Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London nối tiếp xu hướng tăng. Kỳ hạn giao tháng 5 tăng thêm 48 USD, lên 3.143 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 tăng thêm 31 USD, lên 3.057 USD/tấn, các mức tăng khá. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York đảo chiều giảm. Kỳ hạn giao tháng 5 giảm 1,05 cent, xuống 183,30 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 giảm 1,30 cent, còn 181,40 cent/lb, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch duy trì khá cao trên mức trung bình.
Giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay dao động trong khoảng 84.500 - 85.200 đồng/kg. Giá cà phê tuần qua ghi nhận xu hướng tăng. So với đầu tuần, các tỉnh thành đã ghi nhận mức tăng tổng cộng 2.500 - 2.700 đồng/kg.
Trong đó, tỉnh Lâm Đồng có mức giá thấp nhất là 84.500 đồng/kg - tăng 2.700 đồng/kg. Kế đến là tỉnh Gia Lai với 84.900 đồng/kg - tăng 2.600 đồng/kg. Cùng mức tăng trên, tỉnh Đắk Nông đang có giá cà phê cao nhất là 85.200 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, tỉnh Đắk Lắk có giá 85.000 đồng/kg, tăng 2.500 đồng/kg.
Giá cà phê trong nước tháng 2/2024 có diễn biến tăng mạnh với mức tăng 4.000 – 4.500 đồng, đưa giá các vùng nguyên liệu chủ chốt đạt 82.700 – 83.500 đồng/kg. Giá đã chạm mức đỉnh lịch sử trên 84.000 đồng/kg trong phiên 28/2/2024.
Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong nửa đầu tháng 2/2024, cả nước xuất khẩu gần 57.000 tấn cà phê, thu về 184,4 triệu USD. Tính chung từ đầu năm đến 15/2, lượng cà phê xuất khẩu đạt gần 295.000 tấn, kim ngạch đạt 911 triệu USD.
VICOFA dự báo, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong năm 2024 có thể đạt từ 4,5 - 5 tỷ USD, mức kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu.
Trên thị trường thế giới, tính chung cả tháng 2/2024, hai sàn giao dịch đồng loạt sụt giảm. Giá Robusta kỳ hạn tháng 5/2024 trên sàn London giảm 7,39% chốt ở 3.044 USD/tấn; giá Arabica giao cùng kỳ hạn trên sàn New York giảm 6,39% chốt ở 181,8 US cent/lb.
EU quy định cà phê vào thị trường phải đáp ứng Quy định chống phá rừng (EUDR, do đó ảnh hưởng đến giá cà phê bởi nhiều nước vẫn chưa kịp chuẩn bị các thủ tục đáp ứng yêu cầu.
Dữ liệu báo cáo của sàn London cho thấy tồn kho cà phê Robusta ngày 27/2 đã tăng thêm 1.250 tấn, tương đương 5,47% lên ở mức 24.090 tấn (khoảng 401.500 bao, loại 60 kg), ghi nhận chủ yếu là cà phê có xuất xứ từ Brazil.
Hiệp hội Xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe) mới đây cho biết các nhà sản xuất nước này tỏ ra quan tâm đặc biệt tới thị trường Trung Quốc trong bối cảnh doanh số cà phê Brazil xuất khẩu sang nền kinh tế lớn nhất châu Á này trong năm ngoái đạt mức cao kỷ lục.
Chủ tịch Cecafe cho biết các doanh nghiệp sản xuất cà phê của nước này đánh giá doanh số bán hàng sang Trung Quốc sẽ ở mức vô cùng tích cực cho năm 2024, cả về khối lượng và tỷ lệ phần trăm thị phần.
Ông Ferreira nhấn mạnh Cecafe đang tăng cường các hoạt động thương mại để mở rộng sự hiện diện của cà phê Brazil tại thị trường Trung Quốc, trong đó hiệp hội này ưu tiên đầu tư nhiều hơn vào quảng bá hình ảnh và tiếp thị, cùng với đó là tập trung vào chất lượng và tính bền vững của các loại sản phẩm cà phê xuất khẩu.