Theo đánh giá của Quốc hội và Chính phủ, Luật Đất đai năm 2024 là kết quả của quá trình phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, với nỗ lực và quyết tâm rất cao của Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan. Trong phiên họp mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cho rằng, quá trình xây dựng Luật Đất đai năm 2024 có thể coi như một hình mẫu trong công tác phối hợp và quy trình xây dựng pháp luật.
Thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 18 của Trung ương Đảng, Luật Đất đai năm 2024 với những chính sách đổi mới đột phá sẽ góp phần quản lý, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả tài nguyên đất đai. Từ đó, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần ổn định xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo động lực mới đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Đối với đất nông nghiệp, Luật Đất đai 2024 đã hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý và sử dụng với nhiều quy định mới nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân theo hướng hiện đại, bền vững. Có thể kể đến các quyết sách quan trọng như: tổ chức kinh tế, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp sẽ được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa; người sử dụng đất nông nghiệp được kết hợp với thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu; mở rộng hạn mức và đối tượng nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp…
Chia sẻ tại tọa đàm, các đại biểu chỉ rõ, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Chính sách, pháp luật đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, vì thế, cần phải được hoàn thiện và thực thi hiệu quả.
Nhiều đại biểu cũng phân tích sâu và rõ những tác động của các chính sách mới về đất nông nghiệp trong Luật Đất đai năm 2024. Đồng thời, thảo luận về việc quy định chi tiết, hướng dẫn cụ thể để có thể thực thi ngay các chính sách này khi Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực; đề xuất các giải pháp giúp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của các chủ thể liên quan đến đất nông nghiệp hiện nay trên nền tảng là các quy định mới trong Luật Đất đai năm 2024.
Luật Đất đai 2024 đã quy định tổ chức kinh tế, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp sẽ được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa. Ngoài ra, nếu như có những khu đất nông nghiệp được Nhà nước cho phép chuyển đổi thành đất thương mại dịch vụ, đất ở thì phải nằm trong quy hoạch được duyệt của cấp có thẩm quyền. Như vậy, việc thu gom mua đất nông nghiệp rồi chờ chuyển đổi mục đích, phân lô bán nền là rất khó khả thi.
Một số đại biểu cũng đề nghị cần nhanh chóng xây dựng các dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024 liên quan đến đất nông nghiệp, bảo đảm tính khả thi, thống nhất trong thực hiện.
PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật Hà Nội cho biết thời gian qua, ở một số tỉnh do tình trạng sử dụng đất nông nghiệp phân tán, manh mún, nhỏ lẻ nên chi phí đầu vào lớn song giá thành nông sản thấp, bấp bênh vì sự không ổn định của thị trường tiêu thụ. Vì vậy, xảy ra tình trạng phổ biến đất nông nghiệp bị bỏ hoang nhưng người dân không chuyển nhượng, cho thuê.
"Tuy nhiên, Luật Đất đai 2024 cho phép tăng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân. Các quy định về tập trung đất nông nghiệp, tích tụ đất nông nghiệp cũng tạo điều kiện để nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, quy mô sản xuất hàng hóa nông sản ngày càng lớn. Tất cả những quy định này sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng đất, góp phần tăng giá các loại đất từ đất nông nghiệp", ông Tuyến nhấn mạnh.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng Luật Đất đai 2024 đã thể chế hóa quan điểm của Nghị quyết 18/NQ-TW đã đặt ra một trong những nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp là phải mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, địa phương...
"Luật Đất đai 2024 đã hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp theo hướng mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp lên không quá 15 lần hạn mức giao đất tại địa phương thay vì 10 lần như Luật Đất đai 2013. Ngoài ra, tại quy định về tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, Luật đã bổ sung quy định nhằm khuyến khích tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng manh mún, tạo điều kiện thu hút đầu tư, ứng dụng cơ giới hoá và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp", ông Hiếu nhấn mạnh.
Theo dự kiến, ngày 7/3, tại Nhà Quốc hội sẽ diễn ra Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV. Với Luật Đất đai năm 2024, việc hoàn thành các văn bản hướng dẫn bảo đảm chất lượng và trước ngày Luật có hiệu lực, đó là ngày 1/1/2025 là yếu tố quan trọng để những quy định góp phần tháo gỡ hiệu quả những vướng mắc, khó khăn liên quan đến chính sách đất đai nói chung và đất nông nghiệp nói riêng.