Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London nối tiếp xu hướng tăng. Kỳ hạn giao tháng 5 tăng thêm 48 USD, lên 3.143 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 tăng thêm 31 USD, lên 3.057 USD/tấn, các mức tăng khá. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York đảo chiều giảm. Kỳ hạn giao tháng 5 giảm 1,05 cent, xuống 183,30 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 giảm 1,30 cent, còn 181,40 cent/lb, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch duy trì khá cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay tăng 300 - 500 đồng/kg. Các địa phương đang thu mua cà phê với giá trong khoảng 84.500 - 85.200 đồng/kg. Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng có giá thấp nhất là 84.500 đồng/kg - tăng 500 đồng/kg, tiếp đến là tỉnh Gia Lai với giá 84.900 đồng/kg - tăng 400 đồng/kg. Tỉnh Đắk Lắk có giá là 85.000 đồng/kg và tỉnh Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch là 85.200 đồng/kg, lần lượt tăng 300 đồng/kg và 500 đồng/kg.
DXY tăng mạnh đã làm đà tăng hồi phục của sàn London bị chững lại ngay từ giữa phiên, chỉ đến khi gần cuối phiên giá cà phê Robusta mới lấy lại được màu xanh khi DXY sụt giảm trở lại. Giá cà phê Robusta hồi phục trở lại do nguồn cung từ các nhà sản xuất chính ở khu vực Đông Nam Á vẫn có giá cao ngất ngưởng. Nếu cà phê Sumatra loại 4, có 80 hạt lỗi, của Indonesia được chào bán với giá chênh lệch cộng lên tới 700 – 800 USD/tấn trong tuần này thì giá cà phê Robusta nhân xô tại thị trường nội địa Việt Nam vẫn duy trì xu hướng giá tăng, kể cả khi giá kỳ hạn London hiệu chỉnh.
Trong khi đó, sàn New York vẫn ngụp lặn trong sắc đỏ với báo cáo xuất khẩu tháng 2 của Honduras tăng hơn 26% so với cùng kỳ đạt 932.678 bao đã gây sức ép lên giá kỳ hạn New York. Được biết, Honduras là nhà sản xuất Arabica chế biến ướt chất lượng cao lớn nhất khu vực Trung Mỹ, từ lâu đã thay thế Colombia để giữ vai trò là nguồn cung chính trên sàn ICE – US, cho nên thông tin cung – cầu từ Honduras thường gây tác động lớn lên giá Arabica kỳ hạn.
Tổng cục Thống kê Việt Nam ước báo xuất khẩu cà phê trong tháng 2 chỉ đạt 160.000 tấn, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm trước, đã khiến thị trường tiêu thụ toàn cầu lo lắng thiếu hụt nguồn cung, trong bối cảnh tồn kho ICE – Europe vẫn còn quanh quẩn ở mức thấp kể từ 2014.
Báo cáo chỉ số PCE của Mỹ thấp hơn kỳ vọng đã khiến thị trường dấy lên suy đoán khả năng Fed sẽ mạnh tay trong vấn đề lãi suất để ngăn chặn đà lạm phát có khả năng bùng nỗ trở lại ngay trong phiên họp tháng 3 này. Sự dịch chuyển dòng vốn đầu cơ đã làm DXY tăng giảm thất thường kéo theo sự biến động giá cả mạnh mẽ trên các sàn hàng hóa được thanh toán bằng “đồng bạc xanh” nói chung.
Viện Khí tượng Thủy văn của Việt Nam đã cảnh báo, hiện tượng thời tiết El Nino có khả năng đem lại thời tiết khô hạn khiến mùa khô năm nay tại các vùng trồng cà phê chính của Việt Nam càng gay gắt hơn.
Báo cáo 6 tháng công bố vào ngày 21/12/2023, Cơ quan Dịch vụ nông nghiệp nước ngoài (FAS) của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã dự đoán rằng sản lượng cà phê thế giới vào năm 2023/24 sẽ tăng 4,2% so với cùng kỳ lên 171,4 triệu bao, với sản lượng cà phê Arabica tăng 10,7% lên 97,3 triệu bao và sản lượng cà phê Robusta giảm 3,3% xuống còn 74,1 triệu bao.
Theo dự báo của FAS, tồn kho cuối niên vụ 2023/24 sẽ giảm 4,0% xuống 26,5 triệu bao từ 27,6 triệu bao trong niên vụ 2022-23, sản lượng cà phê Arabica niên vụ 2023/24 của Brazil sẽ tăng 12,8% so với cùng kỳ lên 44,9 triệu bao do năng suất cao hơn và diện tích trồng tăng. Tuy nhiên, nguồn cung cà phê Robusta khan hiếm từ Việt Nam.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Thống kê, lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, lượng cà phê xuất khẩu ước đạt 398 nghìn tấn, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2023; kim ngạch đạt 1,25 tỷ USD, tăng 67,5%.
Giá cà phê xuất khẩu trung bình trong tháng 2/2024 tăng tháng thứ 2 liên tiếp và đạt mức cao nhất trong 4 tháng qua, ước đạt 3.276 USD/tấn, tăng 7,4% so với tháng trước và tăng 50,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, giá cà phê xuất khẩu trung bình đạt 3.140 USD/tấn, tăng 44,1% so với cùng kỳ năm 2023.