Thời Tam Quốc có rất nhiều anh hùng hào kiệt, tướng tài xuất hiện. Trong số đó, Gia Cát Lượng (tự Khổng Minh) nổi bật hơn cả khi không phải người có võ công cao cường nhưng vẫn được tất cả mọi người nể phục. Ông nổi tiếng nhờ sự túc trí đa mưu, cách nhìn người và tiên đoán thời vận. Dưới con mắt của Gia Cát Lượng, lúc bấy giờ có 4 mãnh tướng tài giỏi bậc nhất. Điều gây bất ngờ là danh sách này không hề có mặt Quan Vũ hay Trương Phi.
Hướng Sùng (? – 240) là vị tướng nhà Thục Hán. Mới đầu Hướng Sùng chỉ là võ tướng tầng trung, ít khi được xuất hiện. Nhưng đến năm Chương Võ thứ 20 (223), Hướng Sùng bỗng nổi bật lên hẳn sau trận Di Lăng.
Vị tướng này ung dung chỉ huy đội quân của mình. Đáng nói, quân đội đó hầu như không có thương vong, cũng là điểm sáng duy nhất trong trận Di Lăng. Thành thích của Hướng Sùng khiến Gia Cát Lượng ấn tượng.
Cụ thể, Gia Cát Lượng nói về mãnh tướng này như sau: “Tướng quân Hướng Sùng, tính tình đức hạnh, hiểu rõ việc quân, được mài giũa qua việc ngày trước, Tiên đế khen là có năng lực, mọi người tiến cử Sùng làm đốc. Thần cho rằng việc trong quân doanh, nên cùng hắn bàn bạc, nhất định khiến quân đội hòa thuận, phối trí thích đáng. Nhờ đó, Sùng được thăng chức Trung lĩnh quân, chủ trì cấm quân, tuyển chọn, giám sát các tướng lĩnh”.
Nên nhớ, cả đời mình Khổng Minh chỉ đề cử Hướng Sùng cho Lưu Thiện mà thôi. Đây có thể coi là vị tướng mà vị chính trị gia này tâm đắc, tán thưởng nhất.
Khương Duy (202 – 264) là quan dưới trướng Tào Ngụy. Vì một số lý do mà ông đành phải hàng Thục Hán và về làm thân tín của Gia Cát Lượng, sau này là Tưởng Uyển, Phí Y. Tuy nhiên, chính vị tướng này đã điều binh tấn công Tào Ngụy, thực hiện di nguyện khôi phục nhà Hán của Khổng Minh. Dù không làm nên chuyện nhưng ông vẫn được đánh giá là người kiên trung.
Trong “Khương Duy truyện” chép rằng: “Gia Cát Lượng nói với Trưởng sử Trương Duệ, Tham quân Tưởng Uyển: "Khương Bá Ước trung thành, chăm chỉ, suy nghĩ thấu đáo, Lý Thiệu, Mã Lương cũng không sánh được, quả là kẻ sĩ đất Lương Châu". Lại khen "Khương Bá Ước có kiến thức về quân sự, lại gan dạ, hiểu đạo lý, được lòng binh sĩ. Người này có lòng với Hán thất, tài cán hơn người. Trước tiên để hắn huấn luyện 5, 6 ngàn quân tinh nhuệ, giao việc quân sự cho hắn, rồi dẫn về cung diện kiến Thiên tử”.
Dù không phải chủ đầu tiên của Khương Duy, nhưng Gia Cát Lượng vẫn đánh giá rất cao vị tướng này vì sự tài năng, trung thành của ông nên mới trọng dụng như vậy.
Triệu Vân (168 – 229) là một trong những vị tướng nổi bật thời Tam Quốc. Ông chưa từng bại trận khi đấu đối kháng, hễ ra quân là vẻ vang trở về. Binh sĩ Thục Hán nể phục Triệu Vân mà gọi ông là “Hổ uy tướng quân”.
Khổng Minh vô cùng coi trọng Gia Cát Lượng, trước trận Xích Bích, nhờ vị tướng này tiếp ứng mà ông mới thoát được. Sau này, khi Lưu Bị đến Đông Ngô đón dâu, Khổng Minh đã giao cho Triệu Vân nhiệm vụ bảo vệ quân chủ và dĩ nhiên mãnh tướng không hề phụ sự ủy thác.
Xuyên suốt bộ Tam Quốc, Triệu Vân là cánh tay phải trợ giúp cho Khổng Minh. Đến khi già rồi ông vẫn tháp tùng Khổng Minh ra trận đánh Ngụy. Dẫu cho thất bại, Gia Cát Lượng vẫn dành lời khen cho vị tướng tài này, nhận định nhờ ông mà binh sĩ rút lui kỷ luật, hạn chế tổn thất.
Vương Bình (183 – 248) là tướng từng phục vụ cả Tào Ngụy lẫn Thục Hán. Dưới trướng Lưu Bị, ông là người tâm phúc, có nhiều công trạng. Sau khi Lưu Bị mất, năm 228 Gia Cát Lượng đưa quân đi đánh Ngụy. Bấy giờ ông sai Mã Tốc làm chánh tướng, Vương Bình là phó tướng ra trấn thủ Nhai Đình, một vùng trọng yếu chiến lược.
Mã Tốc vì khinh địch mà bị Trương Cáp đánh bại. Nhưng Vương Bình thì uy dũng chiến đấu đến mức quân Ngụy không dám ồ ạt tấn công. Cuối cùng, vị tướng này cũng được thăng chức vượt bậc, thống lĩnh 5 cánh quân.
Trước khi qua đời, Khổng Minh từng căn dặn nhiều điều. Ông đặc biệt nhắc đến Vương Bình, đánh giá mãnh tướng này là người cần phải được giữ lại và trọng dụng. Điều đó đủ để cho thấy ông tin tưởng, coi trọng Vương Bình ra sao.