Theo các chuyên gia, xét tuyển sớm là phương thức mang lại nhiều lợi thế, giúp thí sinh giảm áp lực, cơ hội trúng tuyển cao. Tuy nhiên, thí sinh cũng cần chủ động tìm hiểu thông tin và các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về vấn đề này, tránh việc biến lợi thế thành rủi ro khi đăng ký xét tuyển sớm.
Xét tuyển sớm là các phương thức tuyển sinh ĐH không sử dụng điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT như: Xét học bạ, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực/đánh giá tư duy, xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hoặc các hình thức ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng của các trường ĐH… Xét tuyển sớm là hình thức tuyển sinh rất mở, tạo điều kiện tốt cho thí sinh trúng tuyển vào ngành mình yêu thích; đồng thời là cơ hội để cơ sở đào tạo tuyển được những sinh viên có chất lượng, phù hợp với ngành nghề đào tạo. Trong vài năm trở lại đây, có rất nhiều thí sinh lựa chọn hình thức xét tuyển này.
Em Nguyễn Phương Anh, học sinh lớp 12 Trường THPT Ngô Thì Nhậm (Hà Nội) chia sẻ: “Ngoài việc sử dụng phương thức xét tuyển ĐH bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, em đang nghiên cứu để đăng ký thêm xét học bạ THPT và xét chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Theo em, xu hướng xét chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, xét học bạ THPT phổ biến trong những năm gần đây. Việc xét tuyển sớm cũng giúp em cảm thấy yên tâm, giảm bớt áp lực thi cử”.
Theo quy định của Bộ GDĐT, thí sinh có nhu cầu đăng ký xét tuyển (ĐKXT) sớm sẽ phải nộp hồ sơ tại trường ĐH theo quy định trong thông báo tuyển sinh của trường. Trường sẽ tiến hành xét tuyển và công bố kết quả xét tuyển sớm nhưng kết quả chỉ là tạm thời, có điều kiện. Thí sinh đã được trường thông báo trúng tuyển sớm phải tiếp tục đăng ký NVXT trên hệ thống của Bộ GD&ĐT để được xét tuyển theo quy định. Kết quả trúng tuyển sớm chỉ được công nhận chính thức khi thí sinh đã được công nhận tốt nghiệp THPT, có đặt nguyện vọng ĐKXT trên hệ thống vào ngành mà thí sinh đủ điều kiện và được công nhận trúng tuyển trên hệ thống của Bộ GDĐT.
Nguyên tắc xét tuyển của Bộ GDĐT là tất cả các NVXT của thí sinh vào trường được xử lý trên hệ thống xét tuyển chung và mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đã đăng ký khi bảo đảm điều kiện trúng tuyển; tất cả các thí sinh xác nhận nhập học bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống trước khi nhập học tại trường. Do đó, nếu không nắm vững các quy định chung này, các em sẽ rất dễ sai sót, sơ suất, thậm chí là có thể biến lợi thế thành rủi ro.
Thông tin thêm về phương án tuyển sinh ĐH năm 2024, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GDĐT cho biết: Quy chế tuyển sinh ĐH về cơ bản giữ ổn định, các phương thức xét tuyển của các trường ĐH nhìn chung cũng không thay đổi nhiều so với năm trước. Nếu có, chủ yếu các trường cũng chỉ điều chỉnh thêm, bớt phương thức hoặc thay đổi cách thức xét trong một phương thức cụ thể cho phù hợp hơn.
Về xét tuyển sớm, Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy lưu ý các trường ĐH công bố phương thức xét tuyển cùng thời hạn nộp hồ sơ cụ thể, do đó, thí sinh cần chú ý để không bỏ lỡ. Tuy nhiên, bà Thủy cũng khuyến cáo thí sinh khi tham gia xét tuyển sớm dù được trường ĐH công bố đủ điều kiện trúng tuyển thì các em vẫn chưa thực sự trúng tuyển. Thí sinh dù trúng tuyển sớm vẫn phải đăng ký nguyện vọng đó lên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GDĐT, nếu không kết quả trúng tuyển sớm sẽ không có giá trị. Nếu đủ điều kiện trúng tuyển sớm, khi đăng ký trên hệ thống của Bộ, thí sinh chỉ cần đặt nguyện vọng 1 là chắc chắn trúng tuyển, còn nếu như các em vẫn phân vân thì cân nhắc thêm việc sắp xếp thứ tự nguyện vọng ĐKXT theo mức độ ưu tiên những ngành học, trường học mà mình yêu thích lên đầu.
Theo bà Thủy, việc yêu cầu thí sinh trúng tuyển sớm đăng ký NVXT trên hệ thống của Bộ GDĐT nhằm đảm bảo quyền lợi của thí sinh. Khi đó, thí sinh không bắt buộc phải xác nhận nhập học bằng xét tuyển sớm nhưng vẫn đảm bảo việc trúng tuyển phương thức này đồng thời vẫn có thể tăng thêm cơ hội xét tuyển bằng các phương thức khác. Để đảm bảo quyền lợi của thí sinh, các trường ĐH cần phải hướng dẫn chi tiết về nội dung này.