Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London hiệu chỉnh sau ba phiên tăng liên tiếp. Kỳ hạn giao tháng 5 giảm 9 USD, xuống 3.180 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 giảm 5 USD, còn 3.100 USD/tấn, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng giảm. Kỳ hạn giao tháng 5 giảm 3,55 cent, xuống 183,35 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 giảm 3,10 cent, còn 181,40 cent/lb, các mức giảm khá. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê hôm nay tại các tỉnh Tây Nguyên quay đầu giảm nhẹ. Cụ thể, giá cà phê hôm nay tại Lâm Đồng giảm 200 đồng/kg xuống mức 86.000 đồng/kg - thấp nhất trong các địa phương khảo sát. Giá cà phê hôm nay tại Gia Lai giảm 200 đồng/kg, xuống mức 86.600 đồng/kg; tại Đắk Lắk giảm 200 đồng/kg xuống mức 86.800 đồng/kg. Trong khi đó, giá cà phê hôm nay tại Đắk Nông giảm 200 đồng/kg, xuống mức 86.900 đồng/kg - cao nhất cả nước.
Lo ngại với khoản nợ ngân sách lên tới 34 nghìn tỷ USD và vị tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk bị soán ngôi cho thấy thị trường chứng khoán Mỹ đang chảo đảo dữ dội, dòng vốn đầu cơ dịch chuyển tìm nơi trú ẩn an toàn khiến phần lớn giá cả hàng hóa sụt giảm.
Trong khi Chính phủ Trung Quốc quyết tâm đưa GDP tăng trưởng ở mức 5%/năm bằng cách phát hành trái phiếu siêu dài hạn trị giá 1 nghìn tỷ NDT (khoảng 139 tỷ USD) cho các dự án lớn không nằm trong ngân sách cho các ngành công nghiệp chủ chốt.
Cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ hiện cũng đang nóng lên từng ngày. Phiên họp chính sách của Fed cuối tháng 3 cũng đang thu hút sự quan tâm của thị trường tài chính toàn cầu.
DXY tăng nhẹ 0,16% do sự không chắc chắn về việc cắt giảm lãi suất và sự thận trọng chờ đợi các dữ liệu thị trường lao động Mỹ sẽ được công bố vào cuối tuần đã đẩy các thị trường hàng hóa nói chung trở lại xu hướng tiêu cực.
Dư liệu báo cáo cho thấy tồn kho ICE trên cả hai thị trường đang được bổ sung rất đáng kể sau báo cáo xuất khẩu cà phê tháng 2 từ các quốc gia sản xuất chính tăng mạnh. Nổi bật là Honduras, nhà sản xuất cà phê Arabica chế biến ướt chất lượng cao lớn nhất khu vực Trung Mỹ, chiếm vị trí hàng đầu ở ICE – US, tăng hơn 26% so với cùng kỳ.
Trong khi thị trường đồn đoán nông dân Việt Nam găm hàng thì báo cáo xuất khẩu tháng 2 của Tổng cục Thống kê đưa ra con số 200.000 tấn cà phê xuất khẩu, xấp xỉ với cùng kỳ năm trước, mặc nhiên đã phủ nhận mọi lời đồn đoán vì đó là con số khá cao so với xuất khẩu hàng tháng từ nhà sản xuất Robusta hàng đầu thế giới.
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tháng 2 vừa qua, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 200 nghìn tấn, trị giá 655 triệu USD. So với tháng 2/2023, xuất khẩu cà phê giảm 0,2% về lượng, nhưng tăng mạnh 50,3% về giá trị.
Lũy kế hai tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 438 nghìn tấn cà phê, thu về 1,38 tỷ USD, tăng 27,9% về lượng và tăng 85% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu cà phê lập kỷ lục lịch sử khi vượt qua mốc 1 tỷ USD chỉ sau 2 tháng.
Đáng chú ý, giá cà phê xuất khẩu tăng mạnh. Trong tháng 2, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 3.276 USD/tấn, tăng 7,4% so với tháng trước đó và tăng mạnh 50,6% so với tháng 2/2023. Tính chung hai háng đầu năm 2024, giá xuất khẩu bình quân cà phê của nước ta đạt 3.153 USD/tấn, tăng 44,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Về chủng loại, Việt Nam tăng xuất khẩu cà phê Robusta và Arabica, nhưng giảm xuất khẩu cà phê Excelsa và chế biến. Trong đó, Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu cà phê Robusta sang nhiều thị trường, như: Ý, Tây Ban Nha, Nga, Indonesia, Bỉ, Trung Quốc, Philippines...
Các dự báo gần đây cho thấy, giá cà phê thế giới sẽ chịu áp lực giảm trong thời gian tới do hoạt động bán tháo của các quỹ và nhà đầu cơ, bất chấp lo ngại nguồn cung đang bị thắt chặt vì vấn đề vận tải hàng hải quốc tế và nhu cầu toàn cầu về cà phê ngày càng cao.