Giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam liên tục lập đỉnh, doanh nghiệp cà phê nào hưởng lợi lớn?

Nguyễn Phương Thứ năm, ngày 07/03/2024 05:50 AM (GMT+7)
Giá cà phê xuất khẩu liên tục lập đỉnh và nhiều dự báo cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu cà phê sẽ hưởng lợi lớn. Nhưng nhìn chung, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp cà phê đang giao dịch trên sàn chứng khoán không đồng đều, kết quả lợi nhuận phân hóa mạnh...
Bình luận 0

Kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp cà phê phân hóa mạnh...

Trong quý IV/2023, CTCP VinaCafé Biên Hòa (Mã: VCF) ghi nhận doanh thu thuần đạt 811 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế đạt 143 tỷ đồng, tăng 33%.

Thành viên của Tập đoàn Masan giải trình lợi nhuận thuần tăng do tăng trưởng doanh số của ngành hàng cà phê hoà tan và nước tăng lực vị cà phê, cùng với tiết giảm hiệu quả chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, thu nhập thuần từ hoạt động tài chính tăng 223%, do tối ưu hoá dòng tiền cho hoạt động đầu tư.

Luỹ kế cả năm, VinaCafé Biên Hòa đạt 2.353 tỷ đồng doanh thu thuần và 450 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 6,6% và 41% so với mức nền thấp của năm 2022.

Cũng trong quý IV/2023, CTCP Cà phê Thắng Lợi (Mã: CFV) ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 74 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Công ty lãi sau thuế 2,2 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ và cao nhất trong vòng 5 quý trở lại đây. 

Cà phê Thắng Lợi cho biết do giá cà phê trong nước tăng đột biến. Công ty tập trung thu mua cà phê, tăng cường sản xuất dẫn đến khối lượng hàng xuất khẩu tăng, cùng với đó, công ty đã tiết giảm chi phí khiến cho tình hình kinh doanh đạt hiệu quả cao hơn.

Luỹ kế cả năm, Cà phê Thắng Lợi ghi nhận doanh thu thuần đạt 456 tỷ đồng, nhích nhẹ so với năm 2022. Lãi sau thuế đạt 3,5 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với mức đáy của năm 2022.

Với Cà phê Petec (Mã: PCF), công ty này ghi nhận doanh thu thuần trong quý IV/2023 đạt 34 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ. Sau khi trừ các chi phí, Cà phê Petec lỗ sau thuế 569 triệu đồng, cùng kỳ lỗ 2,7 tỷ đồng.

Lũy kế năm 2023, doanh thu thuần của công ty đạt 204 tỷ đồng, giảm 11% so với năm trước đó. Nhờ giá vốn giảm và tiết giảm được chi phí tài chính nên công ty vẫn có lãi sau thuế gần 207 triệu đồng cả năm, cải thiện so với khoản lỗ 2,1 tỷ đồng năm 2022. Dù vậy tính tới hết năm 2023, Cà phê Petec lỗ lũy kế hơn 23,3 tỷ đồng.

Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Tài chính Kế toán và Kiểm toán Phía Nam đã có ý kiến ngoại trừ về báo cáo tài chính năm 2023 của Cà phê Petec, tại ngày 31/12/2023, số dư về khoản thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào khấu trừ hơn 6 tỷ đồng, trong đó phần lớn là khoản thuế đã tồn tại nhiều năm nay.

Theo giải thích từ Cà phê Petec, công ty đã làm thủ tục xin Cục Thuế TP.HCM để được hoàn thuế và đến nay vẫn đang chờ xác minh từ Cục Thuế.

Giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam liên tục lập đỉnh, doanh nghiệp cà phê nào hưởng lợi lớn?- Ảnh 1.

Giá cà phê xuất khẩu liên tục lập đỉnh và nhiều dự báo cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu cà phê sẽ hưởng lợi lớn.

Trái ngược với các doanh nghiệp cà phê trên, CTCP Cà phê Phước An (Mã: CPA) tiếp tục thua lỗ trong năm qua.

Quý IV/2023, Cà phê Phước An đạt doanh thu thuần hơn 5 tỷ đồng, tăng 170% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tổng chi phí hơn 11 tỷ đồng đã ăn mòn hết lợi nhuận gộp, khiến công ty lỗ sau thuế hơn 6 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ gần 8 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2023, Cà phê Phước An lỗ sau thuế gần 15 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 16,4 tỷ đồng.

CTCP Cà phê Gia Lai (Mã: FGL) cũng chung số phận khi lỗ lũy kế gần 87 tỷ đồng. Cụ thể: CTCP Cà phê Gia Lai cũng phải ghi nhận lỗ sau thuế gần 3 tỷ đồng trong quý IV/2023, so với mức lỗ 16,5 tỷ đồng cùng kỳ. Mặc dù doanh thu thuần của Cà phê Gia Lai tăng 49%.

Công ty giải trình nguyên nhân lỗ (thực tế là giảm lỗ) là do tiền thuê đất năm 2022 và năm 2023 được miễn giảm. Đồng thời trong kỳ công ty đã thu được sản lượng niên vụ của các niên vụ cũ bằng tiền mặt 124 triệu đồng, cùng kỳ không phát sinh.

Song song đó, doanh thu bán cà phê (chủ yếu là bán cà phê nhân xô) tăng vọt do giá cà phê đã tăng 45% so với đầu năm. Ngoài ra, công ty không còn phân bổ chi phí đầu tư vườn chuối dài hạn trong quý IV/2023 và cùng kỳ phải hạch toán phần lỗ từ thanh lý dự án trồng chuối.

Luỹ kế cả năm 2023, Cà phê Gia Lai ghi nhận doanh thu thuần đạt 11,3 tỷ đồng, giảm 18% và lỗ sau thuế gần 12,4 tỷ đồng, giảm so với mức lỗ 25 tỷ đồng năm 2022. Dù vậy tính đến hết năm 2023, lỗ lũy kế của Cà phê Gia Lai vẫn gần 87 tỷ đồng.

CTCP Minh Khang Capital Trading Public (Mã: CTP) cũng khá u ám khi doanh thu và lợi nhuận đều giảm. CTCP Minh Khang Capital Trading Public ghi nhận doanh thu thuần trong quý IV/2023 đạt 23,5 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước.

Giá vốn cao và các chi phí tăng khiến lợi nhuận sau thuế còn 90 triệu đồng, giảm 78% so với cùng kỳ năm 2022.

Luỹ kế cả năm 2023, doanh thu thuần của Minh Khang Capital Trading Public đạt 88 tỷ đồng, lãi sau thuế 230 triệu đồng, giảm lần lượt 25% và 69% so với thực hiện năm 2022.

Ở diễn biến khác, Chủ tịch Hội đồng quản trị Minh Khang Capital Trading Public là ông Nguyễn Tuấn Thành đã hoàn tất bán hơn 1,3 triệu cổ phiếu CTP trong ngày 2/2, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 23,76% về 12,74% vốn điều lệ.

Cà phê tiếp tục được hưởng lợi về giá, khuyến cáo "nóng" doanh nghiệp

Cho đến hiện tại, hoạt động thu hoạch cà phê của niên vụ 2023 – 2024 đã gần như kết thúc. Theo dự báo của Hiệp hội Cà phê –Cacao sản lượng cà phê được dự báo giảm 10% so với niên vụ trước đó xuống 1,6 triệu tấn. Nguyên nhân là do diện tích trồng cà phê bị thu hẹp do dân chuyển sang trồng sầu riêng.

Một số doanh nghiệp cho biết năm nay hụt số lượng do phải bù cho lượng cà phê hụt năm trước, dẫn tới việc tình trạng khan hàng đến sớm hơn, ngay từ tháng 2 đầu năm. Khoảng 70% nông dân trồng cà phê đã bán hết hàng, còn 30% chưa bán do khả năng tài chính của họ đủ để trang trải các chi phí.

Một số doanh nghiệp nhập thêm cà phê từ nước khác để đảm bảo nguồn cung xuất khẩu, chủ yếu là doanh nghiệp FDI.

Hiện cơ quan hải quan Việt Nam chưa cập nhật số liệu tổng lượng cà phê Việt Nam nhập khẩu. Tuy nhiên, theo số liệu từ Hải quan của Brazil, lượng cà phê nước này xuất khẩu sang Việt Nam trong tháng 1/2024 đã tăng kỷ lục 700% lên 10.666 bao (tương đương khoảng 640 tấn).

Giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam liên tục lập đỉnh, doanh nghiệp cà phê nào hưởng lợi lớn?- Ảnh 2.

Trong bối cảnh giá nông sản tăng mạnh, các chuyên gia khuyến cáo, các doanh nghiệp xuất khẩu cần có kế hoạch chủ động liên kết phát triển vùng nguyên liệu, đảm bảo nguồn hàng ổn định và có kế hoạch đơn hàng cụ thể.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2024 cả nước xuất khẩu 238.266 tấn cà phê, tương đương 726,59 triệu USD, giá trung bình 3.049,5 USD/tấn, tăng 14,8% về lượng, tăng 21,2% về kim ngạch và tăng 5,6% về giá so với tháng 12/2023; còn so với tháng 1/2023 thì tăng mạnh 67,2% về khối lượng, tăng 134% về kim ngạch và tăng 40% về giá.

Thị tường Đông Nam Á vẫn đứng đầu về tiêu thụ cà phê của Việt Nam, chiếm 11,6% trong tổng lượng và chiếm 13% trong tổng kim ngạch cà phê xuất khẩu của cả nước, đạt 27.656 tấn, tương đương gần 94,29 triệu USD, giá trung bình 3.409 USD/tấn, tăng 59% về lượng, tăng 53% về kim ngạch nhưng giảm nhẹ 3,7% về giá so với tháng 12/2023; so với tháng 1/2023 tăng mạnh 306% về lượng, tăng 318% về kim ngạch và tăng 2,9% về giá.

Tiếp sau đó là thị trường Đức chiếm trên 11,3% trong tổng lượng và chiếm 10,9% trong tổng kim ngạch, đạt 26.976 tấn, tương đương 79,22 triệu USD, giá trung bình 2.936,7 USD/tấn, giảm 3,5% về lượng nhưng tăng 7,4% về kim ngạch và tăng 11,2% về giá so với tháng 12/2023; so với tháng 1/2023 tăng 25,6% về lượng, tăng mạnh 87% về kim ngạch và tăng 49% về giá.

Thị trường Italia đứng thứ 3 đạt 22.915 tấn, tương đương 64,85 triệu USD, giá 2.830 USD/tấn, tăng 35% về lượng, tăng 46,5% về kim ngạch và tăng 8,5% về giá so với tháng 12/2023; cũng tăng 32,7% về lượng, tăng 81,6% kim ngạch và tăng 36,9% về giá so với tháng 1/2023, chiếm 9,6% trong tổng lượng và chiếm 8,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước.

Xuất khẩu sang các thị trường FTA RCEP đạt 56.240 tấn, tương đương 183,33 triệu USD, tăng 234,3% về lượng, tăng 286% kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang các thị trường EU đạt 87.748 tấn, tương đương 263,18 triệu USD, tăng 41,2% về lượng, tăng 95% kim ngạch.

Giá cà phê đến hôm nay giảm nhẹ nhưng vẫn giữ ở mức cao. Cụ thể, giá cà phê tại Lâm Đồng giảm 200 đồng/kg xuống mức 86.000 đồng/kg - thấp nhất trong các địa phương khảo sát. Giá cà phê hôm nay tại Gia Lai giảm 200 đồng/kg, xuống mức 86.600 đồng/kg; tại Đắk Lắk giảm 200 đồng/kg xuống mức 86.800 đồng/kg. Trong khi đó, giá cà phê hôm nay tại Đắk Nông giảm 200 đồng/kg, xuống mức 86.900 đồng/kg - cao nhất cả nước.

Các chuyên gia dự báo, trong thời gian tới giá cà phê sẽ vẫn duy trì ở mức cao khi nguồn cung hạn chế dần. Như đã đề cập ở trên, lượng cà phê xuất khẩu trong tháng 1 đạt kỷ lục trong khi hàng trong dân chỉ còn khoảng 30%. 

Thị trường có hiện tượng bán nhỏ giọt phần còn lại. Trong khi đó, quý I là thời điểm các nhà rang tìm đến Việt Nam do có hàng mới (cà phê vừa mới thu hoạch). 

Điều này có thể đẩy giá cà phê tiếp tục cao trong tháng 3. Tuy nhiên, xu hướng giá có thể đảo chiều vào khoảng tháng 4, 5 khi Indonesia và Brazil bắt đầu thu hoạch, nguồn hàng dồi dào hơn, các nhà rang xay có thể tìm đến những quốc gia này.

Một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn ở Đắk Lắk cho biết, với giá cà phê như hiện nay, thì với doanh nghiệp, dù có nhiều lời đề nghị mua hàng, doanh nghiệp cũng không dám nhận đơn hàng phát sinh thêm ngoài kế hoạch bởi nguồn cung cà phê trong nước khó đáp ứng. Vụ năm nay, sản lượng cà phê của Việt Nam không đổi, trong khi một phần nguồn cung đã phải xuất để bù cho đơn hàng còn thiếu trước đó.

Ông Vũ Đức Côn - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Lắk - đánh giá, ngành cà phê thế giới đã qua thời kỳ cà phê giá rẻ. Sau đợt sốt giá này, giá cà phê có thể tăng hoặc giảm nhưng không thể xuống đáy như những năm vừa qua.

Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam nhận định, nguồn cung cà phê trên thị trường đang thiếu, nên đây là lợi thế cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước. Ngoài ra, việc EU đưa cà phê vào diện phải đáp ứng Quy định chống phá rừng (EUDR) từ giữa năm 2023, cũng là yếu tố ảnh hưởng đến giá cà phê khi nhiều nước chưa kịp đáp ứng. Do đó, cà phê Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi về giá và được khách hàng tìm kiếm nhiều hơn.

Trong bối cảnh giá nông sản tăng mạnh, các chuyên gia khuyến cáo, các doanh nghiệp xuất khẩu cần có kế hoạch chủ động liên kết phát triển vùng nguyên liệu, đảm bảo nguồn hàng ổn định và có kế hoạch đơn hàng cụ thể. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tránh bị động, rơi vào tình cảnh thua lỗ, thậm chí bị phạt hợp đồng...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem