Dự án hợp tác Việt-Úc mới nhằm tiếp tục các nỗ lực bảo vệ môi trường tại Vịnh Xuân Đài, vùng nuôi trồng thủy sản quan trọng của Phú Yên, đa phần là nuôi tôm hùm xuất khẩu mang lại giá trị cao.
Với diện tích tự nhiên hơn 13.000ha, vịnh Xuân Đài nằm trên địa bàn thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An. Đại học Công nghệ Sydney cho biết hệ thống giám sát đang triển khai tại vịnh không được dành riêng cho địa điểm cụ thể nào để bảo đảm tính tổng thể.
Được công bố lần đầu để giúp phát triển ngành thủy sản Phú Yên vào tháng 3/2020, hệ thống bảo vệ môi trường này gồm các hoạt động theo dõi nhiệt độ, độ axit, amoniac, oxy hòa tan, độ mặn và độ đục của nước để cung cấp dữ liệu theo thời gian thực cho người nuôi thủy sản. Hệ thống cũng có khả năng chịu được các điều kiện thời tiết khắc nghiệt và đưa ra những cảnh báo giúp nông dân có thể quyết định kịp thời.
Giáo sư Eryk Dutkiewicz từ Đại học Công nghệ Sydney (chịu trách nhiệm giám sát chính cho dự án hợp tác của 2 đại học) giải thích ý nghĩa của dự án trong 1 thông cáo từ trường ông: "Nuôi trồng thủy sản rất quan trọng ở Việt Nam và mang lại thu nhập 11 tỷ đô-la Úc, tương đương 7,2 tỷ USD mỗi năm. Dù nuôi trồng thủy sản có thể đem lại nhiều thứ cho đời sống người nông dân và các khu vực của họ nhưng công việc này không phải lúc nào cũng chắc chắn".
Chia sẻ cùng giáo sư Dutkiewicz trong thông cáo này, ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên cho biết: "Dữ liệu từ hệ thống giám sát nước biển theo thời gian thực cho phép chính quyền địa phương đánh giá và lập kế hoạch nuôi trồng thủy sản, cùng các hoạt động khác gồm cả du lịch được tốt hơn để hướng tới các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội bền vững. Đồng thời cũng nhằm bảo vệ môi trường và ứng phó với hậu quả của biến đổi khí hậu toàn cầu, đặc biệt là ở các khu vực ven biển".