Dân Việt

Làm cách gì để giảm thiểu lao động trẻ em trong sản xuất cà phê ở Tây Nguyên?

Hoàng Lộc 08/03/2024 06:09 GMT+7
Để hạn chế sử dụng lao động trẻ em trong ngành hàng cà phê Việt Nam, Rainforest Alliance phối hợp với 2 Công ty TNHH Vĩnh Hiệp và Simexco triển khai nhiều hoạt động phong phú, đa dạng tại 2 tỉnh Gia Lai và Đăk Lăk.

Chiều 6/3, tại TP.Pleiku (tỉnh Gia Lai), tổ chức Rainforest Alliance phối hợp với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp và Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu 2/9 Đăk Lăk (Simexco) và các đối tác tổ chức hội thảo về "Nâng cao nhận thức nhằm hạn chế lao động trẻ em trong ngành hàng cà phê tại Việt Nam".

Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá tiến độ và kết quả chương trình sau 2 năm thực hiện, thảo luận về những khó khăn, thách thức và xác định các giải pháp khắc phục. Đồng thời lấy ý kiến góp ý từ các đối tác, các bên liên quan về việc thực hiện trong thời gian còn lại và làm thế nào để đạt được các mục tiêu của chương trình.

Làm cách gì để giảm thiểu lao động trẻ em trong sản xuất cà phê ở Tây Nguyên?- Ảnh 1.

Quang cảnh buổi hội thảo về chương trình "Nâng cao nhận thức nhằm hạn chế lao động trẻ em trong ngành hàng cà phê tại Việt Nam"

Chương trình "Nâng cao nhận thức nhằm hạn chế sử dụng lao động trẻ em trong ngành hàng cà phê tại Việt Nam" do tổ chức Rainforest Alliance phối hợp với 2 Công ty TNHH Vĩnh Hiệp và Simexco triển khai thực hiện từ tháng 4/2022 đến tháng 9/2024 tại 2 tỉnh Gia Lai và Đăk Lăk.

Nguồn tài trợ chính của chương trình đến từ Cơ quan Doanh nghiệp Hà Lan (RVO), đồng tài trợ từ tập đoàn cà phê Koninklijke Douwe Egberts B.V. (JDE Hà Lan), và Luigi Lavazza S.p.A (Italia).

Mục tiêu của chương trình nhằm cải thiện sinh kế và cân bằng giới trong việc ra quyết định của nông hộ; cải thiện hiệu quả học tập cho trẻ em và cơ hội việc làm cho thanh thiếu niên; hỗ trợ doanh nghiệp cà phê giải quyết vấn đề lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng và phối hợp với các cơ quan hữu quan, doanh nghiệp, đối tác để thực hiện chính sách bảo vệ trẻ em, lao động trẻ em.

Chương trình có các nội dung hoạt động đa dạng, phong phú từ hỗ trợ phát triển sinh kế tốt hơn thông qua tập huấn kỹ thuật canh tác cà phê và các mô hình sinh kế cho 1.500 nông dân, thúc đẩy bình đẳng giới, cải thiện chất lượng giáo dục trẻ em thông qua chương trình phụ đạo, tạo sân chơi và khả năng hòa nhập xã hội cho trẻ qua câu lạc bộ do trẻ làm chủ, và tăng cường cơ hội học nghề cho thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, chương trình còn hỗ trợ xây dựng các tổ Bảo vệ trẻ em ở cấp thôn buôn nhằm xử lý các vấn đề về trẻ em có thể xảy ra tại địa phương, như trẻ em bỏ học, trẻ bị xâm hại, bạo hành...

Làm cách gì để giảm thiểu lao động trẻ em trong sản xuất cà phê ở Tây Nguyên?- Ảnh 2.

Buổi sinh hoạt Câu lạc bộ trẻ em tại xã Glar (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai). Đây là 1 trong số nhiều hoạt động của chương trình "Nâng cao nhận thức nhằm hạn chế lao động trẻ em trong ngành hàng cà phê tại Việt Nam"

Qua 2 năm triển khai, chương trình đã đạt một số kết quả như tổ chức thành lập 31 CLB trẻ em với 408 thành viên, hoạt động định kỳ hàng quý tổ chức các hoạt động: đọc sách, trò chơi hoạt náo, vẽ tranh trên túi vải, trồng hoa; trao tặng 329 bộ sách giáo khoa, 115 bộ dụng cụ học tập cho học sinh; hỗ trợ đào tạo nghề: trang điểm, cắt tóc, sửa chữa xe máy, pha chế cà phê cho 31 thanh - thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn; tập huấn kỹ thuật canh tác cà phê và tặng mô hình sinh kế cho 1.500 nông dân; tổ chức 20 buổi truyền thông với các chủ đề: Quyền trẻ em, Luật trẻ em, Lao động trẻ em, tình trạng tảo hôn; thành lập 37 tổ bảo vệ trẻ em với 157 thành viên ở các thôn, buôn nhằm xử lý các vấn đề có thể xảy ra tại địa phương như: trẻ em bị xâm hại, bạo hành...

Tại hội thảo, các đơn vị thảo luận về thuận lợi và khó khăn trong triển khai dự án; đề ra một số nhiệm vụ trong năm 2024...