Dân Việt

Bất động sản công nghiệp liệu còn "sống khỏe" trong năm 2024?

Thái Nguyễn 03/03/2024 14:35 GMT+7
Phân khúc bất động sản công nghiệp năm 2024 vẫn được dự đoán "tỏa sáng" giữa xu hướng khó khăn của bất động sản nói chung. Trong đó, một số tỉnh phía Bắc giáp Hà Nội hứa hẹn vẫn là nơi thu hút mạnh dòng vốn FDI.

Các tỉnh phía Bắc nhiều lợi thế phát triển bất động sản công nghiệp

Tại khu vực phía kinh tế trọng điểm phía Bắc, Bắc Ninh là tỉnh nổi bật về thu hút đầu tư và có lợi thế phát triển bất động sản công nghiệp. Theo Cục thống kê tỉnh Bắc Ninh, năm 2023, thu hút mới vốn FDI vào các khu công nghiệp tại tỉnh đạt 1,104 tỷ USD (vượt 163,7% so với năm 2022). Bắc Ninh không chỉ thu hút các doanh nghiệp sản xuất và logistics, mà còn từ các chủ đầu tư cho thuê trong nước và nước ngoài. Hoạt động đầu tư bất động sản diễn ra sôi động trên toàn tỉnh, đặc biệt là khu vực Yên Phong.

Không chỉ tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc cũng là một thị trường bất động sản công nghiệp đáng chú ý. Hiện tại, có nhiều hoạt động đầu tư đang diễn ra âm thầm tại đây, và sẽ có thêm nhiều thông tin về các nhà đầu tư nước ngoài khởi công dự án tại Vĩnh Phúc trong năm 2024.

Bất động sản công nghiệp liệu còn "sống khỏe" trong năm 2024?- Ảnh 1.

Năm 2024, Vĩnh Phúc là một trong những thị trường bất động sản công nghiệp được nhà đầu tư chú ý (Ảnh: TN)

Theo Savills, tỷ lệ sử dụng đất tại các tỉnh phía nam Hà Nội: như Hưng Yên và Hà Nam đang cho thấy tín hiệu cực kỳ tích cực. Giá đất cạnh tranh mở ra cánh cửa mới cho các quỹ đầu tư, giúp họ tận dụng sớm những cơ hội sinh lời hấp dẫn. Bên cạnh đó, nguồn lao động dồi dào, vị trí gần thị trường tiêu thụ chính, thuận lợi tiếp cận cảng biển đi kèm cơ sở hạ tầng giao thông hoàn thiện cũng là những yếu tố củng cố sức hút của khu vực này.

Trong thời gian sắp tới, các thị trường sẽ ghi nhận mức phát triển nổi bật về bất động sản công nghiệp sẽ là các tỉnh nằm tại phía Nam của Hà Nội như: Nam Định và Thái Bình. Những tỉnh này đã nổi tiếng trong lĩnh vực đầu tư về dệt may nhưng những tháng gần đây đã chứng kiến các khoản đầu tư đối với công nghiệp có giá trị cao hơn.

Đối với lĩnh vực thu hút được lượng đầu tư lớn tại các tỉnh phía Bắc, Công nghệ cao và điện tử là lĩnh vực ghi nhận mức đầu tư liên tục từ các nhà cung ứng sản xuất cho các "ông lớn" về công nghệ trên thế giới. 

Còn theo CBRE, năm 2023, bất động sản công nghiệp đã đạt được những kết quả tích cực dù nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt nhiều thách thức. Khu vực phía Bắc ghi nhận tỷ lệ lấp đầy trên 80%, còn phía Nam khoảng 92%. Trong đó, diện tích hấp thụ tại thị trường miền Bắc đạt mức cao nhất trong 5 năm qua, vượt 800 ha, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước đó. Thị trường miền Nam, do quỹ đất công nghiệp tương đối hạn chế, có diện tích hấp thụ thấp hơn 32% so với cùng kỳ 2022, đạt khoảng 500 ha.

Luật Đất đai 2024 tác động tích cực tới thị trường bất động sản công nghiệp

Các chuyên gia nhận định, bất động sản công nghiệp kỳ vọng tăng trưởng năm 2024 nhưng đối với các dự án chưa hoàn thành pháp lý cần đẩy nhanh giải phóng mặt bằng dự án để nắm bắt cơ hội trước khi Luật Đất đai mới có hiệu lực từ ngày 01/1/2025. Trong đó, Luật Đất đai 2024 được thông qua mới đây đã bỏ khung giá đất, quy định này được đánh giá ít nhiều sẽ khiến giá đền bù đất bám sát với giá thị trường. Với bất cứ ngành nghề nào, chi phí đầu vào tăng thì cũng đều khiến giá thành tăng theo.

Do đó, bất động sản công nghiệp năm 2024 sẽ có 2 xu hướng xuất hiện trên thị trường. Thứ nhất, các chủ đầu tư có năng lực, nguồn tiền sẵn sẽ tập trung triển khai đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án đã có chủ trương đầu tư. Thứ hai, một số doanh nghiệp sẽ hướng đến M&A các dự án đang bị ngộp dòng tiền để nắm bắt cơ hội.

Bất động sản công nghiệp liệu còn "sống khỏe" trong năm 2024?- Ảnh 2.

Luật Đất đai 2024 sẽ tác động tới giá bất động sản công nghiệp (Ảnh: TN)

Ngoài ra, ông Thomas Rooney, Quản lý Cấp cao, Bộ phận Tư vấn Công nghiệp, Savills Hà Nội cho biết, việc ký kết của các Hiệp định Thương mại Quốc tế, các chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ và bức tranh kinh tế tổng thể của Việt Nam là những thỏi “nam châm” thu hút đầu tư từ đa dạng các ngành nghề tới Việt Nam. 

"Về nhu cầu của các doanh nghiệp khá đơn giản, ví dụ, các doanh nghiệp chế xuất cần có cơ sở hạ tầng tốt để có thể tiếp cận các cảng, biên giới và sân bay lớn, ưu đãi thuế hấp dẫn và vị trí gần các nhà cung cấp đối tác", ông Thomas Rooney chia sẻ.

Ông Thomas Rooney cũng cho rằng để có thể đầu tư bất động sản công nghiệp hiệu quả tại Việt Nam, nhà đầu tư cần lưu ý 3 vấn đề. Thứ nhất, hiểu rõ quy trình cấp phép và thời gian nhận giấy chứng nhận đầu tư. Thời gian cấp phép có thể khác nhau tùy theo từng tỉnh, thành phố.

Thứ hai, nghiên cứu kỹ lưỡng về bối cảnh tuyển dụng, Việt Nam có thế mạnh về nhân công, nhưng cũng có thể có những thách thức đối với lao động lành nghề ở một số khu vực nhất định.

Thứ ba, tránh tự giới hạn bản thân bằng việc chỉ hợp tác với một hoặc hai chủ đầu tư dự án. Các nhà đầu tư nên sử dụng dịch vụ của một công ty môi giới công nghiệp uy tín, có kinh nghiệm để có được góc nhìn tổng quan đầy đủ về thị trường, tiếp cận với mọi lựa chọn đầu tư tiềm năng và được hỗ trợ tất cả các phân tích kỹ thuật và bảo vệ lợi ích trong đàm phán thương mại.