Tại hội nghị, UBND quận 1 kiến nghị UBND TP.HCM tiếp tục quan tâm, hỗ trợ kêu gọi nhà đầu tư chiến lược, có tiềm năng thực hiện đầu tư dự án tứ giác Nguyễn Cư Trinh (còn gọi là khu Mả Lạng).
Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, dự án khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh là một dự án phức tạp, có nhiều vướng mắc và trải qua nhiều thời kỳ. Trước đây, dự án đã được thu hồi và hiện tại, TP.HCM đang thực hiện thủ tục đấu thầu mới.
Vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định 23/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực liên quan đến công tác đấu thầu.
Do đó, Sở KH&ĐT sẽ phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan để sớm triển khai công tác đầu thầu để đưa vào đầu tư, chỉnh trang khu vực này.
Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh được UBND TP.HCM có chủ trương chỉnh trang từ năm 2000, giao cho Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn làm chủ đầu tư nhưng sau đó không thực hiện được. Đến năm 2007, TP đã có chủ trương giao cho Tập đoàn Bitexco đầu tư để biến khu vực này thành một khu phức hợp hiện đại. Tuy nhiên, dự án này đã "treo" hàng chục năm nay.
Tháng 3/2023, Ban Cán sự đảng UBND TP.HCM đã có kết luận về việc thu hồi, chấm dứt chủ trương đầu tư dự án khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh. Sau khi dự án được thu hồi, Sở KH&ĐT được giao tham mưu UBND TP thành lập tổ công tác rà soát thực hiện dự án này và dự án khu tam giác Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học.
Tổ công tác khẩn trương làm việc, đề xuất UBND TP về phương thức thực hiện dự án trong quý II/2023, đảm bảo khả thi, đúng quy định pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo tối đa quyền lợi của người dân.
TP.Thủ Đức kiến nghị TP.HCM có chủ trương cho phép khai thác quỹ đất của người dân, doanh nghiệp chưa thực hiện theo quy hoạch được duyệt trên cơ sở vận dụng Kết luận 14/2021 của Bộ Chính trị.
Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP.Thủ Đức cho biết, quỹ đất của người dân còn rất nhiều trong khi quy hoạch chưa triển khai, khiến người dân phải "phơi" đất. Đơn cử như ở phường Long Phước và một số phường khác, quy hoạch đã có nhưng chưa đền bù, người dân không làm được gì.
Ông Hưng cho rằng đây là việc sử dụng không hiệu quả tài nguyên đất, kiến nghị cần có cơ chế cho người dân khai thác quỹ đất đó để tăng thu nhập, thu hồi vốn.
Chủ tịch UBND quận 7 Hoàng Minh Tuấn Anh đề nghị Sở GD-ĐT, Sở Xây dựng nghiên cứu để gỡ vướng về quy định "nâng chuẩn" của Bộ GD-ĐT từ 6-8m² đất/học sinh lên 10-12m² đất/học sinh.
Việc "nâng chuẩn" này làm ảnh hưởng lớn đến các trường xây dựng mới, các trường mầm non, nhất là ở khu vực trung tâm khó có đủ quỹ đất để đầu tư trường đúng theo quy định mới. Bởi lẽ, khi trường cũ được xây dựng lại, diện tích tăng lên đồng nghĩa với số lớp giảm 50%, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân.
Về giải ngân vốn đầu tư công, ông Hoàng Minh Tuấn Anh đề nghị Sở Quy hoạch Kiến trúc nghiên cứu cung cấp cho các địa phương phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cục bộ 1/2000 đối với các dự án đầu tư công. Nếu thực hiện tốt việc này, các quận, huyện mới giải ngân được đầu tư công.
Tại hội nghị, Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh đến việc thực hiện Nghị quyết 98, đặc biệt là tập trung giải ngân đầu tư công. Chủ tịch TP Phan Văn Mãi đề nghị sở, ngành, địa phương thí điểm chọn một số công trình, làm việc lại với nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ thi công.
Đi sâu vào một số nhiệm vụ cụ thể, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đề nghị quận 1, quận 7 và một số quận trung tâm TP phải đi đầu trong việc thu phí lòng lề đường, chọn 1-2 tuyến đường để thí điểm, tập trung.
Huyện Cần Giờ phải hoàn thành quy hoạch vùng huyện trong nửa đầu tháng 3, thúc đẩy các dự án lớn sắp triển khai trong thời gian tới. Một trong những việc rất quan trọng là hoàn thiện đề án phát triển Cần Giờ xanh, tạo ra cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư tư nhân.