu tư có thể đến từ trong nước hoặc quốc tế, giúp cho sự phát triển của các doanh nghiệp được hiện thực hóa thông qua những khoản vốn kịp thời, đúng thời điểm, và chi phí vốn hợp lý. Hàng nghìn nhà đầu tư quốc tế cũng đã rót nhiều tỷ USD vào các doanh nghiệp Việt Nam, gián tiếp thông qua kênh đầu tư chứng khoán của doanh nghiệp Việt Nam.
Là một trong những tập đoàn tư nhân đa ngành nghề lớn nhất Việt Nam, sớm hướng tới những chuẩn mực quốc tế khắt khe nhất, ông Quang cho biết, Vingroup đã tham gia TTCK Việt Nam từ rất sớm.
"Sự phát triển của Vingroup ngày hôm nay luôn có sự đồng hành của các kênh huy động vốn đa dạng, trong đó có TTCK đóng vai trò rất lớn", ông nói.
Hiện nay, Tập đoàn Vingroup đang có 3 doanh nghiệp là Tập đoàn Vingroup (mã cổ phiếu VIC), CTCP Vinhomes (mã cổ phiếu VHM), CTCP Vincom Retail (mã cổ phiếu VRE), có cổ phiếu niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE), với tổng giá trị vốn hóa thị trường lên đến 419 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 17 tỷ USD, đã huy động thành công hàng tỷ USD thông qua TTCK Việt Nam và quốc tế.
Đặc biệt, ngày 15/8/2023, Công ty VinFast Singapore, một công ty thành viên của Vingroup, đã trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên, chính thức niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán NASDAQ (Hoa Kỳ).
Theo ông Quang, Vingroup đã có nhiều kinh nghiệm huy động vốn từ phát hành và niêm yết trái phiếu quốc tế (cụ thể là tại thị trường chứng khoán Singapore), nhưng việc niêm yết tại NASDAQ đã mở ra những kênh huy động vốn mới với các nhà đầu tư lớn và uy tín trên toàn cầu. Đồng thời, Vingroup cũng phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về quản trị và công bố thông tin tại đất nước có nền tài chính phát triển nhất thế giới. Tuy nhiên, Vingroup không quá bỡ ngỡ vì có sự chuẩn bị kỹ càng và đã có nền tảng tuân thủ các quy định tương tự tại Việt Nam.
Đề cập về những lợi ích trọng yếu Vingroup đạt được trong 17 năm có mặt trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Tổng Giám đốc này cho biết, đầu tiên đó là quản trị chuyên nghiệp và minh bạch hơn.
Ông phân tích, các quy định chặt chẽ, rõ ràng về quản trị công ty đại chúng, mà gần đây nhất là Thông tư 116/2020/TT-BTC ban hành ngày 31/12/2020 đều hướng đến một cơ chế quản trị nghiêm túc, rõ ràng, giúp hoạt động của doanh nghiệp được kiểm soát chặt chẽ và công khai.
Hai là, huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Tính đến nay, Vingroup đã có những hoạt động vốn rất đa dạng như phát hành cổ phiếu riêng lẻ và ra công chúng, phát hành trái phiếu riêng lẻ và ra công chúng.
Qua đây, Vingroup cũng tìm được những nhà đầu tư, cổ đông chiến lược, tạo thành một mạng lưới với kinh nghiệm sâu rộng trong lĩnh vực hoạt động, những người có thể hỗ trợ và hợp tác với chúng tôi về quản trị, sản xuất, kênh bán hàng, vốn, và đặc biệt là công nghệ.
Ngoài ra, khi có những cổ đông chiến lược làm thẩm định đánh giá doanh nghiệp, chúng tôi cũng nhìn được những điểm cần cải thiện khắc phục để phát triển doanh nghiệp hiệu quả hơn.
Ba là về quảng bá hình ảnh, thương hiệu doanh nghiệp. Theo ông Quang, Vingroup được nhà đầu tư trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn, các nhà đầu tư khi tìm hiểu về chúng tôi thì cũng có những hiểu biết về hệ sinh thái đa dạng của Vingroup; hiểu hơn về sản phẩm và dịch vụ chúng tôi cung cấp tại thị trường Việt Nam và toàn cầu.
Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Vingroup, trong năm 2024, Vingroup tiếp tục có kế hoạch huy động vốn thông qua cả kênh tín dụng trong và ngoài nước cùng với phát hành thêm cổ phiếu, trái phiếu trong và ngoài nước để tài trợ cho các hoạt động kinh doanh thông thường và mở rộng thị trường quốc tế của Tập đoàn Vingroup.
Trong quá trình phát triển của Vingroup gần 20 năm qua trên TTCK, Vingroup đã nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý là Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở Giao dịch Chứng khoán, Tổng công ty Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (tiền thân là Trung tâm Lưu ký Chứng khoán). Để TTCK là kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp và hoàn thiện hơn nữa, ông Quang kiến nghị Chính phủ và các cơ quan quản lý tiếp tục nghiên cứu và có các giải pháp để thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được nâng hạng. Cùng với đó, tiếp tục rà soát và hoàn thiện các văn bản pháp luật hiện tại, nghiên cứu và ban hành những quy định về các sản phẩm tài chính mới để thu hút nhà đầu tư, phát triển thị trường.
Tham gia thị trường chứng khoán từ năm 2011, MBBank cũng như Vingroup đã thu hút được nguồn vốn để phục vụ cho phát triển và tăng trưởng.
Theo chia sẻ của ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT ngân hàng MB, vốn hóa của MB đến thời điểm này khoảng trên 120.000 tỷ đồng, có 150.000 nhà đầu tư làm cổ đông của MB trên thị trường.
"MB cũng tập trung vào chuyển đổi số và nằm trong Top 100 doanh nghiệp có báo cáo tài chính thường niên xuất sắc. Chúng tôi đã triển khai nhiều phương án phát hành cổ phiếu và chi trả lợi tức hằng năm để bổ sung vốn và lưu quy mô vốn, đặc biệt tăng nguồn vốn kinh doanh cấp 2. Điều này rất quan trọng để các tổ chức tín dụng như MB có thể đáp ứng về nguồn vốn để tăng trưởng", ông nói.
Chủ tịch MB nhìn thấy có 4 vấn đề kiến nghị là: Tăng quy mô của thị trường; Tăng số lượng hàng hoá cũng như tăng số lượng và chất lượng các doanh nghiệp tham gia niêm yết; Tăng số lượng và chất lượng của ngân hàng đầu tư trên thị trường thông qua các giải pháp; Nâng cấp được các hệ thống giao dịch và khuôn khổ pháp lý để thu hút nhà đầu tư.
Trên cơ sở đó, MB khuyến nghị một số vấn đề.
Thứ nhất, tăng khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp tốt trên thị trường bằng cách phân loại và xếp hạng độc lập các doanh nghiệp niêm yết theo các tiêu chí ngành, hiệu quả hoạt động, để tăng sức mạnh thương hiệu, thị phần trong ngành, minh bạch thông tin, thúc đẩy các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp tiềm năng tham gia TTCK. Áp dụng các chuẩn mực quốc tế và thông lệ quốc tế như các nguyên tắc quản trị công ty tốt nhất của OECD cho các doanh nghiệp niêm yết để giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn thông qua thị trường tốt hơn. Như báo cáo của UBCK Nhà nước, năm qua số lượng giá trị tăng mới của giá trị niêm yết khoảng 56 nghìn tỷ. Số lượng này còn khá khiêm tốn so với tiềm năng, nhu cầu của doanh nghiệp.
Thứ hai, tiến tới nâng hạng thị trường. Một số vấn đề chính như sau: Nội lực của chúng ta quan trọng, do đó chất lượng hàng hóa trong thị trường là quan trọng. Khi chất lượng thị trường tốt, giá trị cao thì nhà đầu tư nước ngoài đến đây để tìm kiếm lợi nhuận, tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam. Do đó, chất lượng thị trường và quan trọng hơn là kiện toàn Trung tâm thanh toán bù trừ (CCP) - điểm mấu chốt khi cả FTSE và MSCI đều coi đây là nút thắt trong việc nâng hạng thị trường. Hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến sở hữu nước ngoài.
Thứ ba là, tăng cường ứng dụng về công nghệ và chuyển đổi số trong quản lý và giám sát. Nghiên cứu các hệ thống triển khai giám sát tự động, kết nối với hệ thống dữ liệu và các cơ quan như thuế, cơ quan giám sát của ngân hàng và giám sát tài chính quốc gia, tăng khả năng giám sát và chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp trên thị trường.
Cuối cùng là cung cấp hệ thống công nghệ và dữ liệu để tăng khả năng số hóa, tiếp cận để nhà đầu tư và công chúng xử lý thời gian phát hành, thời gian đầu tư được tiết kiệm thời gian hơn.