Dân Việt

Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Quảng Ninh giúp nhiều hội viên thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế

Đức Thịnh 03/03/2024 13:46 GMT+7
Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) tỉnh Quảng Ninh đã trở thành đòn bẩy giúp hàng nghìn hội viên, nông dân trên toàn tỉnh phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả. Hiệu quả từ nguồn vốn này cũng chính là động lực để các cấp Hội ND tiếp tục triển khai những giải pháp chất lượng, hỗ trợ hội viên nhiều hơn.

Tập huấn nghiệp vụ, nâng cao năng lực cán bộ Hội cơ sở

Là một trong những hộ sử dụng hiệu quả vốn vay Quỹ HTND huyện, chị Bùi Thọ Hoài (xã Tân Bình, huyện Đầm Hà) đã phát triển mô hình trồng cam hiệu quả. Chị Hoài cho biết: Do diện tích đất của gia đình còn nhiều, vì vậy chúng tôi quyết định trồng thêm cây cam và nuôi lợn. Sau khi được cán bộ hội nông dân huyện hướng dẫn, tôi đã mạnh dạn vay 75 triệu từ Quỹ HTND để mở rộng diện tích trồng cam và nuôi lợn. Mô hình trồng cam, chăn nuôi lợn, bước đầu cho thu lãi hơn 140 triệu đồng/năm.

Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Quảng Ninh giúp nhiều hội viên thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế- Ảnh 1.

Vườn cam của gia đình chị Bùi Thọ Hoài (xã Tân Bình, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh) được đầu tư vay vốn Quỹ HTND. Ảnh: P.V

Theo lãnh đạo Hội ND tỉnh Quảng Ninh, bên cạnh đảm bảo cho vay đúng đối tượng, cam kết sử dụng đúng mục đích đăng ký vay vốn, hoạt động vay vốn cũng được gắn liền với công tác hội. Đó là khuyến khích hội viên phát triển liên kết sản xuất, kinh tế tập thể, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới; ưu tiên hỗ trợ các mô hình, dự án đã được thẩm định về tính khả thi, có kế hoạch sử dụng vốn cụ thể, phù hợp...

Chủ tịch Hội ND huyện Đầm Hà - Nguyễn Hồng Thanh cho biết: Hiện nay trên địa bàn huyện Đầm Hà có 10 dự án được vay vốn từ Quỹ HTND, với tổng số tiền trên 5,2 tỷ đồng. Nguồn quỹ đã giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế. Cùng với việc hỗ trợ các mô hình chăn nuôi, những năm qua Quỹ HTND của Hội ND huyện Đầm Hà còn cho nhiều hộ dân vay vốn phát triển trồng trọt. Thời gian tới, Hội ND huyện Đầm Hà tiếp tục vận động nông dân liên kết thành lập HTX, xây dựng phương án sản xuất hiệu quả thông qua các dự án vay vốn Quỹ HTND.

Cùng với giải ngân vốn vay Quỹ HTND đúng đối tượng, các cấp Hội ND trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh còn tích cực phối hợp tổ chức các lớp tập huấn Quỹ HTND nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội cơ sở. Cuối tháng 10 vừa qua, gần 50 đại biểu là lãnh đạo Hội ND các xã, phường, đại diện chi hội nông dân và tổ trưởng các tổ vay vốn trên địa bàn TX Đông Triều đã được tham gia khóa tập huấn nghiệp vụ Quỹ HTND và hoạt động ủy thác với ngân hàng. Tham gia tập huấn, các đại biểu đã được phổ biến, hướng dẫn những kỹ năng về quản lý, kiện toàn Ban Điều hành Quỹ HTND; quản lý thu, chi tài chính quỹ, phí ủy thác; quản lý lưu trữ hồ sơ, sổ sách chứng từ; quy trình cho vay, xác minh đối tượng vay vốn, thu hồi nợ gốc; xử lý nợ quá hạn, nợ xấu; hoạt động ủy thác...

Xây dựng các mô hình liên kết sản xuất

Theo lãnh đạo Hội ND thị xã Đông Triều, hoạt động này được Hội ND thị xã tổ chức hằng năm nhằm nâng cao năng lực quản lý của Hội ND các cấp trong việc quản lý Quỹ HTND và thực hiện các nguồn vốn vay ủy thác với ngân hàng. Qua đó, thực hiện đúng các quy trình cho vay, tránh xảy ra vi phạm và đảm bảo cho vay đúng đối tượng, sử dụng vốn đúng mục đích, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Hiện Hội ND thị xã Đông Triều đang phối hợp với các ngân hàng thực hiện ủy thác, tín chấp cho hội viên vay vốn sản xuất, kinh doanh với tổng nguồn vốn ủy thác qua các ngân hàng lên đến hơn 530 tỷ đồng. Nguồn vốn Quỹ HTND cũng được Hội ND thị xã quan tâm phát triển hằng năm.

Hiện nay, Hội ND tỉnh Quảng Ninh đang quản lý cho vay Quỹ HTND trên 86,5 tỷ đồng, với 1.234 hộ vay. Các hộ nông dân được vay vốn tập trung ở những lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, trồng cây công nghiệp, cây gỗ lớn có hiệu quả kinh tế cao, nông nghiệp hữu cơ, VietGAP, dự án có liên kết sản xuất. Nhằm hướng tới xây dựng khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiên tiến, hiện đại, Hội ND tỉnh Quảng Ninh cũng quán triệt 100% các dự án vay vốn đều phải là mô hình liên kết, gắn với thành lập các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, các CLB nông dân theo ngành nghề; áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất. Từ đây, quy mô vay vốn cũng được nâng lên tối thiểu từ 500 triệu đồng, khuyến khích các dự án trên 1 tỷ đồng.