Vụ Vạn Thịnh Phát: Chủ tọa hỏi SCB ‘phát triển đi đâu’ khi Trương Mỹ Lan năm quyền điều hành
Vụ Vạn Thịnh Phát: Chủ tọa hỏi SCB ‘phát triển đi đâu’ khi Trương Mỹ Lan nắm quyền điều hành
Chinh Hoàng - Gia Bình
Thứ năm, ngày 07/03/2024 10:06 AM (GMT+7)
Chủ tọa phiên tòa vụ Vạn Thịnh Phát hỏi bị cáo nguyên là Tổng Giám đốc SCB: SCB huy động 511 nghìn tỷ đồng của người dân nhưng cho nhóm Trương Mỹ Lan vay tới hơn 90%, còn 10% là cho khách khác vay, tại sao? Có đúng SCB thành công cụ tài chính của Trương Mỹ Lan không?
Sáng 7/3, tại phiên tòa vụ Vạn Thịnh Phát, cựu tổng giám đốc Ngân hàng SCB Võ Tấn Hoàng Văn là người đầu tiên được HĐXX gọi lên xét hỏi.
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa sáng nay. Ảnh: Lê Giang
Ông Văn bị cáo buộc giúp sức tích cực để Trương Mỹ Lan rút tiền của SCB, gây thiệt hại đặc biệt lớn. Cụ thể trong giai đoạn 2013 – 2017, Văn duyệt sai 290 khoản vay cho bà Trương Mỹ Lan, gây thiệt hại hơn 60.502 tỷ đồng. Giai đoạn 2018 – 2020, bị cáo Văn duyệt 304 khoản vay, gây thiệt hại 101.247 tỷ đồng.
Khai báo tại tòa, bị cáo Văn cho hay là người có kinh nghiệm kế toán nên được bổ nhiệm Phó ban chiến lược SCB, rồi sau đó được bà Trương Mỹ Lan đồng ý cho giữ chức Tổng giám đốc.
Chủ tọa Phạm Lương Toản hỏi, bị cáo là người có trình độ, am hiểu tài chính ngân hàng nên biết luật quy định trong công ty cổ phần như SCB, việc bổ nhiệm Tổng giám đốc là việc của HĐQT, tại sao bà Trương Mỹ Lan không có vị trí, vai trò gì trong ngân hàng lại quyết định việc này?
Ông Văn cho rằng, bà Trương Mỹ Lan tuy không giữ chức vụ gì trong SCB nhưng lại nắm nhiều cổ phần. Ông nói cũng không biết bao nhiêu nhưng sau "khi sự việc vỡ lở", mới biết là rất nhiều (theo cáo trạng là hơn 91%)
Lý giải việc duyệt các khoản vay giúp Trương Mỹ Lan, bị cáo Văn nêu 2 lý do, thứ nhất bà Trương Mỹ Lan "rất quan tâm lãnh đạo SCB" và thứ 2: "Bị cáo tin tưởng tài năng của bà trương Mỹ Lan sẽ giúp cho SCB vượt qua khủng hoảng sau khi sát nhâp 3 ngân hàng".
Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, nguyên Tổng Giám đốc SCB là người bị xét hỏi đầu tiên trong phiên tòa vụ Vạn Thịnh Phát. Ảnh PV
Bị cáo Văn nói thêm, các báo cáo tài chính mình ký đã thể hiện chính xác tình trạng thực tế của ngân hàng.
Chủ tọa hỏi: "Có chỗ nào phản ánh thực tế đâu? Toàn làm ẩu, cho vay trước, hợp thức sau thôi. Sau khi hợp nhất 3 ngân hàng, tổng nợ 114 tỷ đồng, tổng trả nợ vừa vặn… Sau một thời gian cơ cấu, càng ngày, tình trạng tài chính của ngân hàng âm vốn càng lớn, lên gần 1 triệu tỷ đồng rồi. Thế phát triển đi đâu?"
Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn cho rằng, cáo trạng xác định thiệt hại vì căn cứ định giá nhưng chỉ có khoảng 700 trong tổng số hơn 1.000 tài sản đảm bảo được định giá, số còn lại thiếu giấy tờ pháp lý.
"Bị cáo có tư tưởng, cơ sở xác định tổn thất dự kiến chỉ để có cơ sở trao đổi trong phiên tòa nhưng tổn thất thật sự chỉ biết được khi bán đi tài sản đó rồi trừ đi khoản vay", lời bị cáo Văn.
Cũng theo bị cáo này, ban đầu khi xét cho vay, hồ sơ đứng tên vay đều không liên quan Vạn Thịnh Phát hay cá nhân bà Lan và đều có tài sản đảm bảo nên: "Căn cứ rà soát của bộ phận liên quan để duyệt, sau kết nối mọi thứ xác định người vay đứng tên hộ mới thấy liên quan tập đoàn Vạn Thịnh Phát".
Chủ tọa tiếp tục hỏi, SCB huy động 511 nghìn tỷ đồng của người dân nhưng cho nhóm bà Lan tới hơn 90%, còn 9 – 10% là cho khách vay, tại sao? Có đúng SCB thành công cụ tài chính của Trương Mỹ Lan không?
Ông Văn đáp : "Thưa đúng" và lý giải vì tin tưởng tài năng của Lan sẽ giúp doanh nghiệp phát triển, tạo cho SCB cơ hội vượt trội qua khủng hoảng. Ngoài ra, bà Trương Mỹ Lan có cách thức kinh doanh bất động sản lâu dài chiến lược tốt chứ không phải "mua đất, xây xong rồi bán" nên những tài sản đảm bảo của người phụ nữ sẽ "sinh lời, bù đắp cho các khoản vay trước đây".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.