Theo cơ quan chức năng, sáng 1/3, Trung tâm thông tin chỉ huy Công an Hà Nội nhận tin báo từ người dân về việc có một ô tô biển số tỉnh Vĩnh Phúc đỗ trên cầu Đông Trù nhưng không thấy người bên trong hoặc trông giữ xe.
Người dân nghi có người nhảy cầu tự tử nên báo lực lượng chức năng. Trung tâm thông tin chỉ huy sau đó đã điều động lực lượng cứu nạn cứu hộ và lực lượng Cảnh sát 113 Long Biên tổ chức xác minh thông tin và tìm kiếm.
Đến 11h cùng ngày, lực lượng chức năng xác định chị N.T.T.H. (trú tại xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) là người điều khiển chiếc xe ô tô trên, chở 3 con trai đến cầu Đông Trù.
Sau đó, 4 mẹ con xuống xe bỏ đi, mục đích là chị H. muốn dọa chồng chứ không có ý định nhảy cầu tự tử. Chị H. đã gọi điện báo cho gia đình chồng biết 4 mẹ con vẫn an toàn.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, pháp luật quy định trường hợp hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được, ly hôn là giải pháp tích cực nhất và pháp luật cho phép.
Ngoài ra, dù mâu thuẫn vợ chồng có ở mức độ nào chăng nữa, nghĩa vụ chăm sóc bảo vệ con cái cũng không được vi phạm, vợ chồng càng mâu thuẫn càng phải yêu thương quan tâm đến các con hơn, phải có trách nhiệm đối với các con, bù đắp cho con nhiều hơn.
Hành vi "giận cá chém thớt", vì mâu thuẫn mà mang con đi tự tử là hành vi vi phạm pháp luật và rất đáng lên án, cho dù đó chỉ là ý định, suy nghĩ trong đầu hay dựng chuyện để dọa chồng cũng cũng không nên thực hiện để đảm bảo duy trì hạnh phúc gia đình, bảo vệ tính mạng cho những người thân.
"Nếu vì mẫu thuẫn vợ chồng mà đe dọa giết con, mang con đi tự tử khiến cho con và những người thân trong gia đình lo sợ sự việc có thể xảy ra, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đe dọa giết người, mặc dù hành vi chưa thực hiện, hậu quả chưa xảy ra" – ông Cường nói.
Nói về sự việc trên, vị chuyên gia cho biết, cơ quan chức năng sẽ làm rõ trong vụ việc có hành vi đe dọa giết người hay không, có hành vi xúi giục người khác tự sát hay không để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội đe dọa giết người, cơ quan chức năng sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đã thực hiện hành vi đe dọa giết người (giết con), hoặc xúi giục con tự sát..
Còn trường hợp kết quả xác minh cho thấy không có hành vi đe dọa giết người, xúi giục hoặc giúp đỡ người khác tự sát, cơ quan chức năng vẫn có thể xử lý về hành vi đưa thông tin sai sự thật bằng chế tài hành chính.
Hành vi đưa thông tin sai sự thật về việc tự tử sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, mức xử phạt có thể đến 3 triệu đồng.
Cơ quan chức năng sẽ làm rõ trong vụ việc này có hành vi đưa thông tin sai sự thật hay không, ai là người đưa và phương thức đưa thông tin sai sự thật như thế nào để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
"Vụ việc khiến cơ quan chức năng phải bố trí một lực lượng rất đông để truy tìm nên đây là hành vi rất đáng trách" – vị chuyên gia nói.