Làm hoa bằng tiền Việt Nam có vi phạm pháp luật?

Phi Long Thứ bảy, ngày 02/03/2024 09:32 AM (GMT+7)
Luật sư Nguyễn Phương Anh – Văn phòng luật sư Hoàng Hưng-Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã chia sẻ dưới góc độ pháp lý việc làm hoa bằng tiền Việt Nam.
Bình luận 0

Ngoài hoa tươi, hoa bằng giấy, lụa... thời gian gần đây trên thị trường xuất hiện những bó hoa được làm bằng tiền Việt Nam với nhiều mệnh giá và cách bày trí khác nhau.  

Đặc biệt là gần tới dịp các ngày Lễ tình nhân, Ngày 8/3…. các bó hoa bằng tiền Việt Nam lại được quảng bá nhiều hơn. Nhiều người thắc mắc làm hoa bằng tiền Việt Nam như vậy có phạm pháp hay không?

Làm hoa bằng tiền Việt Nam có vi phạm pháp luật?- Ảnh 1.

Làm hoa bằng tiền Việt Nam có vi phạm pháp luật?. Ảnh minh hoạ

Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này, luật sư Nguyễn Phương Anh – Văn phòng luật sư Hoàng Hưng-Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết: Tại Điều 3, Quyết định 130/QĐ-Ttg quy định về những hành vi bị nghiêm cấm như sau:

1. Làm tiền giả, vận chuyển, tàng trữ, lưu hành, mua, bán tiền giả.

2. Hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào.

3. Sao chụp tiền Việt Nam với bất kỳ mục đích nào không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước.

4. Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành trong lãnh thổ Việt Nam.

Như vậy, dù pháp luật hiện hành không có quy định cấm làm hoa bằng tiền Việt Nam. Tuy nhiên, nếu việc làm hoa bằng tiền Việt Nam mà cắt, xé, dán… dẫn đến tiền Việt Nam bị hủy hoại thì đây là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử lý theo các quy định như sau:

Đối với cá nhân:

Khoản 3, khoản 5 Điều 31 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (sau đây gọi là Nghị định số 88/2019/NĐ-CP) quy định về vi phạm quy định về bảo vệ tiền Việt Nam như sau:

"3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật.

....

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này, giao cơ quan có thẩm quyền xử lý."

Đối với tổ chức:

Điểm b, Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP quy định về hình thức xử phạt, mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền và biện pháp khắc phục hậu quả, theo đó mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền như sau:

"b) Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân;".

LS. Nguyễn Phương Anh cũng cho biết, tại Điều 4, Quyết định 130/QĐ-Trong cũng quy định quyền và trách nhiệm bảo quản tiền Việt Nam trong quá trình quản lý, sử dụng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem