Giá lúa hôm nay 29/2 tại các địa phương ĐBSCL rục rịch tăng ngay sau khi có thông tin Indonesia thêm hạn ngạch nhập khẩu gạo trong năm 2024.
Chẳng hạn, hôm qua 28/2, lúa IR50404 được các thương lái mua tại ruộng 7.500 đồng/kg nhưng hôm nay đã mua đến 7.600 đồng/kg.
Giá lúa Đài thơm hôm nay là 7.800 đồng/kg nhưng 1 ngày trước đó, loại lúa này chỉ được thương lái mua từ 7.400-7.700 đồng/kg.
Giá lúa OM 18 hôm nay từ 7.600 - 7.800 đồng/kg. 1 ngày trước đó, loại lúa này chỉ có 7.200 đồng/kg. Đối với các giống lúa khác, giá chưa có thay đổi.
Do giá lúa tăng nhẹ nên thị trường mua bán có phần sôi động hơn những ngày trước. Các thương lái tranh thủ đi đặt cọc, để có lúa mua bán trong thời gian tới.
Nguyên nhân giá lúa tăng được đa số thương lái cho rằng do tác động từ thông tin Indonesia thêm hạn ngạch nhập khẩu gạo trong năm 2024. Ngoài ra, còn có nguyên nhân nữa là do chuẩn bị bước vào giai đoạn cuối vụ lúa Đông Xuân 2024, diện tích lúa còn lại ngoài đồng không nhiều.
Theo một số nông dân đang trồng lúa đông xuân giai đoạn từ đòng trổ đến sắp thu hoạch ở huyện Tiểu Cần và Cầu Kè (Trà Vinh), 2 ngày qua, giá lúa tăng trở lại mặc dù không nhiều. Có tình trạng thương lái đặt cọc mua lúa cao hơn mức giá hiện tại rất nhiều.
Đa số nông dân cho rằng nguyên nhân giá lúa tăng là nhiều nơi đã thu hoạch xong, đây là điều thường gặp vào những năm trước. Cũng có nguyên nhân nữa là do diện tích lúa xuống giống ở các tỉnh ven biển ở ĐBSCL giảm hơn các vụ khác trong năm.
"Hiện ai có lúa chưa cắt là ngon, nghe các thương lái là giá lúa tăng cao trong thời gian tới. Bây giờ chỉ còn chờ cắt, nếu năng suất cao nữa là quá tốt" - anh Trần Văn An ở xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh cho hay.
Mặc dù mừng vì giá lúa có chiều hướng tăng, thế nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, hiện đa số các cánh đồng lúa đông xuân muộn ở ĐBSCL đều thiếu nước tưới, nhất là vùng giáp biển.
Do ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, ngành chức năng các địa phương cho đóng cống từ các cửa sông, nguồn nước bên trong nội đồng khô cạn dần vì nắng nóng. Tình trạng kéo dài sẽ khiến năng suất lúa không đảm bảo, chi phí sản xuất tăng cao rất nhiều lần.
Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) vừa gửi thư mời đến các doanh nghiệp có nhu cầu tham gia đấu thầu cung cấp 300.000 tấn gạo cho quốc gia này.
Bulog nêu rõ, 300.000 tấn gạo được Indonesia nhập khẩu lần này phải thuộc niên vụ 2023-2024 và là loại 5% tấm, được xay xát không quá 6 tháng.
Bulog cũng đã tổ chức cuộc họp trực tuyến để giải thích rõ các quy định liên quan của cuộc đấu thầu lần này với các đơn vị tham gia đấu thầu.
Được biết, đây là lần nhập khẩu thứ hai trong năm 2024, sau khi quốc gia này đã đấu thầu nhập khẩu 500.000 tấn hồi tháng 1 vừa qua (trong đó, tổng khối lượng được các doanh nghiệp của Việt Nam trúng thầu là hơn 300.000 tấn).
Ở một diễn biến khác, theo Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, vì thiếu nước canh tác (ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino) đã dẫn đến việc sản xuất gạo ở Indonesia bị thiếu hụt trong vụ canh tác chính của năm.
Vì vậy, Chính phủ Indonesia vừa mới quyết định tăng hạn thêm hạn ngạch nhập khẩu gạo trong năm 2024 thêm 1,6 triệu tấn.
Với lượng gạo nhập khẩu thêm 1,6 triệu tấn, thì tổng lượng lượng gạo hạn ngạch Chính phủ Indonesia quyết định nhập khẩu trong năm 2024 sẽ là 3,6 triệu tấn.
Giấy phép nhập khẩu thêm 1,6 triệu tấn nói trên sẽ sớm được ban hành sau khi hoàn tất một số thủ tục hành chính liên quan.
Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cũng cho biết, trong vài ngày gần đây, giá gạo tại Indonesia tăng mạnh do nguồn cung thiếu hụt. Tính tới tháng 2/2024, Indonesia đã trải qua 8 tháng thâm hụt gạo liên tiếp.