Sáng 7/3, phát biểu bế mạc Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, điểm khác của Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất là Hội nghị lần này đã được tổ chức sớm hơn. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Nhà Quốc hội kết hợp với trực tuyến kết nối với 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương với sự tham gia của 1147 đại biểu tham dự tại điểm cầu trung ương và địa phương.
Hội nghị đã nghe hai báo cáo quan trọng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đầy đủ và khái quát, thống kê cụ thể hơn 400 nội dung chi tiết gắn với từng cơ quan và thời hạn để quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết cho thấy trách nhiệm, kì công của các cơ quan.
Điểm lại những nội dung chính của Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ qua tình hình thực tế và báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chính phủ và các tham luận tại Hội nghị cho thấy đã có chuyển biến tích cực trong công tác triển khai luật, nghị quyết, nhất là sau thành công của Hội nghị toàn quốc lần thứ Nhất. Các cơ quan đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, chủ động, quyết liệt khắc phục mọi khó khăn, thách thức, nhất là sức ép về mặt tiến độ, phạm vi, khối lượng công việc để nỗ lực khẩn trương sớm triển khai thi hành luật, nghị quyết...
Theo Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo đẩy mạnh truyền thông, thông tin kịp thời đến cử tri, Nhân dân về kết quả các kỳ họp và về luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao vai trò và sự tham gia của mạng xã hội trong công tác thông tin, tuyên truyền về các dự án luật, nhất là dự án Luật Đất đai.
"Theo dõi tôi thấy mừng lắm, có những tiktoker, blogger chỉ phân tích khoản 4 của Luật Đất đai, định nghĩa thế nào là người Việt Nam ở nước ngoài, người gốc nước ngoài… chỉ buổi lên sóng như vậy thu hút hàng trăm nghìn lượt người tham gia, phân tích các điểm mới của dự án luật với từng đối tượng. Tôi cho đây là một điểm rất mới, vai trò của mạng xã hội tham gia vào rất nhiều", Chủ tịch Quốc hội nêu.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, mạng xã hội còn đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu các tác phẩm điện ảnh Nhà nước đặt hàng. "Không có hiệu ứng của truyền thông xã hội, chưa chắc nhiều người đã biết đến phim "Đào, phở và piano"", Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là một kinh nghiệm và cần phải nghiên cứu.
Ghi nhận các kết quả triển khai thi hành Luật, tuy nhiên, người đứng đầu Quốc hội nhấn mạnh, đây mới chỉ là bước đầu. Khối lượng công việc cần tiếp tục thực hiện là rất lớn.
"Đặc biệt nhiều luật của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ bất thường thứ 5 có số lượng điều luật, nội dung giao Chính phủ, các cơ quan quy định vừa nhiều, vừa khó, vừa đòi hỏi cao về tiến độ, vừa quy định nhiều chính sách mới, đặc thù, các nhiệm vụ, quyền hạn mới theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các cơ quan", Chủ tịch Quốc hội nêu và cho rằng với nhiều thử thách như vậy, việc triển khai các luật, nghị quyết trên đòi hỏi sự tập trung, nỗ lực, quyết tâm rất lớn của các cơ quan.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bám sát những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể về triển khai đối với từng luật, nghị quyết thông qua, được nêu cụ thể trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sớm ban hành danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua và phân công cụ thể cơ quan chủ trì soạn thảo, gắn với thời hạn hoàn thành.
Đồng thời, cần tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khẩn trương xây dựng và ban hành theo thẩm quyền 56 văn bản quy định chi tiết; bảo đảm tiến độ, chất lượng để kịp thời có hiệu lực cùng với luật, nghị quyết, có tính khả thi, nhất quán, đồng bộ…
"Không để chồng chéo, phát sinh vướng mắc, điểm nghẽn, phát sinh quy trình, thủ tục, "giấy phép con" trái quy định trong tổ chức thực hiện. Đồng thời, chú ý các chính sách, quy định mới, có hiệu lực sớm hơn so với hiệu lực chung của luật", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động rà soát, nghiên cứu, chuẩn bị điều kiện cần thiết và tổ chức thực hiện các thẩm quyền, nhiệm vụ được giao, nhất là những thẩm quyền, nhiệm vụ mới được bổ sung trong các luật, nghị quyết của Quốc hội, cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù được áp dụng tại địa phương, cơ quan mình.