Sáng 7/3, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử đại án liên quan đến đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và người đứng đầu là bị cáo Trương Mỹ Lan cùng 85 bị cáo. Trong đó có 5 bị cáo bị xét xử vắng mặt (do đang bỏ trốn). Có 78/86 bị cáo có mặt trong phiên xử của ngày thứ 3.
Bị cáo Bùi Anh Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng SCB) là người thứ hai bước lên bục khai báo sau bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, cựu tổng giám đốc Ngân hàng SCB. Bị cáo Bùi Anh Dũng thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như cáo trạng quy kết.
Theo cáo trạng, từ năm 2013 đến ngày 22/9/2022, bị cáo Dũng đã có hành vi giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền 104.259 tỷ đồng và gây thiệt hại 213.938 tỷ đồng. Tại tòa, bị cáo cho biết thời gian làm việc tại ngân hàng này được trả mức lương thấp nhất là 70 triệu đồng và cao nhất là 500 triệu đồng/tháng.
HĐXX hỏi lý do được chọn làm Chủ tịch HĐQT bị cáo Dũng nói: "Tôi được người tiền nhiệm là bà Nguyễn Thị Thu Sương giới thiệu là người hiền lành, không quậy phá nên được bà Trương Mỹ Lan chọn…".
Bị cáo Dũng đã nhận thấy hành vi sai phạm của mình gây ra thiệt hại quá lớn nên xin dùng số tiền 40 tỷ bị cáo Trương Mỹ Lan đã cho để khắc phục hậu quả vụ án. Bị cáo Dũng còn cho biết thêm, đã khắc phục được khoảng 30 tỷ đồng và xin tiếp tục khắc phục thêm...
Trước đó, là người được xét hỏi đầu tiên, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn cho rằng, cáo trạng xác định thiệt hại vì căn cứ định giá nhưng chỉ có khoảng 400 trong tổng số hơn 1.000 tài sản đảm bảo được định giá, số còn lại thiếu giấy tờ pháp lý.
Cũng theo bị cáo này, ban đầu khi xét cho vay, hồ sơ đứng tên vay đều không liên quan Vạn Thịnh Phát hay cá nhân bà Trương My Lan và đều có tài sản đảm bảo nên: "Căn cứ rà soát của bộ phận liên quan để duyệt, sau kết nối mọi thứ xác định người vay đứng tên hộ mới thấy liên quan tập đoàn Vạn Thịnh Phát".
Chủ tọa tiếp tục hỏi, SCB huy động 511 nghìn tỷ đồng của người dân nhưng cho nhóm bà Lan tới hơn 90%, còn 9 – 10% là cho khách vay, tại sao? Có đúng SCB thành công cụ tài chính của Trương Mỹ Lan không?
Ông Văn đáp : "Thưa đúng" và lý giải vì tin tưởng tài năng của Trương Mỹ Lan sẽ giúp doanh nghiệp phát triển, tạo cho SCB cơ hội vượt trội qua khủng hoảng. Ngoài ra, bà Trương Mỹ Lan có cách thức kinh doanh bất động sản lâu dài chiến lược tốt chứ không phải "mua đất, xây xong rồi bán" nên những tài sản đảm bảo của người phụ nữ sẽ "sinh lời, bù đắp cho các khoản vay trước đây".
Theo hồ sơ vụ án, từ năm 2011, bà Trương Mỹ Lan đã thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân để hợp nhất thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và lợi dụng hoạt động của ngân hàng để huy động vốn phục vụ kinh doanh cá nhân. Bà Lan sử dụng SCB như một công ty tài chính để cấp vốn cho hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát.
Với việc sở hữu 91,5% cổ phần của SCB thông qua nhiều cá nhân, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lãnh đạo ngân hàng cùng cán bộ chủ chốt ở Vạn Thịnh Phát rút tiền của SBC bằng hình thức lập các hồ sơ vay khống, có khi chỉ đạo rút tiền trước, hoàn thiện hồ sơ sau. Trong 10 năm liên tiếp (từ 2012 đến 2022), SCB đã giải ngân cho nhóm của bà Lan hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1.066.000 tỷ đồng.