Thông tin trên được bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) chia sẻ tại buổi họp báo công bố HVNCLC 2024, diễn ra sáng nay, 7/3, tại TP.HCM.
Theo bà Kim Hạnh, kết quả từ cuộc khảo sát người tiêu dùng bình chọn HVNCLC 2024, cho thấy nhóm doanh nghiệp (DN) mới đạt tỷ lệ bầu chọn lần đầu (mới nổi) là các DN có nỗ lực mang tính đột phá trong hoạt động phân phối, với sự gia tăng độ phủ khá tốt tại các hệ thống phân phối.
"Hầu hết các DN mới đạt lần đầu là các DN cung ứng sản phẩm thực phẩm, các DN tiêu biểu trong thực hành sản xuất, đạt các chứng nhận OCOP 4 sao và 5 sao", bà Kim Hạnh cho hay.
Ngoài ra, theo khảo sát, ngành hàng có số DN đạt đủ tỷ lệ bình chọn cao nhất là ngành thực phẩm khô, đồ ăn liền, kế đến là ngành nước chấm, gia vị. Ngành đạt tỷ lệ bình chọn thấp nhất là dụng cụ làm đẹp.
"Thời gian gần đây, các kênh bán hàng online đã thích ứng và khai thác tốt nhu cầu mua sắm kết hợp giải trí của người tiêu dùng, với các hình thức livestream bán hàng. Tiêu biểu như Tiktok shop, được xem là hình thức buy-entertainment trên nền tảng kỹ thuật số.
Xu hướng này sẽ tiếp tục "nở rộ" trong thời gian tới, với sự đầu tư đa kênh, đa nội dung của những người bán hàng live-stream...", bà Vũ Kim Hạnh, nhận định.
Cuộc khảo sát của Hội doanh nghiệp HVNCLC còn ghi nhận nhiều thông tin khá thú vị từ thị trường, với một số xu hướng tiêu dùng nổi bật.
Chẳng hạn, thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam đang phát triển thực sự về chiều sâu. Người tiêu dùng không chỉ coi trọng các yếu tố chất lượng cảm nhận, độ bền, giá cả, mà ngày càng quan tâm đến sản phẩm tốt cho sức khỏe.
Đặc biệt, xu hướng lựa chọn sản phẩm "xanh" và "sạch" thân thiện môi trường, hoặc đạt các chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, trở thành ưu tiên hàng đầu.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh thế giới với nguồn tài nguyên cạn kiệt, ô nhiễm môi trường gia tăng, biến đổi khí hậu đang ngày một xấu… hầu hết các báo cáo, nghiên cứu đều nhận định: Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu trong thời gian tới.
"Các xu hướng đó sẽ chi phối và thúc đẩy việc phát triển kinh tế phải đảm bảo cho các nguồn lực tự nhiên được tiết kiệm, phát huy hiệu quả, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu cả về số lượng và môi trường sống trong tương lai", bà Kim Hạnh nói.
Ông Nguyễn Văn Phượng, phụ trách chương trình khảo sát bình chọn HVNCLC, cũng cho biết "thói quen" tiêu dùng đã thay đổi lớn sau đại dịch Covid-19.
Dữ liệu cho thấy, có 69% người tiêu dùng chọn sản phẩm tốt cho sức khỏe hoặc đạt các chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng. 45% chọn sản phẩm truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Sản phẩm được sản xuất theo quy trình sản xuất hữu (có chứng nhận organic) có tỷ lệ người chọn mua là 25%.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy, các kênh bán lẻ truyền thống vẫn chiếm ưu thế, đặc biệt là cửa hàng chuyên/cửa hàng tạp phẩm/đại lý trong việc cung ứng hầu hết các loại sản phẩm tiêu dùng, do những hấp lực về chất lượng, giá cả, đặc biệt là sự thuận tiện hay sự thân thiện của người bán...
Năm 2024, dự báo nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Kết quả khảo sát của Hội Doanh nghiệp HVNCLC về mức độ mua sắm của người tiêu dùng năm 2024 so với năm 2023, cho thấy có tín hiệu lạc quan hơn, nhưng mức gia tăng không đáng kể.
Cụ thể, chỉ có khoảng gần 1/3 số người tiêu dùng được khảo sát (30%) cho biết mức chi tiêu mua sắm năm 2024 sẽ tăng hơn chút ít so với năm 2023, còn trên 40% người tiêu dùng cho biết sẽ tiếp tục cắt giảm mua sắm. Khoảng 30% người tiêu dùng còn lại cho biết không thay đổi mức mua sắm so với năm 2023.
"Có thể nói, thời gian trước mắt, ít nhất là 6 tháng đầu năm 2024, vẫn là chặng đường khó khăn đối với doanh nghiệp về bài toán thâm nhập, chinh phục người tiêu dùng, mở rộng thị trường", bà Vũ Kim Hạnh, nhận định.
Đặc biệt, trong khi sức mua thấp, doanh nghiệp bán hàng kém, thì các tổng kho lớn đã được xây dọc biên giới phía bắc và hàng tiêu dùng Trung Quốc đã tăng lượng bán xuyên biên giới. Lợi thế của họ là giá rẻ, vận chuyển nhanh, mẫu mã đa dạng, sẽ tạo nên sức cạnh tranh đầy khốc liệt.
Để gỡ khó cho thị trường, theo bà Kim Hạnh, hơn lúc nào hết các doanh nghiệp HVNCLC bên cạnh việc phải luôn duy trì sản phẩm chất lượng tốt, tính toán lại về chiến lược và mô hình kinh doanh, cần quan tâm hơn việc tiếp thị và bán hàngbằng các công cụ và công nghệ mới hiệu quả hơn, khi mà người tiêu dùng hiện nay sử dụng các nền tảng mạng xã hội ngày một nhiều.
"Việc thay đổi cách tiếp cận trong việc bán hàng cũng là cơ hội để hàng Việt có thể xuất khẩu sang những thị trường lớn tỷ dân", bà Hạnh nói thêm.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, cuộc khảo sát bình chọn HVNCLC năm nay tập trung cả 2 đối tượng: Phỏng vấn trực tiếp người tiêu dùng và nhà bán lẻ. Khảo sát diễn ra tại 4 thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ. Bên cạnh là khảo sát trực tuyến thường niên (trên phạm vi toàn quốc, với sự tham gia của người tiêu dùng ở tất cả 63 tỉnh/ thành).
Kết quả ghi nhận hơn 70.000 lượt bình chọn bằng cả 2 hình thức cho các doanh nghiệp.
Kết quả sơ bộ có 642 doanh nghiệp được người tiêu dùng bình chọn HVNCLC 2024. Danh sách sơ bộ này đã được công bố trên cổng thông tin HVNCLC và các trang điện tử, gửi thư thông báo từng doanh nghiệp từ cuối tháng 12/2023.
Sang giai đoạn 2, Hội doanh nghiệp HVNCLC đã tiến hành kiểm tra, xác minh, đối chiếu, trong đó có tiếp nhận hồ sơ minh bạch của doanh nghiệp và gửi thư tới các cơ quan chức năng quản lý kinh tế tại địa phương liên quan, để tiếp nhận thông tin chính thức về doanh nghiệp.